• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Giá keo xuống thấp, người trồng khốn khó

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 16/11/2017
Ngày cập nhật: 17/11/2017

Rừng keo của ông Nguyễn Hoàng Chương bị ngã, gãy do bão số 12 gây ra - Ảnh: HẢI PHONG

Bão số 12 đi qua, ước tính hơn 80% rừng keo của các hộ bị gãy đổ, bật gốc. Sau một tuần, keo bắt đầu héo lá, chết. Cách duy nhất để lấy lại vốn là người trồng bán gỗ tạp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Trong khi đó, các nhà máy dăm gỗ lại hạn chế thu mua, khiến giá gỗ xuống thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Chương có 16ha rừng keo ở Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Sau bão, ông phải chặt tới 80% cây bị ngã đổ, bật gốc và lấy gỗ bán cho nhà máy với hy vọng “vớt vát” được chút vốn nào hay chút đó. Nhưng trong lúc này, liên hệ với nhà máy rất khó, còn dân buôn gỗ thì trả giá thấp. Ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết: Trước đây, người trồng keo bán được từ 1,1-1,3 triệu đồng/tấn đối với keo 5 năm tuổi. Nay, vẫn là keo 5 năm tuổi nhưng do ngã đổ sau bão người dân buộc phải bán nhanh, vì sợ để lâu nắng lên cây khô lại, sản lượng gỗ giảm, chỉ bán được từ 900.000-970.000 đồng/tấn. Đó là còn may mắn bán được, chứ giờ gọi cho một số nhà máy chế biến dăm gỗ, một số nơi không bắt máy, số khác thì trả lời họ đã thừa dăm gỗ chế biến nên không có nhu cầu.

Còn theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), gia đình bà có 100ha keo, hiện 90% cây gãy đổ cần bán, gồm keo từ 2-7 năm tuổi. Ngày trước, bà bán trực tiếp cho công ty, cứ keo 2 tuổi trở lên công ty thu mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn gỗ keo. Nay giá thu mua đã khác, cụ thể cây dưới 4 năm giá 800.000 đồng/tấn, cây 5 năm là 1 triệu đồng/tấn và cây trên 5 năm tuổi là 1.050.000 đồng/tấn. Giá gỗ keo xuống thấp trong khi công khai thác lại tăng thêm 100.000 đồng/tấn so với trước (trước đây công khai thác chỉ 200.000 đồng/tấn), nay tới 300.000 đồng/tấn. Trước đây thị trường gỗ ở Phú Yên xuống giá thì có thể liên hệ với các công ty ở Bình Định, Khánh Hòa thu mua. Nhưng bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh này, keo gãy đổ nhiều nên giá cũng rớt thê thảm, khiến việc tiêu thụ gỗ keo càng khó khăn.

Với giá bán thấp như hiện nay, trừ chi phí mỗi hécta chỉ còn từ 20-30 triệu đồng, không đủ để người dân mua giống trồng mới. Ông Phạm Văn Khoa ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, nói: Chi phí mỗi hécta keo từ mua giống, thuê công làm cỏ, tỉa cành, thu hoạch… 35 triệu đồng/ha. Nay mỗi hécta bán được có 30 triệu đồng, không đủ trồng mới nên không ai muốn bán. Giờ chỉ mong ngân hàng hỗ trợ lãi suất, gia hạn thời gian vay thì người dân mới vượt qua khó khăn này.

Với vai trò người bán gỗ keo, liên hệ với ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, có Nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu ở TX Sông Cầu, chúng tôi được biết: Hiện công ty vẫn thu mua gỗ keo cho bà con bình thường. Nhưng công ty chỉ mua cây trên 6 năm tuổi với giá 1.020.000 đồng/tấn. Còn keo dưới độ tuổi này, cây không đủ độ ẩm nên công ty không thu mua.

Ở huyện Đồng Xuân, thương lái mua keo theo kiểu bao tiêu cả hécta. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Đợt bão vừa qua, 5.000ha keo ở địa phương bị thiệt hại từ 30-50%. Hiện thương lái đã liên hệ với các hộ trồng keo để thu mua, chủ yếu là keo đủ tuổi (5 năm trở lên) và theo hình thức bao tiêu toàn bộ diện tích, với giá từ 50-60 triệu đồng/ha tùy vào mức độ thiệt hại của từng hộ. Với cách mua này, người dân đỡ chịu thiệt hơn khi giá công khai thác ở mức cao…

Hiện các nhà máy chế biến gỗ ở Phú Yên còn ít nên chưa chủ động được đầu ra, khiến người trồng rừng gặp khó trong tiêu thụ khi mùa mưa bão tới. Sang năm, khi Nhà máy chế biến dăm gỗ Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) đi vào hoạt động, sẽ cùng với một số nhà máy khác trong tỉnh tạo thêm điều kiện về đầu ra cho người dân sống nhờ trồng rừng. Theo ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, Nhà máy chế biến dăm gỗ Vân Hòa hoạt động với công suất thiết kế 300.000m3 sản phẩm/năm sẽ tiêu thụ lượng gỗ không hề nhỏ. Từ đây giúp người trồng rừng có đầu ra tiêu thụ mỗi khi gặp tình trạng như hiện nay. Sự ra đời của nhà máy là phù hợp với chiến lược trồng rừng theo hướng bền vững của Phú Yên.

HẢI PHONG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang