• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Giang: Liên kết sản xuất cây dược liệu: Hình thành nhiều vùng chuyên canh

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 12/11/2017
Ngày cập nhật: 13/11/2017

Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa, hoa màu, lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng dược liệu. Quá trình sản xuất, người dân chủ động liên kết với doanh nghiệp (DN), tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, thu nhập cao.

Lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra mô hình ngải Đài Loan tại xã An Bá.

Vùng chuyên canh thu nhập cao

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động (Bắc Giang), toàn huyện hiện có 41 ha cây dược liệu, trong đó chủ yếu là các giống: Kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan... được trồng nhiều ở các xã: An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo, Tuấn Mậu, Thanh Luận, An Lập, Vân Sơn và thị trấn Thanh Sơn. Theo định hướng của tỉnh, UBND huyện đang tập trung nguồn lực, nhất là vốn chương trình 30a mở rộng diện tích trồng dược liệu tại những khu rừng tự nhiên nghèo kiệt. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, huyện có chính sách hỗ trợ một phần giá giống; chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho hộ nông dân, tổ sản xuất tập trung quy mô từ 0,5 ha trở lên. Ông Nguyễn Văn Định, thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc ba kích tím dưới tán rừng do Hội Nông dân huyện tổ chức, năm 2013, tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng vải thiều để trồng 2 nghìn cây ba kích tím. Đến nay, ba kích phát triển tốt, đã cho thu hoạch mỗi gốc 2-3 kg củ. Với giá bán 100-120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi vài trăm triệu đồng”.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 600 ha dược liệu, tập trung tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên. Tại huyện Yên Dũng, nông dân đã trồng khoảng 50 ha dược liệu, tập trung chủ yếu ở các xã: Đức Giang, Tiền Phong, Nội Hoàng với các loại cây như nhân trần, kim tiền thảo, địa liền, hương bài, cà gai leo... Đặc biệt, đã hình thành vùng trồng tập trung 4 ha kim tiền thảo tại xã Tiền Phong và hơn 2 ha cà gai leo ở xã Đức Giang. Ở huyện Tân Yên, để đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã và đang hỗ trợ bà con thực hiện đề án phát triển cây dược liệu, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 120 ha đinh lăng, gấc, kim tiền thảo, địa liền, chùm ngây. Trong khi đó, huyện Việt Yên có gần 20 ha dược liệu tại các xã: Minh Đức, Thượng Lan, Việt Tiến, Nghĩa Trung. Nhờ hướng đi đúng khi chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu nên khi mới thành lập chỉ có 2 ha đất sản xuất và 7 thành viên tham gia thì đến nay Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Khánh Hòa, thôn Bình Minh (xã Minh Đức) đã phát triển gần 13 ha trồng thảo dược. Đáng quan tâm là sản xuất dược liệu đều được liên kết với các DN, HTX tiêu thụ bảo đảm đầu ra ổn định, bền vững.

Tạo chuỗi liên kết, nông dân yên tâm sản xuất

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với một số địa phương, Bắc Giang được lựa chọn phát triển trồng 16 loài dược liệu với tổng diện tích hơn 4.600 ha. Xác định, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ, việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm là “cú hích” khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, nhiều địa phương đã chủ động liên kết với các DN, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tại HTX Dược liệu Khánh Hòa, trước khi bắt tay vào trồng một loại cây mới, thành viên Ban quản lý đều nghiên cứu thị trường, ký hợp đồng bao tiêu với DN. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với 32 DN trong và ngoài nước. Ông Thân Văn Sách, thành viên Ban quản lý HTX Dược liệu Khánh Hòa cho biết: “Trước đây chúng tôi chủ yếu trồng lúa và các loại cây rau màu theo từng mùa. Đến thời điểm thu hoạch, tổ viên phải tự ra các chợ để tiêu thụ, giá cả phụ thuộc thị trường. Từ khi HTX mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây dược liệu, được các công ty dược về tận nơi thu mua sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, tổ viên chúng tôi yên tâm sản xuất do giá cả và đầu ra ổn định”.

Tại hầu hết các địa phương khác, hoạt động liên kết tìm đầu ra cho cây dược liệu cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, ngay sau khi triển khai trồng cây dược liệu trên địa bàn, từ năm 2015, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang ký hợp đồng thu mua 4 ha kim tiền thảo trồng tập trung tại xã Tiền Phong. Đến kỳ thu hoạch, DN về tận nơi thu mua nên chi phí vận chuyển giảm, lợi nhuận của người trồng tăng lên. Tương tự tại xã Đức Giang, hơn 2 ha cà gai leo của Tổ hợp tác phát triển cây thuốc Việt cũng được Công ty cổ phần Nam Dược (Hà Nội) ký hợp đồng bao tiêu với giá từ 12-15 nghìn đồng/kg. Bà Lê Tố Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ cao Tân Nhật (Hà Nội), đơn vị bao tiêu cây ngải Đài Loan tại Sơn Động khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển vùng dược liệu vì nhà máy có nhu cầu sử dụng nguyên liệu rất lớn. Ngoài ngải Đài Loan, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng vùng trồng với đa dạng các loại giống như: Gừng, nghệ, mộc hoa trắng, rẻ quạt… Như vậy sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân”.

Sơn Quang - Xuân Thỏa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang