• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguy cơ rình rập cây mía Việt Nam

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 10/11/2017
Ngày cập nhật: 12/11/2017

Ngày 1-1-2018 có thể sẽ đánh dấu một nguy cơ lớn đối với cây mía Việt Nam, khi chúng ta chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu trong khối chỉ còn 5%.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đang rất lo cho ngành công nghiệp mía đường “còn đang yếu kém”. Tuy nhiên, theo tôi, đáng lo nhất chính là số phận cây mía Việt Nam và phía sau nó là hàng chục vạn hộ trồng mía trên cả nước. Còn 2 tháng nữa tới “hạn 5%”, khi mà đường nhập lậu lâu nay sẽ thành “đường chính ngạch”, hiên ngang đi qua các cửa khẩu với mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5%. Dĩ nhiên, nó sẽ vùi dập không thương tiếc đường sản xuất trong nước.

Dù hiện tại, giá đường trong nước đã xuống “tới đáy” là 12.000 đồng/kg, nhưng lượng tiêu thụ vẫn hết sức chậm vì những nơi tiêu thụ đường đang “nín thở” chờ tới ngày 1-1-2018 để mua đường giá rẻ. Kinh tế thị trường luôn khắc nghiệt như vậy. Nhiều nhà máy đường trong nước sợ thua lỗ sẽ tìm đến giải pháp mua đường thô nước ngoài về tinh luyện, nghĩa là thả tay hoàn toàn trước cây mía trong nước. Đất trồng mía quả thật không dễ dàng sinh lợi khi chuyển sang canh tác một hay nhiều loại cây khác, vậy thì nông dân trồng mía sẽ sống bằng gì?

Khi hàng loạt nhà máy đường nhỏ bé yếu kém phải đóng cửa thì hàng vạn công nhân sẽ mất việc làm. Họ sẽ chuyển sang công việc gì đây? Thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về giai cấp nông dân và công nhân, sau đó mới tới các ông chủ nhà máy đường. Đang có một nỗ lực (khá tuyệt vọng) từ VSSA nhằm “giải cứu” đường nội địa, giải pháp cũng chỉ là đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho hoãn thời gian thực hiện ATIGA tới năm 2022, bí lắm thì tới năm 2020, với lý do cũng đã có quốc gia trong khối ASEAN làm như vậy. Đó không khác gì chuyện giải cứu dưa hấu hay giải cứu thịt heo đã xảy ra. Nó không mang lại một giải pháp căn cơ nào cả, mà chỉ là chuyện “phủi nóng” mang tính tâm lý nhiều hơn.

Khi cả nước chỉ mới có 8 nhà máy đường đạt công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên, 11 nhà máy công suất 3.000 tấn, còn lại đều có chỉ số rất thấp thì không thể đòi hỏi ngành công nghiệp mía đường phải “có hiệu quả” được, nhất là khi so sánh với năng suất mía và chỉ số ép mía của các nhà máy đường Thái Lan, nơi bao năm nay “đường lậu” đều từ quốc gia này tràn sang Việt Nam.

Lẽ ra, từ nhiều năm trước, chúng ta phải có quy hoạch các vùng trồng mía và số lượng nhà máy đường trong nước. Cho giải thể những nhà máy nhỏ, sản xuất yếu kém, đầu tư quyết liệt để tạo ra các vùng chuyên canh trồng mía năng suất cao và từng bước hạ giá thành sản phẩm. Các nhà máy đường trong nước, kể cả VSSA đã không làm như vậy, mà chỉ canh chừng thị trường để bán đường với giá cao nhất có thể. Tư duy “mùa vụ” kiểu đó đã dẫn tới khả năng thảm họa hôm nay. Hơn đâu hết, ngành nông-công nghiệp mía đường rất cần quy hoạch bài bản và đồng bộ, chứ không phải mạnh ai nấy làm. Thái Lan không chỉ quy hoạch chi tiết, mà nhà nước còn có chính sách hỗ trợ theo một lộ trình nhất định để tăng năng suất và chất lượng cây mía, đưa công nghệ tiên tiến nhất vào ngành công nghiệp sản xuất đường, tạo điều kiện tốt nhất để đầu ra sản phẩm được ổn định. Họ luôn hướng về thu nhập của người trồng mía, trước khi hướng tới những ông chủ sản xuất đường. Họ không bao giờ tư duy theo kiểu “Nếu giá đường thô hạ thì mình nhập khẩu đường thô về để tinh luyện” như các ông chủ sản xuất đường Việt Nam. Vì làm như thế là giết chết người trồng mía. Lâu nay, VSSA chăm lo cho các nhà máy đường, cho việc bán đường sao cho có lợi nhất, chứ ít chăm lo cho nông dân trồng mía, làm sao để có những giống mía tốt, chất lượng cao, năng suất đột phá.

Chắc chắn, qua cơn “đại hồng thủy” về giá đường và thuế nhập khẩu, sẽ có những nhà máy đường Việt Nam trụ vững và phát triển. Nhưng con số ấy là rất ít. Sự phá sản của các nhà máy đường yếu kém sẽ đến sau sự phá sản của những hộ nông dân trồng mía chăm chỉ và thật thà nhưng thiếu những cơ sở thực tế để tăng năng suất và hạ giá thành mía cây. Đó mới là điều đáng lo nhất.

Thanh Thảo

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang