• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Tạo đột phá từ giải pháp canh tác lúa thông minh

Nguồn tin: Khoa học phổ thông, 09/11/2017
Ngày cập nhật: 10/11/2017

Cánh đồng thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh tại Bạc Liêu mang lại kết quả cao ở vụ lúa hè thu vừa qua

Tại hội thảo tổng kết chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2017” khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Trung tâm khuyến nông quốc gia vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Khởi, quyền giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết, nhằm có giải pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất và tiếp tục nâng cao thu nhập trong canh tác lúa, từ vụ lúa hè thu 2016, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia, Trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm cung cấp cho nông dân các giải pháp kỹ thuật mới, phù hợp để có cách thức sản xuất thông minh, hiệu quả, tiết kiệm tối đa các chi phí đầu tư không cần thiết, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, thu nhập cho bà con nông dân. Trong vụ hè thu 2016, năng suất lúa tươi bình quân ở 13 mô hình thu được khoảng 6,8 tấn/ha, cao hơn đối chứng khoảng 500 kg/ha, các tỉnh như Kiên Giang và Vĩnh Long năng suất đã tăng đạt gần 1 tấn/ha. Theo đó, mô hình trên tiếp tục được nhân rộng với diện tích lớn hơn, quy mô hơn. Nhiều hộ nông dân tham gia mô hình đánh giá cao kết quả đạt được.

“Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác, phù hợp, đúng khoa học, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng. Các chuyên gia khuyến cáo, nông dân nên giảm lượng giống gieo sạ đầu vụ, chủ yếu sạ 80 kg/ha. Biện pháp kỹ thuật này được giới khoa học đánh giá là phù hợp và hoàn toàn khả thi. Nếu áp dụng tốt và nhân rộng được, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 4 triệu ha đất lúa sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí canh tác hàng năm của bà con nông dân. Bên cạnh đó, các hộ nông dân cần phải từ bỏ thói quen bón phân quá nhiều vừa tăng chi phí vừa ảnh hưởng đến đất trồng. Theo đó, các nhà khoa học khuyến cáo nông dân nên giảm phân bón và chỉ sử dụng liều lượng phù hợp, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Vì việc sử dụng phân bón hợp lý, tránh dư thừa, nhất là đạm, còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần giảm tác hại do biến đổi khí hậu”, ông Khởi nói.

Ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, các mô hình canh tác lúa thông minh ở đồng bằng sông Cửu Long đều tuân thủ khuyến cáo và hướng dẫn của các nhà khoa học thực hiện đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, khiến người dân yên tâm và tin tưởng vào các thành tựu khoa học kỹ thuật. Năng suất lúa tươi bình quân ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong mô hình đã tăng khoảng 11,4%, tương đương 680 kg/ha. Ruộng đối chứng đạt trung bình 5,97 tấn/ha, trong khi đó mô hình đạt 6,65 tấn/ha, góp phần lớn tăng thu nhập cho bà con nông dân, giúp bà con yên tâm trong sản xuất.

Quan trọng hơn, với kết quả trên đã chứng minh cho bà con thấy rằng việc giảm giống, bón phân hợp lý cân đối, đầu tư vào chuẩn bị đất tốt đầu vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết không những đảm bảo mà còn tăng được năng suất lúa. Ngoài ra, chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm khá nhiều so với sản xuất theo tập quán của bà con nông dân. Giá thành sản xuất trong mô hình bình quân khoảng 2.600 đồng/kg, giảm được khoảng 20% so với đối chứng 3.200 đồng/kg. Bên cạnh đó, năng suất ở tất cả các mô hình đều tăng vượt trội, từ đó góp phần giúp lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân tăng lên rất nhiều. Với tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 53% so với đối chứng xấp xỉ 40%, chênh lệch đến 13% đã chứng minh hiệu quả đầu tư trong các mô hình tốt hơn rất nhiều. Các mô hình ở các địa phương ven biển như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang và Bạc Liêu có lợi nhuận rất tốt, cá biệt ở Tiền Giang và Cà Mau lợi nhuận đã tăng đến hơn 11 triệu/ha so với đối chứng.

Theo PGS.TS. Mai Thành Phụng, nguyên trưởng bộ phận thường trực Nam bộ (Trung tâm khuyến nông quốc gia), sau 2 năm triển khai chương trình đã thực hiện được 195 mô hình ở 13 tỉnh thành trong vùng với tổng diện tích thực hiện 97,5 ha và thu được kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước đây. Theo đó, tình hình sâu bệnh hại khó phòng trị hơn. Ngoài ra, nông dân vẫn còn e ngại, chưa thật tự tin trong việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất.

Từ thực tế hiệu quả đã đạt được trong chương trình, các chuyên gia và các nhà khoa học đề nghị nên tổng hợp và biên soạn cẩm nang canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Với đối tượng hướng đến là nông dân, cán bộ công tác nông nghiệp ở các địa phương nên cần gần gũi, dễ hiểu và có tính xác thực theo từng vùng miền, mùa vụ. Ngoài ra, đối với những bà con đã tham gia mô hình sẽ trở thành các “chuyên gia nhà nông” chia sẻ và hướng dẫn nhiều bà con nông dân khác để thúc đẩy nên sản xuất lúa phát triển bền vững.

GIA PHÚ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang