• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây tiêu

Nguồn tin: Báo Bình Dương, 08/11/2017
Ngày cập nhật: 9/11/2017

Cây tiêu là một trong những cây trồng chính của huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với diện tích hơn 380 ha. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp làm cho nhiều diện tích cây tiêu ở khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên chết hàng loạt, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, cây tiêu ở Phú Giáo đã phát triển tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh.

Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên cây tiêu ở Phú Giáo phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Trong ảnh: Một hộ trồng tiêu ở xã An Bình đang chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: HẢI SÂM

Để hạn chế tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, những năm qua, vào thời điểm giao mùa mưa và mùa nắng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo đã tổ chức điều tra, khảo sát tình hình dịch bệnh trên cây tiêu để có kế hoạch tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật phòng, chống bệnh trên cây tiêu; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống bệnh. Theo đó, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn người trồng tiêu thực hiện việc phòng bệnh nấm vào đầu và cuối mùa mưa bằng thuốc terfigo phối trộn với ridomind gold theo tỷ lệ 200ml thuốc, 120g cho 200 lít nước tưới cho 100 nọc tiêu, cùng với đó thực hiện việc bón phân đều đặn cho cây tiêu, trong đó, bón chủ yếu là phân hữu cơ đã được xử lý và bón phân vi sinh. Trạm cũng phối hợp tổ chức vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, thông thoáng, không để vườn tiêu bị ngập, úng nước và phun thuốc phòng rệp sáp cho cây tiêu khi thấy cây tiêu có dấu hiệu bị rệp tấn công, xử lý tuyến trùng cho cây tiêu nhằm bảo đảm vườn tiêu an toàn dịch bệnh.

Được biết, từ đầu năm đến nay, diện tích cây tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm với mức độ gây hại từ 2 - 5% là 9 ha, giảm 4 ha so với cùng kỳ năm 2016. Toàn bộ diện tích tiêu bị nhiễm bệnh đều được trạm hướng dẫn người dân xử lý kịp thời, triệt để, tránh lây lan thành dịch bệnh.

Xã An Bình - thủ phủ trồng tiêu của huyện Phú Giáo với diện tích hơn 200 ha, những ngày này, người trồng tiêu đang tranh thủ vệ sinh vườn tiêu, bón phân để cho cây tiêu chuẩn bị vào vụ mới. Vườn tiêu của các gia đình ở đây đều xanh tươi, dù đây là địa bàn giáp xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa có nhiều vườn tiêu lá rụng xác xơ, trơ trọi nọc. Anh Phạm Như Ý, nông dân trồng tiêu ở An Bình, cho biết sở dĩ vườn tiêu của anh cũng như các vườn tiêu khác trong xã phát triển tốt vì ngoài kinh nghiệm trồng tiêu của các hộ dân, còn là nhờ sự chủ động hướng dẫn, quản lý dịch bệnh trên cây tiêu của ngành chức năng huyện nhà.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực huyện Phú Giáo, cũng khuyến cáo tuy tình hình dịch bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu năm nay giảm, tỷ lệ bị mắc bệnh thấp, cây tiêu đang phát triển tốt so với các năm trước nhưng người trồng tiêu trên địa bàn không được chủ quan. Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người trồng tiêu cần theo dõi thường xuyên vườn tiêu của gia đình; khi có dấu hiệu của bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm cần thông tin sớm để cùng ngành chức năng kịp thời xử lý, tránh để lây lan gây thiệt hại về kinh tế cho các gia đình.

Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, cho biết bệnh thường gặp, cũng là bệnh gây thiệt hại nặng cho cây tiêu chính là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bệnh chết nhanh là bệnh thối gốc, chết dây trên cây tiêu, nguyên nhân là do một loại nấm sống dưới đất, thích độ ẩm, có tên khoa học là phytophthora. Bệnh thường xuất hiện trên các vườn tiêu từ 3 năm tuổi trở lên; khi thấy trong vườn có khoảng 5 - 7% số lượng cây chết thì đa phần cây trong vườn đã bị nấm tấn công gây hại.

Đối với bệnh chết chậm, nguyên nhân là do một loại nấm sống ở trong đất, tên khoa học là fusarium oxysporum gây nên. Bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn tiêu bị ngập úng, thoát nước kém, thiếu thông thoáng, bón thừa đạm. Bệnh này làm cho cây tiêu tăng trưởng chậm và có những dấu hiệu như thân cây èo uột, lá kém phát triển, đốt rụng, rễ, gốc thối, phần mạch dẫn nhựa của thân dây có màu nâu đen… Từ khi phát bệnh đến khi cây chết, quá trình này kéo dài vài ba tháng đến cả năm.

HẢI SÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang