• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xã Ea Bar (Sông Hinh, Phú Yên): Người trồng cao su thiệt hại lớn

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 08/11/2017
Ngày cập nhật: 9/11/2017

Anh Phạm Văn Đạo (trái) bên cây cao su bị gãy trong vườn - Ảnh: NHẬT HUY

Xã Ea Bar là một trong những nơi thiệt hại lớn về cao su trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên). Dù cơn bão số 12 đã đi qua, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng khi nguồn sống từ cây công nghiệp này bỗng nhiên biến mất chỉ sau vài giờ đồng hồ…

Chiều 6/11, sau 2 ngày cơn bão số 12 đi qua địa phận tỉnh Phú Yên, trên con đường bê tông liên thôn từ EaMkeng đến Ea Đin (xã Ea Bar), chúng tôi bắt gặp những mảng trống từ những cánh rừng cao su vốn phủ một màu xanh và um tùm bóng mát trước đây. Những mảng trống ấy là từ những cây cao su bị đổ ngã tạo ra.

Đưa chúng tôi đến vườn cao su 2ha với 800 cây đang thu mủ giờ chỉ còn là khu vườn xơ xác, bà Dương Thị Đức (thôn Ea Đin) vẫn chưa hết đau buồn kể lại: “Khoảng 5 giờ sáng 4/11, gió mạnh, trong nhà nhìn ra thấy vườn cao su 9 năm tuổi bị đổ ngã mà xót xa”. Theo quan sát của chúng tôi, vườn cao su bà Đức thiệt hại gần 100%. Đa số gãy, một số bật gốc, số còn lại xiêu vẹo. Theo nhiều người trồng cây cao su lâu năm thì những cây như vậy sẽ không còn khai thác mủ được nữa.

Vườn cao su 2,6ha của anh Phạm Văn Đạo cũng chẳng còn gì để vớt vát. Anh Đạo cho biết, anh ấp ủ ước mơ làm giàu từ cây công nghiệp này, nhưng chỉ cạo mủ đúng một lần thì cơn bão số 12 đi qua. “Tôi chưa có kế hoạch gì cả, trước mắt là không biết lấy tiền đâu ra để trả cho ngân hàng. Nguồn sống hàng ngày giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh Đạo trải lòng.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, toàn huyện có 3.600ha cao su, riêng xã Ea Bar có trên 2.000ha. Bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại cho nhiều xã như Ea Trol (145ha), Sông Hinh (140ha), xã Ea Bar có diện tích thiệt hại nặng nhất khoảng 850ha, trong đó có những gia đình thiệt hại 100%. Theo một cán bộ của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, từ năm 2009 đến nay, huyện này mới có bão mạnh gây thiệt hại lớn cho cây cao su đến vậy. Tuy không còn là thời hoàng kim được mệnh danh là “vàng trắng” như cách đây vài năm, nhưng cao su vẫn được xem là cây công nghiệp chiến lược giúp người dân có thu nhập gần 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí.

Trái ngược với không khí ảm đạm, buồn bã của người dân sau khi cây cao su bị thiệt hại nặng, là sự xuất hiện của những thương lái đến từ các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai… Những người lạ mặt này đến từng hộ dân để đặt vấn đề thu mua các cây cao su đổ gãy. Điều đáng nói, trong khi sự đau buồn chưa dứt thì người trồng cao su phải đối mặt với những thương lái chỉ mong kiếm lợi từ cơn bão số 12. “Cây cao su 9 năm tuổi có đường kính 10cm mà họ đến nói ngon, nói ngọt để tôi bán với giá 50.000 đồng, trong khi ngày thường giá bán từ 120.000-200.000 đồng/cây; tôi đã không đồng ý bán, bà Dương Thị Đức cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số thương lái lạ mặt đã vận động các hộ dân tại xã Ea Bar làm “cò” ăn chênh lệch giúp họ thu mua cây cao su đổ ngã. Gỗ này sau đó được tập kết lại một điểm và được các xe tải vận chuyển về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Ông Ksor Hét, Chủ tịch UBND xã Ea Bar xác nhận việc một số thương lái ép giá dân để mua cây cao su bị ngã là có thật. “Chúng tôi vận động người dân không nên bán cây gỗ cho các thương lái một cách vội vàng, tránh bị ép giá. Thời gian tới giá gỗ cây cao su sẽ tăng, hơn nữa giữ lại cây cao su cũng là cách để các đoàn chuyên môn của cấp trên về thẩm định lại thiệt hại, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân”, ông Ksor Hét nói.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại: Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát và thống kê mức độ thiệt hại của những người trồng cây cao su bị ảnh hưởng nặng từ cơn bão số 12. Sau đó chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh để tìm nguồn hỗ trợ cho người dân.

NHẬT HUY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang