• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tăng cường liên kết sản xuất bao tiêu lúa đặc sản

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 04/11/2017
Ngày cập nhật: 6/11/2017

Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình 3 vùng sinh thái đặc trưng: Vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển tạo ra nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Thăm quan mô hình lúa chất lượng cao tại Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam

Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong nông nghiệp, lúa vẫn được xác định là loại cây trồng chủ lực với hàng năm toàn tỉnh gieo cấy khoảng 78 nghìn ha. Vụ xuân có diện tích gieo cấy khoảng 41 nghìn ha trong đó: Trà lúa xuân sớm khoảng 2500 ha, chiếm 6 % diện tích; trà xuân muộn chiếm tới 94% diện tích, với cơ cấu trên 70% là giống lúa thuần, trong đó trên 40% là các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, LT2.

Vụ mùa có diện tích gieo cấy khoảng gần 37 nghìn ha trong đó: Trà mùa sớm và mùa trung chiếm 95% diện tích, giống chủ lực là các giống lúa thuần có năng suất cao chất lượng gạo khá ngon, diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 40%, các giống lúa chất lượng cao chủ yếu là LT2 và Bắc thơm số 7; trà mùa muộn chiếm 5% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa như: Tám xoan, Dự, Nếp cái hoa vàng, Nếp hạt cau, Mộc hương, Bao thai... Đó là những giống đặc sản của địa phương và là giống cảm quang.

Những năm gần đây, diện tích lúa đặc sản thuộc trà mùa muộn từng bước được mở rộng. Giống lúa chủ lực là những giống đặc sản của địa phương: Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám xoan, Dự, Mộc hương, Bao thai...

Các giống lúa đặc sản đều có thời gian sinh trưởng dài (từ 150-170 ngày), dễ chăm sóc, ít nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá và lùn sọc đen; tuy nhiên do thời điểm trỗ bông muộn nên cần phòng chống rầy và sâu đục thân cuối vụ.

Về tiêu thụ các giống: Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng... được tiêu thụ chính vào dịp Tết Nguyên đán, chủ yếu thông qua các thương lái nhỏ và sự trao đổi nội bộ giữa những người nông dân với nhau để phục vụ tiêu dùng trong gia đình.

Gần đây, chất lượng gạo một số giống lúa đặc sản của tỉnh đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ từng bước được mở rộng, việc tiêu thụ lúa gạo đặc sản khá thuận lợi. Các công ty cũng như thương lái thường đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch, nhiều doanh nghiệp đã thu mua lúa tươi tại ruộng.

Thực tế cho thấy, giá trị sản phẩm lúa đặc sản của Ninh Bình là rất cao, năm 2016 giá bán nhóm lúa nếp là từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, lúa Tám, lúa Dự dao động khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi các giống lúa chất lượng khác chỉ dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa đặc sản gấp 1,5-3 lần so với lúa thường.

Tuy nhiên việc sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản trong những năm qua còn nhiều hạn chế do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân trồng lúa với các đơn vị thu mua, chưa có quy hoạch cụ thể cho việc phát triển sản xuất lúa đặc sản, sự xen kẹt, đan xen giữa ruộng gieo cấy lúa cảm ôn với lúa cảm quang dẫn đến quy trình canh tác chưa đảm bảo và chưa đồng bộ từ: Gieo cấy-chăm sóc bảo vệ-thu hoạch-sơ chế (sấy), ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế và khả năng mở rộng diện tích.

Ông Vũ văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình chia sẻ: Với điều kiện và năng lực của Công ty vừa mới xây dựng xong nhà máy chế biến gạo theo hướng xuất khẩu lại có một hệ thống giàn máy sấy lúa, nên hoàn toàn có thể thu mua lúa đặc sản tươi cho nhân dân tại ruộng.

Tỉnh cần có cơ chế chính sách để tạo điều kiện khuyến khích mở rộng diện tích lúa đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo đặc sản của tỉnh Ninh Bình. Đầu tư hỗ trợ xây dựng các lò sấy cho các HTX, tổ hợp tác nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các doanh nhiệp thu mua.

Ông Trần Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn thì cho rằng: Đồng ruộng, điều kiện thổ nhưỡng, chất đất và cùng với kinh nghiệm gieo cấy lúa qua các năm của nhiều địa phương trong huyện ...cho phép Kim Sơn có thể phát triển nhanh và mạnh dòng lúa đặc sản. Vẫn biết các giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhưng nếu sản xuất ra nhiều không tiêu thụ được thì sẽ sinh ra tình trạng khủng khoảng thừa.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể với các địa phương; ký hợp đồng với trách nhiệm rõ ràng...chúng tôi sẽ chỉ đạo, lãnh đạo, khuyến cáo nhân dân tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng vùng, đồng trà đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngành nông nghiệp quan tâm đến công tác chọn lọc, phục tráng nâng cao chất lượng hạt các giống Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Dự, Tám xoan và cung ứng giống cho người nông dân để đảm bảo năng suất và chất lượng; Giới thiệu và đưa các giống đặc sản mới, chất lượng vào gieo cấy tại Ninh Bình.

Được biết, mới đây Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình đã ký hợp đồng với HTX Như Hòa (Như Hòa-Kim Sơn); Công ty chế biến nông sản Bảo Minh -Hà Nội ký hợp đồng với HTX Ân Hòa (Ân Hòa-Kim Sơn); Công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng với HTX Đồng Xuân Tiến (Khánh Thành -Yên Khánh); Công ty TNHH Quang Minh ký hợp đồng với HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc-Yên Khánh) về việc bao tiêu lúa đặc sản.

Đinh Chúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang