• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biểu trưng của một vùng đất

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 31/01/2017
Ngày cập nhật: 6/2/2017

Với hương thơm quyến rũ được chắt lọc từ đất đỏ bazan, hạt cà phê hôm nay đã vượt lên giá trị về kinh tế mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất qua hơn trăm năm lịch sử thăng trầm.

Lịch sử trăm năm

Ông Trương Văn Kỉnh ở thôn 19-5, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) từng gắn bó với cây cà phê gần nửa thế kỷ từ ngày theo cha dầm mưa, dãi nắng ở đồn điền CADA, nên những năm tháng lao động nơi đây là ký ức chẳng thể nào quên. Là công nhân Xí nghiệp CADA ngay từ những ngày đầu mới tiếp quản, ông đã chứng kiến sự phát triển của ngành cà phê gắn sự đổi thay của vùng đất này. Ông kể, năm 1977, Nông trường Cà phê Phước An được thành lập thì năm 1978, cả nông trường hừng hực không khí thi đua lao động cho “Chiến dịch trồng 1.008 ha cà phê”. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần lao động không quản ngày đêm, đội thì tổ chức khai hoang, đội làm vườn ươm giống..., chỉ trong 3 tháng mùa mưa của năm 1978, chiến dịch đã trồng mới thành công 1.008 ha, phủ xanh một vùng đất hoang vu kéo dài 10 cây số, từ Km 19 đến Km 29 Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26). Tuy có thời gian bị chặt bỏ khá nhiều do giá xuống thấp nhưng vượt qua những thăng trầm, cà phê vẫn khẳng định giá trị về kinh tế, vẫn là cây trồng chủ lực của người dân nơi đây.

Chế biến cà phê nhân chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An.

Từ vài chục héc-ta trồng thử nghiệm khi người Pháp bắt đầu đặt ách đô hộ ở Đắk Lắk, diện tích cà phê không ngừng tăng lên qua các năm bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Đắk Lắk khoảng trên 2.000 ha, năm 1959 là 5.200 ha, đến năm 1975 đã tăng lên 8.600 ha, cho sản lượng hằng năm trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê Robusta. Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh cà phê lớn: Buôn Ma Thuột, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng... Với diện tích duy trì 200.000 ha, tổng sản lượng trên 400.000 tấn, cà phê đã phát triển trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Chiến lược cho thương hiệu quốc gia

Không chỉ là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, cà phê ngày nay vượt ra ngoài giá trị về kinh tế, mang trong mình sức mạnh về văn hóa, tinh thần, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Để nâng cao vị thế của cà phê, Đắk Lắk đã có những bước đi cụ thể. Đó là năm 2005, cà phê Robusta Đắk Lắk được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, đánh dấu một bước phát triển mới trong chặng đường đầy thách thức của ngành cà phê. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của gần 158 thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp cà phê hàng đầu của Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang tổ chức phối hợp có hiệu quả các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cà phê nhân Robusta, góp phần phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta trên tổng diện tích hơn 15.000 ha với sản lượng đăng ký 46.000 tấn. Con số này tuy còn ít ỏi so với tổng diện tích cà phê nằm trong vùng địa danh (diện tích quy hoạch 107.000 ha), nhưng đã thể hiện sự nỗ lực của Hiệp hội, ghi nhận công sức của người sản xuất. Trong số 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng, hiện nay đã có Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk thương mại được khoảng trên 10.000 tấn sản phẩm mang CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột.

Thu hoạch đạt tỷ lệ quả chín trên 95% góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Ảnh: L. Ngọc

Sự khởi đầu tuy còn khó khăn nhưng cho thấy sự quyết tâm của ngành cà phê cũng như nhà xuất khẩu trong việc khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế. Câu chuyện bảo hộ là một hành trình dài trong chiến lược nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, với sự thành công là đã có 12/17 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành cà phê Đắk Lắk - Việt Nam. Hiện nay, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ để hoàn thiện việc đăng ký CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu (EU). Tin rằng, trên cơ sở chất lượng và uy tín của sản phẩm, CDĐL sẽ được thừa nhận như một thương hiệu mạnh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

Không chỉ mang trên mình sứ mệnh “cất cánh” của một vùng đất, cà phê ở Đắk Lắk còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa. Chính vì vậy, cũng từ năm 2005, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, đến năm 2011 Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột được Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia, tổ chức định kỳ 2 năm/lần, như một minh chứng, một sự khẳng định về tầm quan trọng của cà phê trên cao nguyên đất đỏ. Qua 5 lần tổ chức lễ hội, cà phê đã mang trong mình những giá trị kết nối về kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Đây cũng là một trong những chiến lược nâng tầm vị thế cà phê mà tỉnh nỗ lực thực hiện cùng sự hậu thuẫn của các bộ, ngành Trung ương trong những năm qua.

Sự kỳ vọng Cà phê Buôn Ma Thuột là hình ảnh biểu trưng cho một vùng đất mang giá trị quốc gia (như khi nhắc đến Pháp, người ta sẽ nghĩ ngay đến rượu vang và ngược lại) chắc chắn sẽ thành hiện thực khi cộng đồng cà phê cùng ra sức, chung tay nỗ lực xây dựng.

Lê Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang