• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện ở cánh đồng Sa Cá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 31/10/2017
Ngày cập nhật: 1/11/2017

Cánh đồng lúa Sa Cá (ấp Sa Cá, xã Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) rộng trên 100 hécta đang hứa hẹn thêm một vụ mùa bội thu. Nông dân Nguyễn Hữu Đức (Tám Dự, 63 tuổi, người trồng lúa giỏi nhất nhì ở cánh đồng Sa Cá) cho hay cha vợ ông là ông Nguyễn Văn Tiết (Ba Tý, mất năm 2009), là người đưa dân về đây khai khẩn rừng già Sa Cá thành ruộng, thành vườn.

Ông Tám Dự (phải) và ông Ba Nhưa được nông dân ở đồng Sa Cá quý trọng.

Người dân ở cánh đồng Sa Cá ghi nhớ công lao của ông Ba Tý đã rủ dân về đây khẩn hoang bao nhiêu thì bội phục nguyên Trưởng ấp Ngô Văn Nhưa (Ba Nhưa, 82 tuổi) đã có công xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi dẫn nước từ suối Ông Qua về cánh đồng Sa Cá bấy nhiêu. Nhờ công trình thủy lợi này mà cánh đồng Sa Cá trở thành vùng đất phì nhiêu, nông dân sống sung túc.

“Nhường” chức cho bạn

Ông Ba Tý vốn là chủ đoàn xe be chuyên mua gỗ cao su tại các đồn điền của tư sản người Pháp và người Việt trước năm 1975. Vì thường xuyên cho đoàn xe qua rừng già Sa Cá chở gỗ, ông Ba Tý rất thân với lực lượng bộ đội Bình Sơn (huyện Long Thành) bám rừng Sa Cá sản xuất và kháng chiến.

Theo lời ông Tám Dự, trước năm 1975, rừng già Sa Cá rậm rịt gỗ lớn, tre gai nhưng giữa rừng có một chòm đất trống rộng chừng 5 hécta. Đây là nơi bộ đội Bình Sơn khai khẩn đất để trồng lúa làm lương thực trong những tháng ngày bám rừng kháng chiến.

Sau năm 1975, ông Ba Tý bắt đầu rủ anh em, bạn bè về khai hoang rừng già Sa Cá sinh sống khi giải nghệ nghề làm xe be. Rừng già Sa Cá sau chiến tranh có nhiều hố bom nhưng cây lúa cấy xuống chỉ hơn tháng đã cao tới đầu gối.

Trong số hơn 10 hộ dân được ông Ba Tý rủ về đây khai khẩn đất có ông Ba Nhưa. Vốn là dân thị thành thất nghiệp, khi được ông Ba Tý rủ về đây khai khẩn đất làm ruộng để có gạo ăn, ông Ba Nhưa mừng quýnh nghe theo và được ông Ba Tý chia cho mấy sào ruộng.

Chính quyền xã Bình Sơn thấy ông Ba Tý có uy tín với dân khu Sa Cá nên giới thiệu ông làm Trưởng ấp. Làm Trưởng ấp Sa Cá được mấy năm, vì nhà đông con và bận lo chuyện kinh tế gia đình nên ông đề nghị với chính quyền, người dân ấp Sa Cá để ông “nhường” lại chức trưởng ấp cho người bạn Ba Nhưa. Vậy là năm 1981, ông Ba Nhưa lên chức Trưởng ấp Sa Cá thay cho người bạn Ba Tý.

Lên làm Trưởng ấp Sa Cá, ông Ba Nhưa quyết tâm biến cánh đồng Sa Cá từ một vụ lúa bấp bênh thành 3 vụ lúa ăn chắc. Để thực hiện quyết tâm đó, ông phải mất mấy tháng liền đi khảo sát và đề ra cách thức đưa nước từ suối Ông Qua về tưới cho cánh đồng Sa Cá.

Để xây dựng được đập nước Ông Qua và hệ thống kênh mương dài 3km dẫn nước qua 6 khu, 12 tuyến thuộc cánh đồng Sa Cá, ông Ba Nhưa đã huy động hàng ngàn ngày công lao động của nông dân trong ấp để làm. Người nào có ruộng mà không có sức để làm thủy lợi, ông Ba Nhưa đưa ra phương án: hộ nào đào 10m kênh mương (sâu 0,7m, rộng 1,2m) thì được sản xuất 1 sào ruộng vụ đông - xuân trên đất người không có điều kiện để làm.

Nhờ hệ thống thủy lợi của ông Ba Nhưa, nông dân ấp Sa Cá thoát được cảnh bữa cơm độn khoai thời bao cấp. Cánh đồng Sa Cá ngày càng thêm màu mỡ, ấm no thì dân từ các nơi kéo về sinh sống ngày càng nhiều.

Nghĩa tình ở đồng Sa Cá

Vì phải dành thời gian lo công việc chung, ông Ba Nhưa chỉ khai khẩn được 4 sào ruộng và 6 sào đất rẫy nơi cánh đồng Sa Cá. Trong khi đó, ông Ba Tý khai khẩn được gần 2 hécta đất trồng lúa nước để giao cho vợ chồng ông Tám Dự cày cấy và mấy mẫu đất rẫy khác chia hết cho 10 người con khi họ đến tuổi lập gia đình.

Nông dân ở cánh đồng Sa Cá luôn đoàn kết, giúp nhau trong lao động và trong cuộc sống.

Đường ruộng, đường điện, hệ thống kênh mương, trường học do ông Ba Nhưa vận động xây dựng nay đã được cứng hóa, kiên cố khi ấp Sa Cá hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Những người thuộc thế hệ thứ 2 như ông Tám Dự đang khá lên nhờ thụ hưởng công sức khai khẩn đất hoang của lớp người đi trước và trở thành những nông dân trồng lúa, nuôi heo, gà, trồng cây ăn trái giỏi cấp huyện, tỉnh.

Ông Tám Dự kể ruộng của cha vợ ông để lại cho vợ chồng ông làm là loại ruộng tốt. Nhờ biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ruộng của vợ chồng ông luôn đạt năng suất nhất nhì ở cánh đồng Sa Cá. Ngoài trồng thuần 3 vụ lúa/năm, thỉnh thoảng vợ chồng ông còn chuyển đổi vụ lúa đông - xuân thành vụ bắp để dưỡng đất, hạn chế sâu rầy và không bị mất mùa, đồng thời cho thu nhập cao hơn.

Dân cánh đồng Sa Cá lúa gạo đầy bồ, nhưng việc học hành có phần trắc trở vì đường giao thông không thuận lợi. Tuy vậy, con em nông dân cánh đồng Sa Cá học đại học, trên đại học thời gian qua có trên 100 người.

Ông Tám Dự bộc bạch, nhờ chịu khó cõng con em trên lưng vượt đồng lúa đến trường mà nông dân ở cánh đồng Sa Cá luôn tự hào nhà nào cũng có con em được ăn học tử tế, thành tài.

Cánh đồng Sa Cá không chỉ nổi tiếng nhờ cố Trưởng ấp Ba Tý, nguyên Trưởng ấp Ba Nhưa thương dân, quý dân, mà còn ở tình nghĩa xóm làng gắn bó của người dân ở cánh đồng Sa Cá.

Theo chân Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An Nguyễn Thị Hằng đến đây, chúng tôi được bà Hằng cho biết dù là dân gốc Long Thành hay dân di cư từ các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... đến đây, người dân ở cánh đồng Sa Cá luôn sẵn sàng giúp nhau từng bao lúa ăn, thúng lúa giống lúc thất mùa. Gia đình nào gặp chuyện hữu sự vội vã về quê, bỏ đồng khi lúa đang tới thời điểm thu hoạch, gieo sạ thì được hàng xóm thay chủ nhà gieo sạ, thu hoạch giúp.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An Nguyễn Thị Hằng tâm sự bấy lâu nay bà chỉ biết cánh đồng Sa Cá trù phú, nông dân ở đây giỏi việc trồng lúa, chăn nuôi chứ ít biết nhiều về tình đoàn kết, công lao của 2 nguyên Trưởng ấp Ba Tý và Ba Nhưa đã đóng góp cho cánh đồng Sa Cá trước kia. “Con người ở đây đối xử tình nghĩa với nhau đẹp như cánh đồng lúa xanh mơn mởn nhờ dòng nước thủy lợi Ông Qua vậy” - bà Hằng nhận xét.

Đoàn Phú

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang