• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: "Nuôi" đẳng sâm giữa đất rau Ðơn Dương

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 27/10/2017
Ngày cập nhật: 30/10/2017

Ðẳng sâm, một loài dược liệu quý của vùng Bidoup - Núi Bà đã được chăm sóc dưới bàn tay con người ngay tại quê hương của sâm. Nhưng với sự say mê, tìm tòi đất mới cho đẳng sâm, loài dược liệu núi cao này đang được nuôi trồng giữa vùng rau Ðơn Dương (Lâm Đồng) với mong muốn mở thêm vùng đẳng sâm mới.

Chăm sóc vườn đẳng sâm tại Đơn Dương. Ảnh: D.Quỳnh

Thăm vườn thực nghiệm của Trạm Thực nghiệm Nông nghiệp thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, nhìn loại cây dây leo với những chiếc lá mỏng mảnh, ít người biết đó là đẳng sâm, một loài dược liệu quý của vùng cao nguyên Lâm Viên. Anh Lường Tú Nam, cán bộ Trung tâm, người trực tiếp quản lý trạm thực nghiệm cho biết, đây là một phần trong đề tài “Xây dựng mô hình trồng đẳng sâm thương phẩm tại huyện Đơn Dương” do huyện Đơn Dương phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh trực tiếp thực hiện. Anh Nam cho hay, ngoài vườn đẳng sâm trồng tại trạm, đề tài còn chuyển giao cho nông dân với diện tích khoảng 4 sào.

Mục tiêu cuối cùng của đề tài là khảo nghiệm xem cây đẳng sâm có thể sống và phát triển tốt trên đất Ðơn Dương hay không, đồng thời chất lượng củ liệu có đạt chỉ tiêu mong muốn.

Một trong những nông hộ thực hiện mô hình trồng đẳng sâm tại Đơn Dương là hộ anh Nguyễn Phong Phú, thôn Nghĩa Lập 5, thị trấn Thạnh Mỹ. Vườn đẳng sâm của anh Phú xuống giống khoảng 1 sào. Mới chỉ 2,5 tháng nhưng những cây sâm đã vươn ngọn xanh mướt mắt. Anh Phú cho biết: “Nghe cán bộ kỹ thuật giới thiệu về cây đẳng sâm, nói chung tôi cũng khá háo hức vì đây là một loại dược liệu quý. Cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn rất kỹ khâu làm đất, lên luống, chế độ chăm sóc hàng ngày. Đến hiện tại tôi thấy cây phát triển khá tốt, chỉ còn chờ kết quả cuối cùng”. Anh Lường Tú Nam cũng chia sẻ, cây đẳng sâm về kỹ thuật canh tác cũng không quá khó, quan trọng là bảo đảm chất lượng đất ngay từ lúc ban đầu xuống giống. Đẳng sâm là loài ăn củ, sống trên núi cao nên cần đánh luống rộng, cao, thoát nước tốt, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh. Anh Nam cho hay, Trung tâm chuyển giao cho nông dân từ giống đẳng sâm, kỹ thuật cho đến liên kết cả đầu ra khi đẳng sâm tới lúc thu hoạch. Anh nói: “Chuyển giao một giống cây mới cho nông dân, Trung tâm cũng liên kết với doanh nghiệp để có nguồn giống chuẩn, kỹ thuật tốt đồng thời đảm bảo luôn đầu ra cho sản phẩm. Một vòng tròn khép kín sẽ giúp nông dân an tâm thực hiện mô hình”.

Doanh nghiệp liên kết với Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm chính là “ông trùm” đẳng sâm Bidoup - Núi Bà, Công ty Dược liệu Cao Lâm. Anh Nguyễn Phú Tuấn, Giám đốc Công ty Cao Lâm cũng có mặt thăm vườn đẳng sâm và chia sẻ mong muốn phát triển của công ty cho hay: Hiện công ty có 20 ha đất vùng chân núi Bidoup - Núi Bà chuyên canh tác đẳng sâm. Tuy nhiên, sản lượng đẳng sâm vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bởi vậy, tất yếu là phải tìm thêm nguồn cung và anh rất vui được liên kết với Trung tâm để thử nghiệm cây đẳng sâm tại Đơn Dương. Anh cho biết, cây đẳng sâm là loài thực vật vốn sinh trưởng dưới những tán rừng Bidoup, được người dân bản địa tìm kiếm để dùng và cung cấp cho thị trường. Khai thác nhiều, tốc độ tái sinh của sâm tự nhiên không kịp nên sản lượng đẳng sâm rừng còn rất ít. Vì vậy, trồng đẳng sâm ngay tại sinh cảnh của nó cũng là một biện pháp tốt để có những củ sâm chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Anh Tuấn nói: “Nhu cầu đẳng sâm này một lớn do đây là dược liệu bổ dưỡng mà chúng tôi không đáp ứng nổi. Vì vậy, muốn có một vùng sâm sản xuất hàng hóa lớn, chúng tôi phải liên kết với nông dân, mở rộng diện tích trồng sâm. Hiện Công ty Cao Lâm đã chuẩn hóa được kỹ thuật canh tác cũng như chuẩn hóa tiêu chuẩn sản phẩm nên việc chuyển giao cho nông dân không khó, bà con chỉ cần áp dụng đúng bộ tiêu chuẩn là được. Sản phẩm công ty sẽ thu mua, tất nhiên giá cả tùy thuộc chất lượng sản phẩm. Với những vườn sâm tại Đơn Dương hiện nay, tôi đánh giá mức độ sinh trưởng khá tốt và rất hy vọng chất lượng củ sẽ bảo đảm”.

Giữa vùng rau Đơn Dương, những ngọn đẳng sâm đã vươn cành chia nhánh, mang lại hy vọng cho sự phát triển của một loài dược liệu quý.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang