• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Ngăn chặn phế canh cây mía

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 27/10/2017
Ngày cập nhật: 29/10/2017

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2015 - 2016, diện tích mía phế canh là 831 ha. Đến niên vụ 2016 - 2017, con số này đã tăng lên gấp đôi, với 1.695,4 ha, trong đó Chiêm Hóa 572,5 ha, Yên Sơn 402 ha, Sơn Dương 397 ha, Hàm Yên 204,4 ha, thành phố Tuyên Quang 96,6 ha, Na Hang 12,9 ha, Lâm Bình 10 ha.

Cán bộ nông vụ (giữa) Nhà máy đường Sơn Dương hướng dẫn người dân xã Hào Phú (Sơn Dương) nhận biết, phòng trừ dịch hại mía.

Huyện Yên Sơn chỉ sau 1 năm diện tích mía phế canh tăng gần gấp đôi từ con số 226 ha năm 2016 lên 402 ha năm 2017. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tình trạng diện tích mía phế canh tăng nhanh có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu của doanh nghiệp đối với người nông dân chậm; đường giao thông nông thôn nhiều nơi xuống cấp, chi phí thuê xe vận chuyển mía tăng cao; nhiều địa phương thiếu lao động cục bộ ở thời điểm thu hoạch và trồng mới, trồng lại… làm giảm sức cạnh tranh của cây mía.

Hơn nữa, hiện nay một số loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên nhiều hộ không còn đầu tư cho mía. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ nông vụ Nhà máy đường Tuyên Quang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn các xã Phúc Ninh, Chiêu Yên, Thắng Quân (Yên Sơn)… tình trạng người dân bỏ cây mía rất lớn. Tại xã Phúc Ninh, chỉ trong 1 năm đã có 162 ha mía bị người dân phá bỏ.

Cũng tại thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương tình trạng diện tích mía bị phá bỏ cũng đang diễn ra chóng mặt. Tại thôn Kỳ Lãm, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) từ năm 2016 đến nay đã có 28 hộ bỏ mía để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Anh Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ khuyến nông xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, dù xã đã tích cực vận động nhưng nhiều hộ vẫn tự ý phá bỏ bất chấp những hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và người dân. Còn tại xã Hồng Lạc, Lâm Xuyên, Sầm Dương, Hào Phú (Sơn Dương)… người dân đã và đang tiếp tục phá mía trồng mầu, trồng cây lâm nghiệp. Ông Phan Trọng Cầu, thôn Trại Mít, xã Hòa Phú cho biết: Trước đây, gia đình trồng mía trên đất đồi, vụ đầu mía tốt còn có tý lãi, đến vụ thứ 2, thứ 3 mía như cây sậy, năng suất thấp, thu hoạch không đủ để chi phí nên gia đình đã chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, để hạn chế phế canh cây mía rất cần một giải pháp đồng bộ của các bên liên quan. Hiện tại, Ban Chỉ đạo phát triển mía đường tỉnh tập trung nguồn lực, hỗ trợ nâng cao năng lực chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Trong đó, tập trung thực hiện giải pháp căn cơ về phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng phong trào thi đua sản xuất mía đường; các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tổ chức sản xuất, điều hành quyết liệt kế hoạch phát triển vùng mía.

Theo ông Vũ Đình Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, huyện đã và đang yêu cầu các xã, thị trấn nằm trong vùng nguyên liệu rà soát đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tập trung đầu tư chăm sóc, bảo vệ diện tích mía nằm trong quy hoạch. Huyện khuyến khích người trồng mía chủ động tích tụ ruộng đất tạo vùng nguyên liệu liền vùng xây dựng cánh đồng lớn; hình thành nhóm, tổ sản xuất tạo thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng nhằm áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm sức lao động thủ công, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế từ trồng mía.

Trao đổi về giải pháp hạn chế tình trạng phế canh cây mía, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Phòng Nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết: Doanh nghiệp đã làm việc với ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân thực hiện 6 mô hình điểm thâm canh tăng năng suất mía, với tổng diện tích 12 ha. Các giống mía mới có năng suất, trữ lượng đường cao đã được đưa vào trồng như: Quế đường 42; Việt đường 93159, tới đây doanh nghiệp sẽ đưa tiếp giống mía của Thái Lan. Dự tính, các giống mía mới sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn khoảng 20% so với giống mía cũ.

Doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục áp dụng rộng rãi cơ giới hóa vào sản xuất, bao gồm từ khâu làm đất, thu hoạch, bốc xếp và vận chuyển để giải quyết tận gốc vấn đề thiếu nguồn lao động - một nguyên nhân chính dẫn đến phế canh cây mía tăng nhanh ở các địa phương. Công ty cũng tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách thu, mua linh hoạt, hiệu quả để bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp và người trồng mía; điều chỉnh giá thu, mua theo giá thị trường.

Hy vọng rằng những giải pháp đưa ra của chính quyền, ngành chuyên môn và doanh nghiệp sẽ hạn chế được tình trạng phế canh cây mía đang gia tăng hiện nay.

Đoàn Thư

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang