• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lạm dụng phân hóa học, làm đất “xổi”: Chai cứng đất, sâu bệnh gia tăng

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 22/10/2017
Ngày cập nhật: 23/10/2017

Bây giờ hiếm thấy nông dân ủ phân chuồng, phân xanh bón cho cây trồng. Thay vào đó, bà con sử dụng phân hóa học chăm sóc lúa, rau màu. Không chỉ có vậy, do không được làm ải, xử lý kỹ khiến đất bị chai cứng, sâu bệnh gia tăng hại mùa màng.

Do không làm đất kỹ, lạm dụng phân hóa học, nhiều diện tích lúa tại xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa) bị nhiễm bệnh vàng lá vi rút.

Lãng quên phân hữu cơ, làm đất không kỹ

Chị Nguyễn Thị Ánh, thôn Đông Long, xã Quảng Minh (Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ: “Bây giờ tôi thường bơm rửa các chất thải từ gia súc, gia cầm rồi xả xuống mương hay bể biogas. Cũng vì thế mà lâu nay tôi chỉ dùng các loại phân bón đơn hay tổng hợp do các doanh nghiệp bán ra thị trường để chăm sóc ruộng, vườn đồi”.

Ngoài ra, nông dân cũng không quan tâm đến khâu làm đất, thường làm “xổi”. Ví như, ruộng lúa buổi sáng vẫn còn chân rạ tươi, sau khi cày bừa qua đã cấy mạ non vào buổi chiều hay vừa dỡ khoai lại xuống giống lạc ngay. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ: “Xưa kia các cụ quan niệm “một hạt đất nỏ bằng giỏ phân” ý nói là làm đất kỹ, phơi ải rất tốt cho cây trồng sinh trưởng. Hay phân hữu cơ cũng không thể thiếu trong chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, đến nay điều đó gần như bị lãng quên”. Tình trạng này đã gây ra những hệ lụy. Tầng đất canh tác ít độ mùn và bị phèn hóa, vi sinh vật có ích giảm, vi sinh vật có hại tăng.

Theo bà Luyến, khi làm đất không kỹ thì sâu bệnh tồn lưu lâu, chuyển tiếp gây hại ở vụ sau. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn ha lúa nhiễm sâu bệnh, tăng 10 nghìn ha so với vụ xuân, tỷ lệ hại cao. Như vậy, kéo theo nông dân tốn chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tác động tiêu cực tới môi trường. Một số nơi bị hại nặng như: Xã Quảng Minh, Ninh Sơn (Việt Yên); xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang).

Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng nói: “Cứ đầu vụ sản xuất, đơn vị khuyến cáo nông dân cày bừa kỹ, xử lý tàn dư thực vật sau khi thu hoạch cây trồng vụ trước song hầu như người dân không quan tâm. Qua nhiều năm, đất giảm độ phì, vi sinh vật yếm khí tăng. Đơn cử, riêng vụ mùa này, lần đầu tiên xã Tư Mại của huyện xuất hiện bệnh vàng lá do vi khuẩn, ngộ độc hữu cơ với diện tích hơn 50 ha”. Đáng ngại hơn, cũng vì xử lý chưa tốt hạt giống, làm đất sơ khoáng nên lúa mùa năm 2017 ở một số xã như: Đức Thắng, Lương Phong, Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) còn nhiễm bệnh vàng lá vi rút với diện tích hơn 30 ha. Trong đó, nhiều diện tích lúa thất thu. Đây là bệnh nguy hiểm, lúa mắc bệnh chỉ còn cách nhổ bỏ, chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Tuân thủ quy trình

Nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy nếu các biện pháp canh tác không được tuân thủ thì đất sản xuất ngày càng chai cứng, ảnh hưởng đến cây trồng và nguy cơ mất mùa xảy ra.

Để tăng độ phì cho đất, giảm sâu bệnh tồn lưu, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, bà con cần tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trong đó phải chú trọng sử dụng phân hữu cơ ngay từ đầu vụ. Bởi lẽ, phân hữu cơ chứa các nguyên tố vi, trung lượng mà không phải loại phân hóa học nào cũng có được. Một số người dân chuyên trồng màu tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) chia sẻ kinh nghiệm: Nắm bắt được đặc thù đất trồng màu thường nhiễm sâu bệnh nên người dân tận dụng bùn ao được phơi ải rồi bổ sung vào ruộng như một nguồn phân hữu cơ do bùn chứa nhiều nguyên tố vi lượng giúp cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Bên cạnh đó, ngay khi thu hoạch cây trồng, người dân còn cày lật đất, bón vôi sau đó bừa để vôi rải đều khắp ruộng. Khoảng một tuần sau mới lên luống, trồng lứa tiếp theo. Nhờ vậy, hộ chị Nguyễn Thị Vụ, thôn Hưng Đạo nhiều vụ trồng rau gia vị không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh mà rau vẫn được thu hoạch. Một số nơi như xã Quế Nham (Tân Yên); Danh Thắng (Hiệp Hòa), nông dân xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp gồm rơm, rạ làm phân bón hữu cơ, tăng độ phì, cải tạo đất. Hay ở xã Mỹ Hà, thị trấn Vôi (Lạng Giang), Tam Dị (Lục Nam), người dân phân loại rác tại nhà, chọn phế phụ phẩm nông nghiệp với chế phẩm sinh học, tạo ra phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Tại vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn, một số hộ đã chú trọng sử dụng phân hữu cơ bằng cách mua cá mắm, đậu tương bón cho cam, bưởi để cây bền, tăng độ ngọt. Có hộ tìm về các trang trại chăn nuôi gà mua chất thải bổ sung vào đất. Những cách làm trên đều giúp đất được cải thiện đáng kể.

Đi đôi với biện pháp trên, một số ý kiến nêu, chất thải từ chăn nuôi mỗi năm rất lớn nhưng lại chưa được sử dụng hiệu quả. Trước thực tế này, tỉnh nên quan tâm, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực thu gom, biến chất thải thành phân hữu cơ, vừa tăng hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về phía người dân cần nhận thức vai trò của cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nhân rộng mô hình biến chất thải thành phân bón để bổ sung cho cây trồng.

Đề phòng và khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa nên giãn thời vụ gieo cấy, làm đất sớm để có đủ thời gian cho rơm rạ kịp phân hủy thành chất hữu cơ dễ tiêu hủy. Trong trường hợp cày vùi gốc rạ trên mặt ruộng thì nên để đất trống ba tuần mới gieo sạ lại. (Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật).

Trích: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: Một số quy định về bảo vệ môi trường đất

- Quy định chung về bảo vệ môi trường đất gồm: Bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung cơ bản của quản lý tài nguyên đất. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và các hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất và có giải pháp bảo vệ môi trường đất. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

- Quản lý chất lượng môi trường đất: Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc phát thải chất thải vào môi trường đất không được vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường đất. Vùng đất có nguy cơ suy thoái phải được khoanh vùng, theo dõi và giám sát. Vùng đất bị suy thoái phải được cải tạo, phục hồi. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất.

- Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất:

+ Các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát.

+ Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.

+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại cơ sở.

+ Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trịnh Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang