• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả trồng lúa công nghệ cao

Nguồn tin: Báo An Giang, 20/10/2017
Ngày cập nhật: 22/10/2017

Với lợi nhuận tăng thêm gần 3,4 triệu đồng/héc-ta, nếu toàn tỉnh An Giang áp dụng quy trình trồng lúa theo hướng công nghệ cao như ở xã Vọng Thê (Thoại Sơn), tổng lợi nhuận tăng thêm có thể lên đến hơn 2.300 tỷ đồng/năm. Đó là con số mơ ước của ngành Nông nghiệp.

Tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận

Từ tháng 3-2014 đến tháng 8-2017, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp (NCNN) Định Thành, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) đã triển khai dự án xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Vọng Thê (Thoại Sơn). Dự án do PGS.TS. Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm NCNN Định Thành làm chủ nhiệm.

Tham gia dự án, nông dân (ND) được tiếp cận các ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất. Các thửa ruộng nhỏ liền kề trong vùng dự án được quy hoạch, thiết kế thành những thửa to hơn để thuận tiện cho việc cơ giới hóa. Mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái. PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết, trước khi xuống giống, ND được tập huấn về hợp tác hóa NN, các giải pháp công nghệ, tham quan trình diễn… Khi gieo sạ, lượng giống được bà con giảm xuống còn 141,7kg/héc-ta, tiết kiệm gần 63kg/héc-ta so cách làm truyền thống. Trong quá trình sản xuất, nhờ kết hợp kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ nên tiết kiệm được lượng nước khá lớn. Đối với phân bón lúa, các kỹ sư của Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu bón cho từng loại đất, góp phần tiết kiệm 13,8% lượng phân đạm, 34,1% phân lân, 6% kali. Dù giảm phân bón nhưng năng suất lúa trong vùng dự án vẫn cao hơn ruộng đối chứng bón bình thường. Việc bón phân hợp lý, cân đối còn làm giảm áp lực sâu, bệnh, giúp giảm 15% số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm làm ra được truy xuất nguồn gốc, được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu thông qua tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX).

Trung tâm NCNN Định Thành triển khai trồng lúa công nghệ cao

PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết, tổng kinh phí thực hiện dự án gần 29 tỷ đồng. Trong đó, nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ gần 573 triệu đồng, đối ứng của Tập đoàn Lộc Trời hơn 1,7 tỷ đồng, còn lại là vốn góp của ND (chiếm 92%). Qua 3 năm triển khai dự án, ND được tăng thêm lợi nhuận 3,39 triệu đồng/héc-ta, Tập đoàn Lộc Trời xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam mang tên “Hạt Ngọc Trời”, lọt vào tốp 3 trong cuộc thi đấu xảo gạo ngon thế giới.

Cần thay đổi thói quen

Dự án xây dựng mô hình CĐL trồng lúa theo hướng ứng dụng CNC đạt hiệu quả là vậy nhưng trong quá trình thực hiện, Tập đoàn Lộc Trời gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề mở rộng diện tích. Trong đó, có tâm lý e dè của nhiều ND khi chưa quen với mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới. “Ngoài ra, giá thu mua của Tập đoàn Lộc Trời chưa hấp dẫn ND. Muốn mở rộng diện tích trong thời gian tới, Lộc Trời nên chọn một loại giống đặc sản, đảm bảo về năng suất, chất lượng, giá cao hơn các loại giống khác ngoài thị trường. Có như thế mới thu hút nhiều ND tham gia”- Chủ tịch UBND xã Vọng Thê Lê Quốc Thắng kiến nghị.

Theo Trung tâm NCNN Định Thành, cùng với xã Vọng Thê, dự án còn được nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn huyện Thoại Sơn như: An Bình, Tây Phú, thị trấn Óc Eo với quy mô diện tích khi kết thúc dự án là 247,4 héc-ta. Là địa phương tham gia dự án, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Văn Hai băn khoăn: “Lâu nay, ND chỉ quen bán lúa tại ruộng, nhận tiền khi cân lúa xong, chứ chưa quen với việc cân lúa và thanh toán tiền tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời. Một lý do khác là làm theo quy trình mới cần truy xuất nguồn gốc, ND chưa quen với việc ghi chép nhật ký, sổ tay đồng ruộng nên chưa thu hút được nhiều ND tham gia”.

PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết, những vướng mắc như giá và phương thức thu mua, thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc hoàn toàn có thể khắc phục được bởi lợi nhuận tăng thêm khi tham gia dự án là 3,39 triệu đồng/héc-ta/vụ. “Mỗi năm, An Giang có tổng diện tích trồng lúa khoảng 680.000 héc-ta. Nếu tất cả đều ứng dụng CNC vào mô hình CĐL như cách làm ở xã Vọng Thê, tổng lợi nhuận tăng thêm có thể đạt hơn 2.305 tỷ đồng. Đây là mục tiêu quan trọng nhất” - ông Chín nhấn mạnh.

HOÀNG XUÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang