• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hồ tiêu chết, nhiều hộ dân lo lắng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 19/10/2017
Ngày cập nhật: 20/10/2017

Thời gian qua, nhiều vườn hồ tiêu của bà con nông dân Thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa (Di Linh, Lâm Đồng) phát triển tốt và đang trong giai đoạn cho trái thì xảy ra hiện tượng cây chết, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn khiến nhiều người ở đây lo lắng.

Nhiều trụ tiêu của chị Nguyễn Thị Hương bị héo khô. Ảnh: Ndong Brừm

Những năm qua, khi giá cả hồ tiêu trên thị trường luôn ở mức cao, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh đã phát triển đáng kể diện tích cây hồ tiêu để có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Riêng trên địa bàn xã Tân Nghĩa, trong số 86,7 ha diện tích cây hồ tiêu (chủ yếu trồng xen với cây cà phê) thì chủ yếu trồng tập trung ở Thôn Gia Bắc 2, với diện tích 80 ha. Ngoài cà phê, hồ tiêu đã góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Ông Dương Thiên Thu, Trưởng thôn Gia Bắc 2 dẫn chúng tôi đến thăm vườn hồ tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, được biết năm 2015, gia đình chị Hương đã đầu tư kinh phí gần 100 triệu đồng, đổ đất, xây mương thoát nước cho đến việc mua trụ bê tông lẫn trụ sống (cây gòn) cũng như phân bón, cây giống để trồng 500 trụ tiêu. Tuy nhiên, khi vườn tiêu đang trong thời kỳ phát triển, cho trái và hứa hẹn sẽ cho khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống gia đình thì xảy ra hiện tượng cây tiêu chết gây tâm lý lo lắng, hoang mang. Đến nay, có khoảng 100 trụ tiêu của gia đình chị Hương đã chết hoàn toàn. “Trong số 500 trụ tiêu, gia đình tôi có trồng 100 trụ bằng giống tiêu ác, nên sau một năm trồng đã cho thu hoạch được 10 kg hạt tiêu khô. Năm nay, 100 trụ này sẽ chính thức cho thu hoạch và dự kiến mỗi trụ thu được 3 kg, nhưng không hiểu vì lý do gì cây tiêu đang phát triển tốt lại có hiện tượng vàng lá, thân héo khô, dẫn đến thối rễ và cây chết” - chị Nguyễn Thị Hương cho biết.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thương ở Thôn Gia Bắc 2, ông được biết đến là một trong những hộ có diện tích hồ tiêu lớn nhất của xã Tân Nghĩa. Với trên 3 ha đất trồng cây cà phê, từ năm 2012 đến nay, ông Nguyễn Thương đã trồng xen 2.000 gốc cây hồ tiêu, trong đó có 800 gốc đã cho thu hoạch ổn định. Những năm qua, giá cả hồ tiêu trên thị trường ổn định, nên ngoài cà phê, cây hồ tiêu trở thành cây trồng chủ lực và là cây cho thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thương. Từ 800 gốc tiêu đã cho thu hoạch, năm 2015, gia đình ông Thương thu được 2 tấn hạt tiêu khô, với giá thị trường từ 156.000 đồng đến gần 200.000 đồng/kg, gia đình ông thu được 400 triệu đồng; năm 2016, vườn tiêu của gia đình ông cho sản lượng 3,5 tấn, nhưng do giá tiêu trên thị thường hạ thấp, nên gia đình chỉ thu được 350 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thương bày tỏ: “Đến nay, vườn tiêu của gia đình tôi đã có 300 gốc bị chết khô. Nếu không xảy ra hiện tượng bệnh tật, tiêu chết, dự kiến trong niên vụ 2017 này, vườn tiêu của tôi sẽ cho sản lượng từ 4 - 5 tấn. Từ khi cây tiêu có biểu hiện vàng lá, có trụ chỉ một tháng và có trụ đến 3 tháng cây mới chết hoàn toàn. Những trụ chết tôi sẽ phá bỏ và trồng lại cây cà phê”.

Trước thực trạng hầu hết vườn tiêu của nhiều hộ dân ở Thôn Gia Bắc 2 thân cây bị héo khô rồi chết, bà con nông dân đều có chung tâm lý lo lắng và mong muốn cơ quan chuyên môn, nhất là ngành nông nghiệp cần sớm xác định và có kết luận về nguyên nhân cây tiêu chết. Qua đó, chỉ ra các loại thuốc đặc trị cũng như hướng dẫn cách xử lý, trị bệnh hiệu quả, giúp bà con ngăn ngừa và hạn chế tình trạng cây tiêu chết như hiện nay. “Vừa qua, cũng đã có một số nhà khoa học, ngành nông nghiệp đến kiểm tra, nhưng chưa có kết luận xác đáng, họ chỉ phổ biến cho bà con theo dõi và cách xử lý, chữa bệnh, nhưng ngược lại chữa chưa đâu vào đâu, mà tiêu vẫn cứ chết dần” - ông Dương Thiên Thu, Trưởng thôn Gia Bắc 2 trăn trở.

Trao đổi vấn đề này với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh được biết: Thời gian qua, đơn vị cũng đã đến kiểm tra, nhận thấy là do thời tiết mưa nhiều, đất khu vực này dễ bị ứ nước…, nên nguyên nhân chính dẫn đến cây tiêu bị chết rải rác là do bị úng nước. Đơn vị cũng đã tư vấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về các quy trình phòng trừ, biện pháp xử lý, nên đến nay đã khắc phục dần.

NDONG BRỪM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang