• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người “mê” cây dược liệu

Nguồn tin: Báo An Giang, 30/01/2017
Ngày cập nhật: 2/2/2017

Từ anh “thợ cưa” trứ danh, nhưng trong một lần lướt web tìm hiểu đặc tính của loài thảo mộc, ông Trần Phước Thọ (49 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) “mê” luôn cái nghề trồng dược liệu. Ngoài thu mua nhỏ lẻ, ông Thọ còn mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu, với quy mô lớn, được ngành Kiểm lâm đánh giá cao.

Bỏ nghề thợ mộc

Từng sở hữu một xưởng mộc bề thế trên địa bàn huyện Thoại Sơn, mỗi năm ông Thọ ký hợp đồng với đối tác lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng do bén duyên với nghề thảo dược nên ông quyết tâm đeo đuổi tới cùng: “Ở núi Sập, ai cũng biết đến tui. Mấy ông doanh nghiệp và địa phương đều thích mặt hàng gỗ của tui làm ra. Có năm tui nhận ký hợp đồng cả tỷ đồng cho việc đóng gỗ”. Vậy mà ông lại bỏ gỗ đi làm dược liệu.

Củ đinh lăng có tuổi đời hơn 10 năm được ngành kiểm lâm thu mua lại từ ông Thọ

Trước đó, ông Thọ cũng từng am hiểu đặc tính cây đinh lăng nên tập tành làm theo. Sau đó, ông nhờ người dân sống trên các ngọn núi săn lùng, đào tìm củ đinh lăng. Ông Thọ cho biết: “Theo tui, sưu tầm trên mạng thì cây đinh lăng không phải là cây đặc hữu ở vùng Bảy Núi, mà là loại dược liệu du nhập từ nơi khác vào. Thuở trước, cây đinh lăng được xem là loại dược liệu quý được vua chúa các nước làm quà biếu nên sau này người ta trồng và lưu truyền cho đến nay”.

Ông Thọ đã rảo khắp nơi từ vùng Bảy Núi đến nông thôn, hễ biết nơi nào có trồng đinh lăng lâu năm, củ to là cố mua cho bằng được. Có lúc, ông Thọ được nhiều người biết đến là tay chuyên thu mua củ đinh lăng. “Lúc đó, tui mê sưu tầm củ đinh lăng còn hơn mê bả (vợ ông). Nhìn củ đinh lăng to còn đẹp hơn củ sâm Hàn Quốc. Nhiều đợt sưu tầm, thấy củ nào đẹp là tui mua bình thủy tinh về ngâm rượu để trong nhà, quý như báu vật. Nhiều bạn bè đến nhà chơi, tưởng tui điên bởi bộ sưu tập toàn củ đinh lăng. Nhưng, chỉ mấy năm sau, biết giá trị củ đinh lăng nhiều người réo gọi, tìm đến mua nườm nượp. Muốn sưu tầm củ đinh lăng rất khó, phải dặn trước cả tuần, có khi cả tháng mới nhờ người đào được”- ông Thọ cười khà.

Duyên nợ với nghề trồng dược liệu

Bước vào nhà của ông Trần Phước Thọ thấy toàn trưng bày củ đinh lăng và rượu đinh lăng. Sân trước, ông còn trồng những cây đinh lăng cao vút được xem là "độc nhất vô nhị" ở vùng núi Sập. Ngồi tâm sự một hồi, mới hay ông Thọ đang dự định tìm người bán căn nhà nằm ngay trung tâm núi Sập để làm vốn đầu tư trồng dược liệu. Rồi, ông Thọ dẫn chúng tôi và các anh em trong ngành Kiểm lâm đến làng quê Thoại Giang. Trong một khu đất rộng khoảng 1 héc-ta cặp mé kênh, ông Thọ đang trồng đinh lăng, sâm bố chính và gừng đen... Gần đó, những hộ nông dân cũng đang là “vệ tinh” trồng thảo dược cho ông Thọ. Nói về sự đam mê nghề này, ông Thọ kể: “Ban đầu cũng chưa mặn mòi lắm với cây đinh lăng, vì kỹ thuật và kinh nghiệm trồng chưa hoàn thiện. Trên mạng hướng dẫn kỹ thuật trồng là một chuyện, nhưng đi vào thực tế thì rất khó. Đến đầu năm 2016, tui mới mạnh dạn mở rộng diện tích 1 héc-ta để trồng đinh lăng xen canh với nhiều loại thảo dược quý. Hiện tại, tui đầu tư tổng kinh phí trên 400 triệu đồng để trồng 70.000 gốc đinh lăng nếp, 20.000 cây sâm bố chính, 5.000 bụi gừng đen”. Để lấy ngắn nuôi dài, ông cho trồng thêm đậu phộng, đậu nành.

Ông Thọ chăm sóc đinh lăng nếp

Ngoài trồng dược liệu tại địa phương, ông Thọ còn mạnh dạn đăng ký với 10 “vệ tinh” ở vùng Bảy Núi và các hộ ở huyện Châu Phú, Chợ Mới. Với 1 héc-ta trồng dược liệu, ông Thọ nhẩm tính, sau 3 năm sẽ cho lợi nhuận rất cao. Cụ thể, với 70.000 gốc đinh lăng hứa hẹn thu hoạch khoảng 60 tấn (thân, rễ, lá), bán với giá 25.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể mỗi năm tui lặt 3 đợt lá đinh lăng, trung bình mỗi đợt khoảng 15 tấn. Đối với gừng đen cho thu hoạch 2 tấn, bán 30.000 đồng/kg, bỏ túi 60 triệu đồng. Sâm bố chính thu hoạch từ 7-10 tấn, giá thị trường dao động 35.000-40.000 đồng/kg, thu nhập ngót nghét 280 triệu đồng. Trừ tiền thuê đất 150 triệu đồng, tui kiếm thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng”- ông Thọ phân tích lợi nhuận từ nghề trồng dược liệu của mình.

“Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm đã nhân rộng mô hình trồng dược liệu trên 10 héc-ta trong tỉnh. Riêng ông Thọ trồng và nhân rộng thêm trên đất ruộng của nông dân khoảng 1 héc-ta. Tương lai, nếu ông Thọ thành công với nghề trồng dược liệu sẽ là người “đứng mũi chịu sào” trong việc trồng, thu mua và sơ chế dược liệu. Ngành Kiểm lâm cũng hỗ trợ ông Thọ để vực vậy nghề trồng dược liệu của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho nông dân”- ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên- Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết.

LƯU MỸ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang