• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Công nghệ cao

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng, 29/01/2017
Ngày cập nhật: 1/2/2017

Ở Đà Lạt, nông dân đang dần mờ quên khái niệm “chân lấm, tay bùn”. Ở Đà Lạt, nông dân mặc áo blouse ngồi phòng Lab nhân giống rau, hoa; mặc đồ sơ-vin chỉnh tề, vào trang trại “nhấn nút” kích hoạt chế độ bón phân, tưới nước, điều hòa nhiệt độ cho cây trồng. Và cũng ở đó, nông dân đang khiến câu hát “cây thiếu đất, cây sống sống với ai” trong nhạc phẩm Tình cây và đất của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không còn đúng với nghĩa đen.

Nông dân mặc áo blouse

Một ngày cuối năm, tôi bấm gọi điện cho lão nông Nguyễn Đăng Hiến ở làng hoa Thái Phiên (TP Đà Lạt) để hẹn đến thăm phòng Lab (phòng nuôi cấy mô, nhân giống cây theo phương pháp vô tính). Ông trả lời dứt dạt: “3 hôm nữa nhé, bữa nay phòng Lab của anh đang giai đoạn vô trùng, có vào được đâu!”. Tôi chưa kịp thắc mắc, ông đã giải thích: “Phòng Lab cứ hoạt động khoảng nửa tháng thì phải xử lý bằng thuốc sát trùng, xông hơi tiệt trùng, rồi mới làm tiếp, nếu không thì cây giống sẽ nhiễm khuẩn”.

Nông dân Lê Văn Hải giới thiệu về qui trình nhân giống hoa cúc

Lão nông Nguyễn Đăng Hiến được coi là một trong những người đặt nền móng cho ngành sản xuất giống hoa bằng phương pháp vô tính tại làng hoa Thái Phiên. Từng nhiều năm sản xuất cây giống, ông nhận thấy phương pháp nhân giống hữu tính truyền thống bộc lộ nhiều bất ổn, năm 1997, ông quyết định dốc vốn liếng để xây dựng phòng Lab. Thời điểm đó, khái niệm “phòng Lab” ở Đà Lạt còn khá xa lạ, nên việc nghiên cứu, tìm hiểu chủ yếu là qua sách vở, tài liệu. Ông kể: “Thời gian đầu trầy trật lắm, vì chưa có ai làm trước để học hỏi. Bản thân tự mày mò, ngày ra vườn ươm, tối về đọc tài liệu, rồi vào phòng Lab thực hành. Tài liệu, máy móc, hóa chất cũng phải về tận Sài Gòn mới mua được”. Và rồi công sức của ông được đền đáp xứng đáng, cây giống hoa cúc từ phòng nuôi cấy mô có ưu điểm vượt trội, phát triển mạnh, kháng bệnh tốt và chất lượng hoa cao hơn hẳn giống nhân theo phương pháp truyền thống. Sau giống cúc, ông Hiến tiếp tục nghiên cứu nhân giống vô tính thành công chuối Laba, khoai tây, dâu tây, atisô…

Cũng ở làng hoa Thái Phiên, nông dân Lê Văn Hải được biết đến là người dám nghĩ, dám làm để tạo lập chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực sản xuất cây giống theo phương pháp cấy mô. Là một nông dân thực thụ, nhưng ông Hải tiếp chuyện chúng tôi tại phòng Lab, trong chiếc áo blouse trắng. Nhẹ nhàng nhấc từng hộp chứa mầm giống, ông giới thiệu về quy trình nhân giống hoa cúc một cách lưu loát không khác gì kỹ sư nông nghiệp: từ khâu chọn mầm, xử lý thuốc, lấy đỉnh sinh trưởng, vào môi trường trẻ hóa, rồi chuyển qua môi trường tạo chồi, tạo rễ. Ông Hải cho biết: “Mình lập phòng Lab cách đây chừng 15 năm. Ban đầu, một mình “ôm sô”, nay quy mô mở rộng 100m2 nên phải thuê thêm 5 kỹ sư làm công tác nuôi cấy mô. Phương pháp nhân giống này dù mức đầu tư cao, tốn nhiều thời gian, nhưng hiệu quả hơn hẳn phương pháp truyền thống”.

Bây giờ, ở Đà Lạt, những nông dân bỏ tiền tỷ lập phòng Lab như ông Hiến, ông Hải không còn hiếm. Con số do ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đưa ra mới đây cho thấy, trên địa bàn có khoảng 50 cơ sở nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 30 triệu cây giống các loại.

Rau ở nhà kính, xài điều hòa

Đến thăm trang trại Phong Thúy tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những công nghệ, thiết bị nông nghiệp đang áp dụng tại đây. Ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại, nói rằng, hầu như những công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến của thế giới đã được áp dụng vào đây. Trong đó, 12ha sản xuất trong nhà kính tách biệt với môi trường bên ngoài nhằm tránh côn trùng và mầm bệnh xâm nhập, từ đó hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để rau an toàn hơn. “Ở đây trời khá nóng vào ban trưa, liệu có ảnh hưởng đến các giống rau ôn đới?”, tôi hỏi. Ông Phong lắc đầu, cười: “Không sao, trong nhà kính đã có hệ thống cắt nắng tự động để điều hòa nhiệt độ. Tùy loại rau, mà mức nhiệt độ tối đa được cài đặt khác nhau, vượt ngưỡng đó thì hệ thống khởi động chế độ, kéo lưới che để hạ nhiệt. Riêng với những loại rau cần giảm nhiệt độ nhưng vẫn giữ cường độ ánh sáng thì không che lưới, mà dùng hệ thống phun nước trên mái nhà kính”.

Bà Phạm Thị Thu Cúc cho biết: Rau thủy canh có thể đưa thẳng từ trang trại lên bàn ăn

Có lẽ đỉnh cao của việc ứng dụng công nghệ là trồng rau bằng phương pháp thủy canh. Cây không trồng trên đất, mà được đặt trên hệ thống ống dẫn nước chứa dinh dưỡng. Chủ trang trại Phong Thúy, ông Nguyễn Hồng Phong, cho biết phương pháp canh tác này hoàn toàn chủ động về dinh dưỡng cho cây và không lo các tác động từ môi trường (ô nhiễm đất, nước và kim loại nặng). Chất dinh dưỡng được cân đong chi ly từng gram và kiểm tra nồng độ pH, độ EC (độ dẫn điện), rồi bơm lên đường ống có độ nghiêng 2% chảy chầm chậm để rễ cây hấp thu. Theo ông Phong, dù mức đầu tư ban đầu cao, khoảng 6 tỷ đồng/ha, nhưng năng suất, chất lượng rau thủy canh cũng vượt trội, mang lại doanh thu 5 - 6 tỷ đồng/ha/năm, gấp 10 lần canh tác truyền thống.

Với bà Phạm Thị Thu Cúc, chủ trang trại Bạch Cúc (xã Lát, huyện Lạc Dương), việc quyết định chọn thủy canh không chỉ vì lợi nhuận, mà cái đích cao hơn là làm ra sản phẩm rau “tử tế”. Khi tôi đến thăm trang trại, bà Cúc đang say sưa giới thiệu cho nhóm khách từ Hà Nội: “Rau thủy canh ở đây được trồng trong nhà kính tách biệt với môi trường bên ngoài. Mỗi khi thu hoạch xong, hệ thống ống dẫn được súc rửa sạch sẽ và xử lý bằng hóa chất để tránh mầm bệnh. Chất dinh dưỡng cho rau cũng được nhập hoặc pha chế theo tiêu chuẩn châu u, nên mức an toàn có thể nói là tuyệt đối”. Nói xong, bà nhẹ nhàng nhấc một cây xà lách ra khỏi ống dẫn, để lộ bộ rễ dài và trắng sạch. Theo bà Cúc, động tác sơ chế duy nhất khi thu hoạch rau thủy canh là cắt bỏ bộ rễ, rồi đóng gói chuyển vào siêu thị. Còn về lý thuyết, có thể đưa thẳng rau từ trang trại lên bàn ăn.

Nam Viên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang