• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lời giải nào cho cây cao su?

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 13/10/2017
Ngày cập nhật: 14/10/2017

Ngay sau khi cơn bão số 10 năm 2017 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cao su ở các tỉnh miền Trung, Báo Quảng Bình đã tổ chức chương trình " Giao lưu và đối thoại" với chủ đề: “Cây cao su ở Quảng Bình: Bỏ hay giữ". Chương trình như một diễn đàn nhằm góp phần tìm lời giải cho bài toán về cây cao su ở vùng đất thường xuyên bị bão lũ như tỉnh ta. Bài viết: “Lời giải nào cho cây cao su” của tác giả Trọng Thái góp thêm một ý kiến, gợi mở cho vấn đề đang có nhiều tranh luận này.

Mới đây, chúng tôi có dịp thị sát vùng gò đồi phía tây Bố Trạch, khi cơn bão số 10 đã đi qua. Vào lúc này, người nông dân trồng cao su phần nào đã bình tâm trở lại, nhưng họ vẫn còn lúng túng vì chưa tìm được cây gì có thể thay thế loại cây đã gắn bó gần cả đời người.

Thật xót xa khi đến thăm vườn cây cao su của ông Lê Văn Quang ở thị trấn nông trường Việt Trung. Ông là chủ trang trại có 12ha cây cao su, trong đó, hơn 80% bị gãy đổ trong bão số 10, cây nằm ngổn ngang chưa được dọn. Đưa chúng tôi đi một vòng vườn cao su gãy nát, ông than thở rằng: “Không biết có nên trồng lại cao su nữa hay không!?”.

Cùng chung cảnh ngộ với vườn cao su của ông Quang, hầu hết các vườn cao su tiểu điền của huyện Bố Trạch cũng bị thiệt hại nặng nề. Điều đáng nói, cơn bão tháng 10-2013 đã hủy hoại không thương xót các vườn cây cao su trên địa bàn, gây thiệt hại vô cùng nặng nề đối với người trồng cao su.

Sau cơn bão này, có một số hộ chuyển sang trồng hồ tiêu và các loại cây ngắn ngày khác trên đất cao su, nhưng đa phần người dân vẫn đeo bám cây cao su. Sau 4 năm khi vườn cây đang dần hồi phục thì lại bị cơn bão số 10 này vùi dập tiếp. Bi kịch mang tên cao su một lần nữa tái diễn trên vùng gò đồi Quảng Bình mà xem ra chưa bao giờ có hồi kết.

Một vườn cao su ở Bố Trạch bị gãy đổ do bão số 10.

Lâu nay, trồng rừng đang được xem là hướng đi đầy triển vọng của nền kinh tế nông- lâm nghiệp ở tỉnh ta. Nhờ trồng rừng mà hàng nghìn hộ dân có việc làm ổn định và nhiều hộ giàu lên nhanh chóng. Trong 5 năm qua, cùng với nguồn vốn của các chương trình, người dân tự bỏ vốn ra trồng mới từ 5.000 đến 6.000 ha rừng tập trung mỗi năm và hàng chục triệu cây phân tán, số diện tích rừng trồng của tỉnh ta ước khoảng trên dưới 85.000ha, trong đó có khoảng 55.000ha keo lai, trên 11.000ha thông nhựa và 18.000ha cây cao su..., góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động...

Qua nắm bắt tình hình sau bão, vấn đề đặt ra lúc này đối với các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp là cần có lời khuyến cáo kịp thời cho nông dân vùng gò đồi, nên tiếp tục trồng cây cao su hay có cây gì thay thế?

Để góp tiếng nói về vấn đề này, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu tình hình sản xuất vùng gò đồi thời gian qua và nhận thấy rằng, trước đây, khi tần suất các cơn bão lớn còn thưa, trồng cây cao su đã mang lại hiệu quả nhất định. Còn nhớ khi Công ty Cao su Việt Trung kỷ niệm 50 thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2011), cây cao su lúc đó là “nữ hoàng”, là cứu cánh của vùng gò đồi.

Nhờ cây cao su mà Công ty Việt Trung và hàng ngàn hộ nông dân vùng gò đồi huyện Bố Trạch đã vươn lên làm giàu. Diện tích cây cao su trong tỉnh không ngừng tăng cao qua hàng năm, đến nay xấp xỉ 18.000ha. Riêng huyện Bố Trạch diện tích cây cao su đã vượt đất trồng lúa.

Thế nhưng, qua 2 trận bão lớn nhìn lại, trong số cây trồng thì cây cao su bị thiệt hại lớn nhất. Nếu như với chu kỳ 5 đến 7 năm có một cơn bão lớn thì trồng cao su rất bấp bênh. Xét về điều kiện tự nhiên có thể nói vùng đất Quảng Bình thường xuyên bị bão lụt thiên tai, việc cơ cấu cây trồng có chu kỳ dài ngày như cây cao su (chu kỳ 35-40 năm) thì độ rủi ro càng cao.

Bởi vậy, khi lựa chọn cây trồng cho vùng đất khắc nghiệt này, cần tính toán đến ảnh hưởng của thiên tai. Có một thời gian khá dài (năm 1989 đến trước năm 2013), tỉnh ta không có cơn bão lớn nào đổ bộ vào, nên thời kỳ này cây cao su phát huy hiệu quả. Còn như với sự biến đổi khí hậu khó lường này, tần suất các cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung ngày một bất thường và dày đặc hơn thì sự chọn cây cao su sẽ khó hiệu quả.

Sau bão số 10 năm 2013, một số chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp có khuyến cáo khi trồng cao su nên thiết kế theo hàng tránh hướng gió bão và trồng cây vành đai chắn gió! Nhưng thực tế qua 2 cơn bão lớn đổ bộ vào Quảng Bình mấy năm gần đây cho thấy, khi gió bão ở cấp 12 giật trên cấp 13, thì cây trồng khó có thể trụ được! Còn trồng theo hàng tránh hướng đi của bão, đó là lý thuyết. Còn thực tế vừa qua cho thấy, đường đi của tâm bão hình xoắn ốc, gió mạnh thổi từ nhiều phía, trồng hướng nào cũng không tránh được thiệt hại. Nói như vậy để khẳng định rằng, cây cao su không thể nào trụ được khi bão cấp 12 trở lên.

Vấn đề đặt ra là, nếu tiếp tục trồng cây cao su, sẽ gặp rủi ro cao trong điều kiện thời tiết có sự biến đổi bất thường như hiện nay. Việc đầu tư trồng cây cao su không hề đơn giản. Đó là, suất đầu tư lớn (bình quân 70-90 triệu đồng/ha), chu kỳ 6-7 năm mới khai thác và khai thác từ 6-10 năm mới hoàn được vốn.

Nếu như cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa thu hoạch), gặp bão lớn, coi như suất đầu tư bị mất trắng. Thời gian qua, chúng tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu tỷ phú, triệu phú cây cao su chỉ sau một cơn bão đã trở về tay trắng. Vài năm lại đây nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã không cho vay để trồng cây cao su là vì rủi ro quá cao.

Được biết, sau cơn bão tháng 10-2013, trên địa bàn tỉnh, trong số diện tích 10.000ha cây cao su bị gãy đổ, có gần 1.500 ha đã chuyển sang trồng hồ tiêu và các loại cây trồng khác. Mặc dù hiệu quả kinh tế trước mắt của việc chuyển đổi này không cao, nhưng bù lại ít bị ảnh hưởng cực đoan của thời tiết gây ra.

Vừa qua, một số mô hình sản xuất vùng gò đồi mang lại hiệu quả, như: trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt và chăn nuôi bò lai quy mô nhỏ (dạng trang trại gia đình); trồng cây dược liệu, cây nghệ vàng, cây hồ tiêu... Tuy nhiên, đó là các mô hình nhỏ lẻ, sản xuất theo dạng tự cung tự cấp. Nếu sản xuất trên diện tích lớn của vùng gò đồi, cần có nghiên cứu kỹ càng từ cây giống, khâu chế biến và nhất là đầu ra cho sản phẩm...

Trọng Thái

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang