• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa vụ buồn ở "thủ phủ" cà chua

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 12/10/2017
Ngày cập nhật: 13/10/2017

Dịch bệnh xoăn lá xuất hiện và bùng phát dữ dội tại “thủ phủ” cà chua huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến hàng trăm nhà vườn điêu đứng.

Dịch bệnh hoành hành

Ông Bùi Văn Tú (xã Lạc Xuân) không khỏi bùi ngùi, rớm nước mắt giữa vườn cà chua rộng 1,5 ha sắp thu hoạch gần như mất trắng. Ông cho biết, cà chua xuất hiện bệnh khi đã lên dây thứ 3. Nhiều nông dân tiếc, thu hoạch bán rẻ cho thương lái nhưng không ai mua. Các chủ ruộng đành đem cà chua đổ, để cho bò ăn... Ông Tú tiếc rẻ “Nếu cà chua được mùa, nông dân chúng tôi sẽ trúng lớn vì giá cà chua tăng cao. Cây chưa kịp bung hoa thì lá đã dần chuyển vàng, nếu có quả thì cũng bị “sượng” hoặc hư hỏng không thể thu hoạch”.

Nông dân Đơn Dương ngậm ngùi nhìn diện tích cà chua bị nhiễm bệnh không thể cứu chữa. Ảnh: H.Y

Anh Nguyễn Hồng Đăng (thôn Quảng Hiệp, xã Quảng Lập): “Vườn cà chua của tôi sắp thu hoạch nhưng dịch bệnh đã làm số cà chua bị sượng gần hết, vì vậy thương lái “bỏ của chạy lấy người”. Tuy nhiên, vì tiếc rẻ nên chưa nhổ bỏ vườn cây nhiễm bệnh mà vẫn cầm cự chăm sóc nhằm vớt vát thu hoạch. Theo anh Đăng, vụ này gia đình lỗ hơn 50% vốn, công sức bỏ ra.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu, gia đình bà Ma Pó (thôn Hawai, xã Tu Tra) đầu tư vốn liếng cho vườn cà chua. Tương tự gia đình bà Ma Pó, bà Xuyên cùng xã cũng không nỡ nhổ bỏ mà đang cố chăm sóc để thu hoạch vớt vát. “Cả gia đình chỉ trông cậy vào vườn rau màu này và dồn hết vốn đầu tư vào đây mà giờ bị thiệt hại tới 70% khiến không biết xoay xở ra sao” - bà Xuyên than.

Nhiều hộ sản xuất ở vựa cà chua lớn nhất Việt Nam - Đơn Dương, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho biết thêm, họ không còn đủ kinh phí để trồng lại lứa mới hay loại cây khác vì toàn bộ vốn liếng đầu tư đã theo cây cà chua ra đi.

Cách đây hơn một năm, dịch xoăn lá cà chua bùng phát mạnh tại 2 xã Ka Đơn và Tu Tra, bệnh lây lan rất nhanh khiến vườn cà chua chết dần chết mòn. Bước sang vụ mùa mới năm 2017 người dân 2 xã này không dám trồng bởi lẽ họ sợ mất trắng. Nhưng diện tích trồng cà chua của các xã còn lại của huyện Đơn Dương vẫn cao hơn năm trước do giá cả cà chua tăng cao đột biến. Tổng diện tích gieo trồng khoảng 1.036 ha. Qua công tác kiểm tra hiện nay bệnh virus gây hại cà chua đang gia tăng mạnh cả về diện tích nhiễm và mức độ hại so với tháng trước. Bệnh xuất hiện sớm ngay ở giai đoạn 15 - 30 ngày sau trồng, sau đó lan rộng và gây hại nặng thời điểm 30 - 45 ngày sau khi trồng. Đến nay, bệnh virus đã xuất hiện ở hầu khắp các vùng trồng cà chua của huyện Đơn Dương. Tổng diện tích nhiễm bệnh 720,3 ha, trong đó 320,5 ha nhiễm nặng. Nhiều hộ dân đành bỏ mặc vì không có cách cứu chữa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lập cho biết, địa bàn xã gieo trồng 170 ha cà chua nhưng đến thời điểm hiện tại gần như 100% diện tích đã nhiễm bệnh, trong đó 100 ha nhiễm nặng phải nhổ bỏ.

“Đây là mùa vụ cà chua bị ảnh hưởng bệnh xoăn lá nặng nhất từ trước đến nay tại địa phương, gây thiệt hại lớn đối với nhà nông. Bởi khi vườn cà chua bị nhiễm bệnh thì trái bị sượng, nếu thu hoạch thì cũng không bán được. Theo dự đoán, giá cà chua có thể tiếp tục giữ giá cao, đây thật sự là mùa cà chua buồn của người nông dân”, ông Tuấn tiếc rẻ.

Bài toán nan giải

Ông Đỗ Hữu Trí (58 tuổi, thôn Quảng Hiệp, xã Quảng Lập) xót xa nói: “Gia đình gieo diện tích 5 sào cà chua, trồng lên chưa được thu hoạch lứa nào thì cây đã nhiễm bệnh. Từ đầu tháng 7, gia đình tôi đã thử rất nhiều loại thuốc để phun cho vườn cà chua nhưng càng phun cây càng chết. Hiện tại, gia đình đã nhổ bỏ hết 4 sào, nhưng với tình hình hiện nay thì không sớm thì muộn coi như thất thu hoàn toàn. Sợ lắm rồi, giờ mà giá cà chua có lên 100 nghìn đồng/kg tôi cũng không dám trồng bởi dịch bệnh hoành hành, nguy cơ mất trắng sẽ xảy ra”.

Cà chua mới lên dây 2 của bà con đồng bào thiểu số bị virus xoăn lá không thể cứu chữa! Ảnh: H.Y

Theo bà Vũ Thị Thúy, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật - Chi cục Trồng trọt và BVTV thì, nguyên nhân dịch bệnh virus tiếp tục bùng phát và gây hại mạnh là do thời tiết nắng nóng đột ngột giữa tháng 9/2017, tạo môi trường thuận lợi cho các côn trùng chích hút phát triển là điều kiện cho bệnh virus lây lan và gây hại mạnh; trên đồng ruộng có nhiều lứa cà chua gối nhau, hầu hết đều nhiễm bệnh. Do giá cà chua tăng cao nên nông dân canh tác gối vụ liên tục, một số diện tích không luân canh mà trồng 2 - 3 vụ cà liên tiếp. Việc thu gom tiêu hủy cây nhiễm bệnh chưa triệt để, chủ yếu nhổ bỏ để ngay tại vườn đến khi khô héo mới thu gom và chất đống trên bờ, mương máng; nguồn giống không đảm bảo cũng là điều kiện để bệnh phát triển.

Bà Thúy cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2017 Chi cục đã tiến hành khuyến cáo người dân hạn chế việc canh tác cà chua, chuyển đổi sang canh tác các cây rau khác như rau thập tự, đậu leo, xà lách, hành tây… để giảm áp lực gây hại của sâu bệnh; thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận thức rõ dịch virus gây hại cà chua là bệnh nguy hiểm đến nay chưa có thuốc hóa học đặc trị, cần phải áp dụng triệt để các biện pháp tổng hợp để phòng ngừa. Và hạn chế bệnh virus lây lan bằng giải pháp trồng cà chua trong nhà kính, nhà lưới, chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây sinh trưởng khỏe, tăng sức đề kháng, nhất là giai đoạn phát triển thân lá trước 50 ngày sau trồng. Nếu phát hiện bệnh phải nhổ bỏ và đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy. Phòng trừ côn trùng chích hút định kỳ 5 ngày/lần, không để trên vườn xuất hiện các nhóm côn trùng này. Ngoài ra, phải quản lý tốt các loại bệnh hại, đặc biệt là vi khuẩn, nấm và tránh tạo vết thương cơ giới cho cây, bệnh dễ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương tiếp tục tập huấn cho nông dân về nhận biết virus, con đường lây lan và quy trình quản lý tổng hợp bệnh virus vì khá nhiều nông dân đến nay chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Đến thời điểm hiện tại, đã tổ chức lễ ra quân thu gom, tiêu hủy cây rau họ cà bị nhiễm bệnh xoăn lá, đồng thời tổ chức 17 lớp tập huấn cho nông dân toàn huyện với 645 người tham gia, 1 lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng với 95 người tham gia. Qua triển khai các biện pháp khuyến cáo phòng trừ, khuyến cáo giảm diện tích trồng mới cà chua, diện tích cà chua bị nhiễm bệnh xoăn lá cơ bản có giảm, người dân thực hiện tốt khuyến cáo biện pháp luân canh cây trồng để khống chế nguồn bệnh virus tồn tại liên tục trên đồng ruộng.

Hiện cà chua loại một có giá từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, cà chua loại hai cũng đang được thu mua 15 nghìn đồng mỗi kg, tăng gấp ba lần so với vụ mùa những năm trước. Thế nhưng người trồng cà chua ở “thủ phủ” cà chua Đơn Dương thì không có cà chua để bán do dịch bệnh hoành hành. Mùa cà chua buồn trong đôi mắt nông dân vốn nhọc nhằn nay lại thêm phần nhọc nhằn hơn.

Phóng sự Hoàng Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang