• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Lâm Hà phát triển nhanh vùng trồng cà phê bền vững

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 06/10/2017
Ngày cập nhật: 8/10/2017

Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã và đang khuyến khích các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê mở rộng diện tích cà phê theo hướng bền vững.

Trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C đem lại hiệu quả cao cho nông dân TT Nam Ban. Ảnh: H.Y

Giảm chi phí đầu tư

Những năm qua, phong trào sản xuất cà phê bền vững phát triển nhanh và mạnh trên địa bàn Lâm Hà, nhiều nông hộ đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ... Điều này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ được môi trường sinh thái. Ông La Văn Hoan, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững khu phố Thành Công, thị trấn Nam Ban cho biết, sau khi tham gia sản xuất cà phê theo chứng nhận 4C được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh từ trồng đến chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối, hợp lý… nên năng suất luôn đạt từ 4 đến 5 tấn cà phê nhân/ha. Những năm qua, các hộ nông dân tham gia mô hình được mua phân bón rẻ hơn thị trường do tổ hợp tác ký kết hợp đồng mua phân bón tại công ty mà không thông qua các đại lý, bên cạnh đó còn được khuyến cáo bón đúng theo quy trình, nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Tương tự, ông Võ Phi Hùng, khu phố Thành Công, thị trấn Nam Ban chia sẻ, trước đây, diện tích cà phê của gia đình quá già cỗi nên ông quyết định phá toàn bộ 1,2 ha để tái canh và chọn hướng trồng cà phê bền vững để sản xuất; khi tham gia chương trình sản xuất cà phê 4C, gia đình ông được Sở NN và PTNT tỉnh hỗ trợ 50% chi phí vật tư, kỹ thuật, tập huấn, kiểm tra, kiểm soát nguồn giống để tái canh. Lợi ích lớn nhất của việc trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C là nông dân được hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, chắn gió, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hạch toán thu chi chính xác trong một năm để xem mỗi năm mình lời lỗ thế nào và biết được quá trình chăm sóc cà phê của mình đến đâu. Đến nay, diện tích vừa được tái canh của gia đình phát triển tốt, không phát hiện sâu bệnh gây hại, dự kiến năm nay cho ra bói đầu tiên, các đại lý mua với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg nhân, giảm chi phí vật tư đầu vào, năng suất tăng 10% so với cách sản xuất thông thường.

Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifield cũng áp dụng tại các vườn cà phê ở các xã Mê Linh, Đông Thanh… Nhờ có biện pháp chăm sóc hợp lý như thường xuyên loại bỏ chồi vượt, tỉa cành tạo tán hợp lý trong mùa mưa, loại bỏ cành tăm, cành nhớt, cành vô hiệu mà vườn cây của bà con nông dân hạn chế được sâu bệnh gây hại và tiết kiệm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người trồng cà phê sử dụng phân bón, vật tư và nước tưới một cách hợp lý, giảm chi phí đầu tư, tránh được tình trạng thừa phân bón, nước tưới gây lãng phí.

Tăng nhanh diện tích

Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Thành Công, TT Nam Ban ban đầu chỉ có 58 hộ tham gia nhưng đến nay đã tăng lên 150 hộ với diện tích 210 ha, sắp tới chuẩn bị tổ hợp tác sẽ kết nạp thêm rất nhiều tổ viên tham gia vào chương trình.

Ông Trần Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết, bà con tham gia mô hình cà phê bền vững này được cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn tận tình từ phương pháp chăm sóc, bón phân, tỉa cành đúng kỹ thuật. Có nhiều vấn đề nông dân chưa bao giờ chú ý tới như ghi nhật ký nông hộ, vệ sinh đồng ruộng… khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế, người nông dân được hưởng nhiều lợi ích như hỗ trợ nguồn giống đầu dòng, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản cà phê. Các hộ trồng cà phê thực hiện tưới nước tiết kiệm; bón phân cân đối; sử dụng từng loại phân bón theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu thống kê, đến nay, huyện Lâm Hà đã có 6.921 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… Nông hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận và diện tích cà phê bền vững này không ngừng tăng lên theo từng năm. Ông Vũ Bá Yêu, Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Lâm Hà cho biết, phát triển cà phê bền vững là hướng đi đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đặc biệt sẽ cung cấp các sản phẩm cà phê an toàn ra thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường. Khi tham gia những mô hình sản xuất cà phê bền vững cũng giúp duy trì ổn định về năng suất, chất lượng, từng bước hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ hợp tác. Cà phê được chứng nhận 4C và UTZ Certified đồng nghĩa với việc được cấp thông hành khi tham gia xuất khẩu.

Hoàng Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang