• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiếng “khùng” làm gạo sạch

Nguồn tin: Người lao động, 25/01/2017
Ngày cập nhật: 30/1/2017

Kinh nghiệm không có, vốn kiến thức về nông nghiệp cũng trống trơn nên khi đeo đuổi mô hình sản xuất lúa sạch, nhiều người gọi Võ Văn Tiếng là Tiếng “khùng”

Làm ra hạt gạo sạch không phải để bán được giá cao hay chỉ góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà hơn hết là nhằm khôi phục lại hệ sinh thái vốn có của đồng ruộng quê nhà. Đó là cách nghĩ, cách làm của chàng trai Võ Văn Tiếng (25 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).

MẠO HIỂM

Tiếng “khùng” có niềm đam mê cháy bỏng là làm du lịch dựa vào đặc trưng riêng của quê hương vùng Đồng Tháp Mười vốn được thiên hạ biết đến là vùng đất “trên cơm dưới cá”. Tuy nhiên, hệ sinh thái ở vùng đất này đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu do người dân sử dụng nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất lúa.

Võ Văn Tiếng đi thăm đồng. Ảnh: ĐINH THANH V N

Năm 2010, sau khi xuất ngũ về quê, Võ Văn Tiếng lên TP HCM đăng ký học lớp marketing (tiếp thị). Trong thời gian này, Tiếng tình cờ quen ông Nguyễn Văn Bùi (nguyên cán bộ nông nghiệp xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) rồi cùng ông thử nghiệm trồng rau sạch trên diện tích đất gần 1 ha do một ngân hàng cho mượn tại khu vực cầu Ông Lớn, huyện Bình Chánh. Cũng từ đây, Tiếng bắt đầu “lơ” dần việc học, dành nhiều thời gian chuyên tâm nghiên cứu về mô hình nông nghiệp sạch. Năm 2015, Tiếng chia tay người thầy đầu tiên, mang những điều đã học được về áp dụng trên cánh đồng lúa quê nhà với quyết tâm “không dùng phân, không dùng thuốc hóa học nhưng vẫn cho năng suất cao”.

Chàng trai trẻ tìm mọi cách thuyết phục cha mẹ cho mượn 2 ha đất để thí điểm trồng lúa sạch tại ấp Trung, xã Thường Thới Tiền. Ban đầu, ý định này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình vì cho rằng “đây là mô hình ở đâu bên trời Tây chứ làm sao thành công ở cái xứ này được”. Tuy nhiên, để thỏa mãn sự “khùng” của con, cha mẹ Tiếng chấp thuận giao đất cho anh trồng lúa thử nghiệm. Vụ mùa đầu tiên thành công, Tiếng được cha mẹ giao hết 10 ha đất để mở rộng mô hình. Tiếng dành hẳn 2 ha để làm tuyến kênh bao quanh ruộng lúa và đào ao thật rộng làm nơi lắng lọc nước.

“Vụ mùa đầu tiên, tôi chỉ mong huề vốn chứ không dám mơ đến chuyện có lời vì chủ yếu là để thử nghiệm giúp đất phục hồi. Khi hệ sinh thái bảo đảm được tính cân bằng thì nguồn vốn đầu tư sẽ giảm dần và năng suất lúa cũng sẽ tăng lên theo từng năm, không có gì phải ngại!” - Tiếng tự tin khẳng định.

“LẤY ĐỘC TRỊ ĐỘC”

Loại lúa Tiếng chọn để “khởi nghiệp” là giống lúa thơm Nàng Hoa 9. Chính vì vậy, ruộng lúa của chàng trai này được dự báo trước là sẽ thu hút nhiều loại côn trùng, dịch hại.

Giải quyết bài toán nan giải này, Tiếng tận dụng tối đa những loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên như cá, ếch, nhái cùng với việc nuôi hàng ngàn con vịt để tấn công và tiêu diệt dịch hại mà không cần sự can thiệp của hóa chất, thuốc trừ sâu.

Trong một buổi sáng thăm ruộng, Tiếng phát hiện một điều thú vị là gần như đám rầy nâu đã bị cá tiêu diệt gọn khi vừa bay ngang mặt nước. Chờ đến khi rầy nâu đẻ trứng trên thân lúa, Tiếng cho xả nước vào đồng để cá tiếp tục lấy đó làm thức ăn hoặc lùa vịt vào, “chén” sạch. Do ruộng lúa của Tiếng không có mùi thuốc hóa học nên ếch, nhái bắt đầu kéo đến trú ngụ rồi tự sinh sôi nảy nở. Về đêm, những loài này săn mồi rất hiệu quả. Với ốc bươu vàng, Tiếng cho hàng ngàn con vịt vào tận diệt.

Ngoài ra, để tránh ảnh hưởng bởi mầm bệnh hoặc thuốc hóa học có trong nước kênh, Tiếng cho đào ao khá rộng để bơm nước vào trữ trong 10 ngày. Sau khi các loại tạp chất lắng đọng dưới đáy ao thì mới cho xả vào ruộng lúa. Trong ao, Tiếng cũng thả rất nhiều loại cá khác nhau để góp phần làm sạch nước. Hiện Tiếng đang đào thêm 2 ao trữ nước nhằm tạo nên hệ thống tuần hoàn, chấm dứt việc sử dụng nước được bơm trực tiếp từ dưới kênh.

THÀNH CÔNG

“Với những phương pháp mang tính tự nhiên này, hạt gạo làm ra hoàn toàn sạch và an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Hiện bà con xung quanh thấy được sự hiệu quả của mô hình nên nhiều người bắt đầu làm theo” - Tiếng khoe.

Do được sản xuất theo quy trình sạch nên thương hiệu gạo Tâm Việt của Công ty TNHH MTV nuôi trồng nông thủy sản Tâm Việt, do Tiếng vừa thành lập và làm giám đốc, có giá bán ra thị trường khá cao, từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg nhưng lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng”.

Tiếng chia sẻ rằng giờ đây anh đã rất yên tâm với mô hình này vì không còn lo ngại bị lỗ lã do lúa rớt giá. Hàng ngàn con vịt và hàng tấn cá được thả nuôi đã thừa sức bù lỗ được. Sau khi lúa thu hoạch xong thì cũng là lúc đàn vịt bắt đầu cho trứng và bán được giá, cao gấp 2-3 lần so với trứng vịt thông thường hoặc bán thịt với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/con (loại có trọng lượng gần 2 kg). Vụ Đông Xuân tới, Tiếng dự định mở rộng canh tác thêm khoảng 20 ha đất vừa thuê. Với 40 ha này, Tiếng có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 60 nhân công là bà con nghèo ở địa phương.

Tôi hỏi giờ đây còn ai gọi là Tiếng “khùng” nữa không, Võ Văn Tiếng cười lớn: “Có sao đâu anh, tôi thích gọi vậy mà! Nhờ “khùng”, tôi mới thành công!”.

Ấp ủ mô hình du lịch sinh thái

Giờ đây, nông trại của chàng thanh niên Võ Văn Tiếng đã thu hút hàng chục sinh viên ở tận Hà Nội, Thái Nguyên hay từ vùng đất mũi Cà Mau tìm đến giao lưu, học hỏi vì có điểm chung là đam mê làm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Võ Văn Tiếng tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi là giúp bà con nông dân mình làm lúa cho năng suất cao nhưng tốn ít chi phí qua việc loại bỏ dần phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Một khi môi trường tự nhiên được cân bằng trở lại như ngày xưa thì lúc đó tôi sẽ chuyển sang làm du lịch sinh thái”.

Mô hình du lịch sinh thái trong tương lai của Tiếng là hình ảnh của một vùng lõi rộng từ 30 đến 40 ha được thiết kế theo kiểu “trên cơm dưới cá” và vùng đệm bao quanh rộng khoảng 60 ha. Đây cũng là cách để Tiếng giúp các bạn học sinh, sinh viên trải nghiệm, học cách làm lúa nước theo mô hình hữu cơ tự nhiên, hoàn toàn sạch.

Thốt Nốt

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang