• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây cao su ở Quảng Trị cần hướng quy hoạch bền vững

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 29/09/2017
Ngày cập nhật: 2/10/2017

Cao su là loại cây công nghiệp chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Quảng Trị. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, người trồng cao su mà đặc biệt là vùng ven biển lại thấp thỏm lo âu, sợ rừng cao su bị bão tố quăng quật tàn phá. Làm thế nào để quy hoạch cây cao su phát triển một cách bền vững, lâu dài vẫn đang là vấn đề cần quan tâm…

Người trồng cao su mất trắng sau bão

Mặc dù không nằm trong vùng tâm bão, nhưng cơn bão số 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với Quảng Trị, đặc biệt đối với người dân trồng cao su. Theo thống kê của ngành chức năng, sau bão, toàn tỉnh có gần 3.000 ha cao su bị gãy đổ, bật gốc (1.100 ha cao su không thể phục hồi); trong đó, huyện Vĩnh Linh bị ảnh hưởng gần 1.700 ha, huyện Gio Linh thiệt hại khoảng 1.300 ha…

Cơn bão số 10 đi qua đã để lại thiệt hại quá lớn cho người dân trồng cao su vùng ven biển huyện Vĩnh Linh. Những ngày sau bão, rất dễ bắt gặp cảnh người dân các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Thạch… xót xa chặt bỏ đi những cây cao su bị gãy đổ, không thể phục hồi. Ngay sau khi cơn bão đổ bộ, chiều ngày 15/9, bà Nguyễn Thị Hứa ở khu phố Thạch Nam, thị trấn Cửa Tùng ra thăm rừng cao su cách nhà gần 2 km. Bà gần như khụy xuống khi nhìn thấy cảnh tượng tiêu điều, xác xơ của vườn cao su mà gia đình mình bỏ ra bao công sức gây dựng bấy lâu. Hàng loạt cây cao su gãy đổ đè lên nhau, mũ trắng từ thân cây ứa ra chảy tràn xuống đất khiến bà ứa nước mắt.

Người dân vùng Đông Gio Linh thu dọn cây cao su gãy đổ sau bão

Cách đây hơn 7 năm về trước, bà Hứa vay mượn tiền bạc để mua giống cây cao su về trồng với hy vọng thoát nghèo. Từ những cây giống ban đầu, hiện nay, nhà bà có 1 ha cao su đã cho thu hoạch. “Cơn bão này làm gần 100 cây cao su sắp cho thu hoạch của tôi bị gãy đổ. Vườn cao su này là tất cả gia sản của nhà tôi. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào chưa thu lại được thì nay đã ra đi theo gió bão cả rồi. Giờ tôi chưa biết phải làm thế nào cả”, bà Hứa nói.

Cách đó gần 10 km là vườn cao su bị gió bão làm gãy đổ gần hết của chị Phạm Thị huệ (43 tuổi) ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam. Chị Huệ là giáo viên dạy cấp một còn chồng làm thuê trong vùng. Hai vợ chồng chị tích cóp được bao nhiêu đều đầu tư cả vào cây cao su với hy vọng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và nuôi các con ăn học. Sau bao năm cần mẫn cuốc đất trồng cây, vợ chồng chị trồng được hơn 5 sào cao su và nay đều cho thu hoạch. Cơn bão đã làm vườn cao su của chị thiệt hại hơn 90%. Nhìn cảnh những cây cao su cao lớn gãy đổ ngổn ngang, chị Huệ cứ xót xa tiếc của. Hôm gặp tôi, chị cứ lững thững đi lại giữa tán rừng xác xơ do mưa bão quăng quật mà chẳng biết nên xử lý như thế nào. Hỏi “Chị dự tính thế nào với vườn cao su?”, chị nhìn quanh một lượt với đôi mắt đỏ hoe rồi bảo: “Bao vốn liếng nhà tôi đổ vào đây cả rồi. Giờ tôi tính sẽ chặt bỏ hết cây cao su để trồng cà gai leo cho an toàn và cũng để lấy ngắn nuôi dài”.

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp huyện Gio Linh, toàn huyện có khoảng 1.300 ha bị thiệt hại do bão gây ra. Trong đó, xã Trung Sơn là nơi có diện tích cao su bị gãy đổ lớn nhất với hơn 723 ha, diện tích bị ảnh hưởng trên 70% là 30 ha. Ông Phan Thanh Tý, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: Bão đi qua, hầu hết người dân trồng cao su ở trong xã đều chịu thiệt hại nặng. Vườn nào ít cũng vài chục cây, còn nhiều thì vài trăm cây bị gãy đổ, không thể phục hồi. Địa phương đã thống kê thiệt hại và vận động, hỗ trợ người dân sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hướng quy hoạch lại cây cao su

Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại. Thời điểm mủ cao su được giá, trung bình mỗi ngày, người dân có thể thu về vài triệu đồng hoặc cả chục triệu đồng. Tuy nhiều lúc giá mủ cao su rớt thấp tận đáy, nhưng người trồng cao su vẫn có thể cầm chừng và có thêm thu nhập. Bởi hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, người dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông… ào ạt trồng cây cao su nên diện tích loại cây này tăng rất nhanh chóng.

Nếu như năm 1958, diện tích cây cao su chỉ đạt 300 ha (được trồng ở nông trường Quyết Thắng, thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh) thì đến nay, toàn tỉnh đã có gần 20.000 ha. Những nơi tập trung diện tích cao su lớn như Gio Linh (6.886 ha), Vĩnh Linh (6.58a ha), Cam Lộ (4.246 ha)… Trận bão lịch sử năm 2013 đã làm thiệt hại một diện tích lớn cây cao su ở Quảng Trị. Sau đó ít lâu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo tại huyện Vĩnh Linh bàn về vấn đề phát triển cây cao su tại Quảng Trị.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, kết quả cuối cùng là phát triển cây cao su ở Quảng Trị nhưng phải có quy hoạch và lộ trình riêng biệt. Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, ở những vùng ven biển như vùng Đông huyện Vĩnh Linh thì không nên trồng cây cao su. Vì những nơi này rất gần với biển, chịu ảnh hưởng gió, mưa trực tiếp mỗi khi mùa mưa bão đến.

Trong khi cao su lại là loài cây tán rộng, thân giòn, rất dễ gãy. Trong các nghị quyết, quy hoạch phát triển cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh, cây cao su được khuyến khích tập trung phát triển ở vùng phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Triệu Phong. Đối với vùng phía Đông ven biển, ngành chức năng đã nhiều lần vận động, khuyến khích người dân không nên trồng cây cao su vì tính bền vững rất thấp. Những nơi có diện tích cao su bị gãy đổ trên 70%, thì người dân không nên trồng lại cây cao su mà nên chuyển đổi sang những loại cây trồng khác phù hợp hơn như hồ tiêu, cỏ voi, rau màu…

Ở những vườn cao su bị thiệt hại dưới 70% thì cần có biện pháp phù hợp nhằm phục hồi và bảo vệ cây tùy theo hiện trạng từng vườn. Cụ thể như sử dụng giống cây tum bầu có sức chống chịu cao, độ dẻo dai cao hơn; quy hoạch lại vườn, xây dựng vành đai cây rừng chắn gió; trồng cây với mật độ dày hơn…

Trao đổi về hướng quy hoạch cây cao su, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Chủ trương của Sở là chỉ tập trung phát triển cây cao su ở vùng phía Tây của các huyện. Còn ở vùng Đông, ven biển thì không nên trồng cây cao su. Đối với những nơi đã trồng rồi thì khi nào đến lúc hư hại hoặc hết tuổi khai thác cần thanh lý để chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cao su cho người dân vùng phía Tây; tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân vùng ven biển chuyển đổi những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng”.

Để cây cao su phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, thiết nghĩ, các sở, ban, ngành liên quan cần sớm có hướng quy hoạch cụ thể hợp với lòng dân và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trần Tuyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang