• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Huyện Sa Thầy (Kon Tum): Nông dân ồ ạt trồng điều

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 14/09/2017
Ngày cập nhật: 18/9/2017

Thời gian qua, giá hạt điều (đào lộn hột) trên thị trường có xu hướng tăng cao, thương lái tìm mua nhiều nên tại một số xã trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) nông dân đổ xô trồng loại cây này. Tuy nhiên, điều là loại cây có thời gian sinh trưởng và phát triển dài, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên nông dân vừa trồng vừa thấp thỏm lo lắng.

Đua nhau trồng điều

Bà Tống Thị Nghĩa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Điều không phải loại cây xa lạ với người dân Sa Thầy, bởi trước đây ở một số xã như Mô Rai, Rờ Kơi, Ya Tăng, trong vườn nhà hoặc trên rẫy nhiều người dân đã trồng loại cây này. Tuy nhiên số lượng trồng không nhiều, diện tích nhỏ lẻ nên không thể coi là loại cây hàng hoá. Nhưng 2 năm trở lại đây, tại xã Mô Rai và Ya Tăng, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tính đến hết tháng 8, toàn huyện có 123ha cây điều; trong đó, xã Mô Rai có 83ha, Ya Tăng có 38,5ha, Sa Nhơn có 1,5ha.

Tại xã Mô Rai, từ năm 2014 đến nay, nhiều thương lái lùng sục hỏi mua hạt điều giá khá cao, từ 25.000 – 27.000 đồng/kg. Một số gia đình có những cây điều trưởng thành trồng từ ngày trước nhặt quả bán thấy lời nên đã tính đến chuyện mở rộng diện tích. Rồi người này rỉ tai người kia, đua nhau trồng điều. Người có vốn thì tự bỏ tiền mua cây giống về trồng; người nghèo thì đăng ký với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giống cây điều từ các chương trình hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo.

Cây điều giống được anh Then mua về và đang trồng. Ảnh: T.H

Anh Nguyễn Văn Then (làng Tang, xã Mô Rai) là một trong những hộ có diện tích cây điều trồng mới nhiều trong xã. Năm ngoài, anh trồng 250 cây, năm nay anh cũng đang tiến hành trồng tiếp 250 cây nữa; tương đương tổng diện tích là 2ha.

Anh Then cho biết: Ngày trước nhà tôi cũng đã trồng cả trăm cây điều trong vườn, nhưng do giống điều cũ năng suất thấp, giá cả thất thường, có thời gian không ai mua nên tôi phá gần hết chỉ để lại một số cây làm bóng mát và làm kỷ niệm. Ai ngờ, 3 năm nay giá điều có xu hướng tăng, mỗi cây điều già cỗi vậy mà tôi còn thu được 30 – 40kg, thấy lợi nhuận cao nên tôi quyết định trồng lại loại cây này.

Theo anh Then, lần này anh đầu tư, chăm sóc vườn điều một cách bài bản chứ không canh tác theo lối truyền thống, bởi trước đây người dân chọn giống điều theo cảm tính, thấy cây nào nhiều quả thì lấy hạt ươm rồi đem trồng đại trà, phó mặc cho trời. Trồng điều không ai bón phân, tưới nước, cây tự sinh trưởng, đến vụ thu hoạch có người mua thì hái được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không thì nhặt ít hạt về ăn chơi, còn lại bỏ không. Bây giờ, anh đầu tư toàn bộ giống mới, bón phân, tưới nước đầy đủ để cây điều sinh trưởng và phát triển tốt.

Không chỉ anh Then, nhiều người dân trên địa bàn xã Mô Rai hiện nay đã ý thức được phải chú trọng từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây điều cũng như các loại cây trồng khác phát triển.

Hiện tại, đa số người dân đều đang trồng điều xen lẫn cây mì bởi khoảng cách giữa các cây rất xa nên khi cây còn nhỏ, diện tích đất trồng rất lớn, người dân có thể trồng xen canh. Trong khoảng 2 năm đầu, nguồn thu của người dân vẫn được đảm bảo, nhưng từ năm thứ 3 trở đi cây điều lớn đến đâu thì sẽ bị hạn chế dần.

Vừa trồng vừa lo

Trước nhu cầu và giá thành hạt điều tăng mạnh, việc nhiều người dân đua nhau trồng điều cũng rất dễ hiểu. Hơn nữa điều lại là loại cây khá dễ tính, sức sống mãnh liệt nên ở những vùng khô cằn, đất xấu, ít nước tưới cây vẫn phát triển được, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào DTTS nên rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, trước việc nông dân ở Mô Rai và một vài địa phương tự phát phát triển cây điều không theo quy hoạch, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Tống Thị Nghĩa bày tỏ trăn trở: Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến hay doanh nghiệp, đơn vị nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm, nên sản phẩm đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái là điều rất đáng lo. Trong khi đó, điều là loại cây trồng dài ngày, phải 4 – 5 năm sau khi trồng mới bắt đầu cho thu hoạch, 7- 8 năm mới cho thu nhập ổn định và chu kỳ phát triển tới 25 – 30 năm nên khó có thể dự đoán được điều gì. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn” bởi người dân thấy lợi thì trồng, ngành Nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo chứ không thể ngăn cản được. Người nghèo có nhu cầu cấp cây, con giống họ thấy phù hợp với thực tế sản xuất ở địa phương, gia đình thì ngành phải hỗ trợ, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con về kỹ thuật để đảm bảo mang lại hiệu quả.

Về phía người nông dân, bản thân các gia đình hiện nay khi lựa chọn cây điều trồng, họ cũng vẫn vừa làm vừa lo, tất cả đều trong chờ vào may rủi.

Theo anh Then, thấy người ta làm mà mình không làm thì tiếc nên cũng muốn thử sức. Người dân muốn đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nên cũng cố gắng tìm các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và nhất là thị trường. Tuy nhiên, trồng nhưng cũng lo bởi không biết đến lúc được thu giá có còn ổn định như bây giờ hay không, tiểu thương có thu mua hay không, thôi thì cứ coi như đánh bạc với trời vậy.

Không chỉ người nông dân, bản thân chính quyền địa phương cũng lo lắng không kém, bởi theo như đại diện lãnh đạo xã Mô Rai, xã không khuyến khích nhưng cũng không thể ngăn cản người dân mở rộng diện tích cây điều. Vả lại, ở Mô Rai, khí hậu khắc nghiệt, ngoài diện tích lớn đã và đang để trồng cây cao su thì đối với những diện tích nhỏ lẻ, người dân cũng không biết trồng gì ngoài cây mì. Trước đây, người dân đã trồng thử cây bời lời nhưng chẳng có mấy cây lên nổi, nên khi người dân lựa chọn loại cây này thấy phù hợp, phát triển được thì để dân làm.

Đa dạng hoá cây trồng là điều cần làm, nhưng việc phát triển điều ở Sa Thầy nói riêng và cây trồng nói chung cần có định hướng rõ ràng, tránh phát triển “nóng” để rồi sản phẩm làm ra lại không tiêu thụ được, nông dân lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Và điệp khúc trồng rồi chặt, chặt rồi trồng lại diễn ra như cái vòng luẩn quẩn khiến người nông dân đã khổ càng thêm khổ.

Thiên Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang