• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Nông dân gặp khó khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 13/09/2017
Ngày cập nhật: 15/9/2017

Máy bốc xếp mía đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự hội nghị áp dụng cơ giới hóa tại huyện Sơn Hòa - Ảnh: Hoài Nam

Mía là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh, với diện tích hơn 23.430ha. Thời gian qua, nhiều nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía để giải phóng bớt sức lao động của người dân, nâng cao thu nhập; thế nhưng việc ứng dụng còn hạn chế. Nguyên nhân là do người dân thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết: Niên vụ mía 2016-2017, nông dân trong huyện trồng 13.130ha, tăng 0,6% so với niên vụ trước; năng suất bình quân mía cây đạt 70,42 tấn/ha, sản lượng 924.722 tấn. Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với ngành chức năng thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn tại xã Sơn Hà, diện tích 11,5ha, Sơn Phước 18ha, Ea Chà Rang 20ha, đưa cơ giới vào sản xuất (từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc làm cỏ, bón phân), đã giảm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho hộ thực hiện mô hình. Tuy nhiên, so với tổng diện tích mía của huyện thì số diện tích đưa cơ giới vào sản xuất còn quá thấp. Nguyên nhân là do nông dân không có vốn mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Út, nông dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho hay: Tôi trồng 2ha mía, đến mùa thu hoạch chạy đôn chạy đáo thuê công chặt, công bốc vác. Có thời điểm khan hiếm công lao động nên thu hoạch không kịp, mía chín quá héo đọt dẫn đến nhẹ ký. Trên thị trường có bán máy thu hoạch mía trên 5 tỉ đồng, gia đình không đủ khả năng mua vì phải có tài sản thế chấp cho ngân hàng.

Người dân khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp nên ngân hàng giải ngân vốn trong lĩnh vực này rất hạn chế. Theo số liệu của Ngân hàng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, tính đến tháng 12/2016, tổng vốn cho vay để mua máy làm đất… trên toàn huyện chỉ đạt trên 13,6 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ trên 1 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tổng tiền cho vay là 3,5 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ 445 triệu đồng, 31 khách hàng còn dư nợ với 12,6 tỉ đồng.

Cánh đồng mía thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) rộng hàng trăm hécta, việc nông dân áp dụng cơ giới hóa chỉ dừng lại ở khâu cày đất bằng máy cày MTZ (máy cày chảo), còn lại hoàn toàn bằng sức lao động. Ông Nguyễn Văn Quốc ở thôn Kỳ Lộ, phân trần: Đến mùa thu hoạch mía, riêng công bốc mía lên xe là 80.000 đồng/tấn. Mỗi xe trọng tải 17 tấn, chi trả tiền công trên 1,3 triệu đồng. Trung bình 1ha mía năng suất đạt 70 tấn/ha, phải trả tiền công bốc vác lên đến 5,6 triệu đồng. Nếu mua máy bốc mía trên 500 triệu đồng, số tiền này phải vay ngân hàng nhưng khó tiếp cận được vốn vì không có tài sản thế chấp.

Còn tại huyện Tây Hòa có diện tích lúa hơn 6.902ha, diện tích mía 390ha, việc nông dân áp dụng cơ giới hóa chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, còn cây mía thì hoàn toàn bằng sức lao động. Theo nhiều người dân thì nguyên nhân không tiếp cận được vốn vay mua sắm máy nâng bốc xếp cũng như máy trồng, làm cỏ, do không có tài sản thế chấp vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (nay là Quyết định 68/2013/QĐ-TTg). Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện để các đối tượng thụ hưởng chính sách còn rất hạn chế. Nguyên nhân do người dân không có tài sản thế chấp mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, dẫn đến mức độ áp dụng cơ giới hóa còn thấp. Chỉ tính riêng cây mía, việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất đạt 98,7%, tưới nước 15,5%, vận chuyển đạt 98,3%; riêng khâu thu hoạch, bón phân chỉ khoảng 1%. Thời gian đến, ngành chức năng cần bố trí gói tín dụng ổn định 100 tỉ đồng/năm để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy nông nghiệp phục vụ sản xuất theo Quyết định 68.

Tính đến tháng 12/2016, tổng số tiền cho vay vốn để mua sắm máy nông ngư cụ toàn tỉnh lũy kế đạt trên 57,58 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ 4,6 tỉ đồng. Như vậy, qua hơn 6 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ (Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010), kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, số đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa nhiều. (Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên)

Trâm Trân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang