• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Ðồng tái canh cà phê đứng đầu cả nước

Nguồn tin: Báo Lâm Ðồng, 12/09/2017
Ngày cập nhật: 13/9/2017

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, nhiều diện tích cà phê già cỗi đã được thay thế tạo ra năng suất cao từ 5-8 tấn/ha đưa Lâm Ðồng dẫn đầu cả nước về tái canh cà phê, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Tái canh cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: H.Yên

Ðảm bảo nguồn giống

Ngay từ năm 2007, huyện Bảo Lâm đã thử nghiệm các mô hình tái canh cà phê bằng việc xây dựng Dự án “Vườn nhân mầm giống cà phê đầu dòng phục vụ ghép cải tạo cà phê trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn 2007- 2010” với quy mô 1,8 ha tại 31 điểm trong các khu vực sản xuất cà phê tập trung trên địa bàn 12/14 xã, thị trấn. Để có đủ nguồn giống đảm bảo chất lượng phục vụ tái canh, năm 2012 Sở NN và PTNT tỉnh đã hỗ trợ huyện xây dựng vườn cây giống cà phê vối đầu dòng phục vụ tái canh, ghép cải tạo cà phê trên địa bàn huyện với quy mô 15,17 ha, tại 14 điểm tập trung trong các khu vực sản xuất cà phê trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện. Các vườn giống cây đầu dòng đã được Sở NN và PTNT thẩm định, công nhận nên cơ bản đã cung cấp đủ nguồn giống cho thực hiện chương trình tái canh của địa phương.

Hằng năm, huyện Bảo Lâm thực hiện cải tạo tái canh cà phê già cỗi năng suất thấp bằng các giống đầu dòng cho năng suất chất lượng cao như TR4, TR9, TR11, Thiện Trường, Trường Sơn… với diện tích khoảng 1.700 ha. Lũy kế đến nay trên địa bàn đã thực hiện tái canh, chuyển đổi cà phê với diện tích 17.749 ha/29.814 ha, chiếm 60% tổng diện tích cà phê toàn huyện.

Tương tự, trên địa bàn Di Linh, các diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh cần phải tái canh thì nhân dân đã trồng 100% giống cà phê cao sản, trong đó trên 40% là trồng cây cà phê ghép; còn các diện tích cà phê cho năng suất, sản lượng thấp nông dân đang ghép chồi cải tạo vườn cà phê trên diện rộng. Theo ông Dương Trọng Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp, đa số nông dân trên địa bàn đều có nguồn thu chính từ cây cà phê. Tuy nhiên, hiện có gần một nửa số diện tích cà phê được trồng cách đây trên 10 năm nên đã già cỗi, cần được tái canh vì năng suất và chất lượng đều giảm rõ rệt. Hầu hết người dân tham gia tái canh đều chọn hình thức trồng mới, thay thế những giống cà phê cũ bằng những giống mới đã được khẳng định về cả chất lượng và sản lượng, có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu như TS 5, Xanh lùn, TR11…

Còn tại huyện Lâm Hà, đến nay đã tái canh được 1.315 ha (trong đó 765 ha trồng mới thực sinh, ghép cải tạo được 550 ha). Tuy nhiên, bên cạnh đó khó khăn vướng mắc vẫn còn tồn tại đó là nguồn gốc giống cây, chồi của những hộ tái canh tự phát chưa rõ ràng, nên việc xác định hiệu quả của việc tái canh còn hạn chế. …

Theo ghi nhận, những năm qua, Lâm Đồng là tỉnh thực hiện tái canh cà phê mạnh nhất cả nước. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, chương trình tái canh cà phê luôn được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện của Bộ NN và PTNT và ngân hàng hỗ trợ vốn vay, đặc biệt là Ngân hàng Agribank.

Kết quả thực hiện Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê giai đoạn từ năm 2013 đến nay đã triển khai thực hiện tái canh, cải tạo diện tích cà phê già cỗi được 40.919,8 ha (trồng mới 1.087,5 ha, trồng tái canh 15.854,2 ha, ghép cải tạo 23.978,1 ha), vượt mức kế hoạch đã phê duyệt.

Ðưa năng suất, chất lượng tăng cao

Việc tái canh đã mang lại năng suất, chất lượng cà phê cao hơn như tại huyện Bảo Lâm, trước khi tái canh năng suất bình quân chỉ đạt 18 tạ nhân/ha (năm 2007) đến nay năng suất bình quân toàn huyện đã nâng lên 30 tạ nhân/ha (năm 2016). Diện tích cà phê sau tái canh khi kinh doanh đạt năng suất trung bình 4,5 tấn nhân/ha,… Tổng sản lượng đạt 82.150 tấn, tăng thêm 30.000 tấn/năm so với trước đây. Huyện Di Linh chuyển đổi giống cà phê được 20.115 ha, kết quả sau 2 đến 3 năm diện tích cà phê tái canh đã đạt năng suất từ 4-5 tấn/ha; diện tích ghép cải tạo vườn cà phê năng suất đã tăng nhanh qua các năm từ 5-6 tấn/ha… Kết quả nói trên đã và đang có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác tái canh cà phê cải tạo vườn cà phê. Nhờ thực hiện tốt công tác tái canh, thu nhập của người dân trồng cà phê không ngừng tăng lên và theo giá hiện tại doanh thu bình quân/ha cà phê sau tái canh là trên 200 triệu đồng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trong tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thông qua chương trình tái canh, cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh, đã trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 24,8 tạ/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ/ha năm 2016, cá biệt có một số mô hình chuyển đổi giống cà phê đạt hiệu quả cao, năng suất vượt trội đạt từ 7-8 tấn/ha. Từ hiệu quả đạt được của chương trình, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn học tập, làm theo dẫn đến phong trào tái canh, cải tạo cà phê phát triển mạnh mẽ trong nhân dân, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của dân cư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang