• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vui xuân chớ quên ra đồng

Nguồn tin: Báo An Giang, 23/01/2017
Ngày cập nhật: 24/1/2017

Trong tình hình sản xuất lúa liên tục như hiện nay, mầm bệnh không được xử lý dứt điểm mà chuyển từ vụ này sang vụ khác. Do đó, nông dân cần phải thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện dịch bệnh, xử lý kịp thời. Riêng dịp Tết, càng phải chú ý đến đồng ruộng nhiều hơn bởi thời tiết thay đổi, sương mù nhiều, dịch bệnh và sinh vật gây hại dễ tấn công.

Vừa ăn Tết, vừa lo mảnh ruộng

Đó là thói quen lâu nay của nông dân Lê Hữu An, xã Tân Tuyến (Tri Tôn, An Giang). “Hồi trước, mần lúa mùa, thả mặc cho cây lúa nổi theo con nước, thu hoạch lúa xong mới ăn Tết. Do vậy, mình có chơi xả láng hết tháng Giêng cũng không sao. Bây giờ, vụ lúa đông xuân kéo dài từ tháng Chạp qua đến tháng 3 năm sau. Đây là vụ lúa cho năng suất, chất lượng tốt nhất trong năm mà mùa Tết lại là thời điểm quan trọng cần chăm sóc lúa. Nếu mình mải mê chơi Tết mà bỏ ruộng đồng thì qua Tết coi chừng bị… đói” - ông An thật lòng.

Vẫn phụ gia đình sửa sang nhà cửa, trang trí Tết nhưng hầu như ngày nào ông An cũng ra thăm 30 công lúa đang giai đoạn đẻ nhánh. “Ra ruộng hoài giống như ghiền. Sáng nào tôi cũng phải thăm đồng sớm rồi mới về làm việc nhà. Ngay trong 3 ngày Tết cũng phải tranh thủ 1 - 2 ngày ra thăm đồng. Mà dù có ngồi nhà uống trà hay nhậu lai rai với mấy ông bạn thì nói chuyện một hồi cũng xoay vô kinh nghiệm trồng lúa, chọn lựa phân, thuốc, cách chăm sóc… Nhờ quan tâm thường xuyên như vậy nên vụ đông xuân nào cũng đạt năng suất cao. Tôi thấy một số ông chỉ lo ăn nhậu, không ra thăm đồng thường xuyên, đến hồi lúa bị nhiễm sâu bệnh nhiều xử lý không kịp, năng suất giảm rất nhiều, chất lượng cũng giảm theo” - ông An chia sẻ.

Vui Xuân không quên thăm đồng

Đối với ông Trần Tuấn Kiệt, xã Vĩnh Bình (Châu Thành), dù đã tranh thủ xuống giống vụ đông xuân nhưng do ảnh hưởng mưa bão liên tục vào cuối năm 2016 khiến lúa bị hao hụt nhiều, ông Kiệt phải thuê người cấy giặm. “Lúa mới cấy càng phải được chăm sóc đặc biệt để phát triển tốt. Tôi giao việc dọn dẹp, sắm sang nhà cửa cho vợ và mấy đứa con để lo cho ruộng lúa. Tết năm nay chắc chỉ tranh thủ đi thăm bà con, chòm xóm vào mùng 1, mùng 2 rồi ra đồng. Tôi thấy trên ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhẹ, cần phải theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời” - ông Kiệt bộc bạch.

Đề phòng bất thường

Diễn biến thời tiết năm 2016 cho thấy, thời tiết năm 2017 sẽ tiếp tục thử thách nông nghiệp An Giang, nhất là trong bối cảnh vụ đông xuân xuống giống muộn, nhiều diện tích đã xuống giống bị hư hại phải cấy giặm hoặc trục đất sạ lại. Theo ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đối với diện tích xuống giống trễ hoặc sạ lại sau tháng 12-2016, rất dễ đối mặt với nguy cơ nắng nóng, khô hạn khi bước vào giai đoạn trổ - chín, ảnh hưởng đến năng suất. Do vậy, cần chú ý theo dõi sự sinh trưởng của cây lúa để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Năm 2017, thời tiết diễn biến bất thường ngay từ đầu năm khi đã xuất hiện một số vùng áp thấp và áp thấp nhiệt đới vào biển Đông, gây mưa trên diện rộng ở nhiều nơi. Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh, khả năng trong tháng 2 tháng đầu năm 2017 (tức thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán), khả năng còn xuất hiện một vài cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời tiết mưa bão sẽ ảnh hưởng lớn đến những diện tích lúa đông xuân đã xuống giống từ cuối tháng 11, đầu tháng 12-2016 khi đang bước vào giai đoạn trổ - chín. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BTVT) An Giang, vụ đông xuân 2016 -2017, tỉnh đề ra kế hoạch xuống giống 238.393 héc-ta. Dù lịch thời vụ đã kết thúc ngày 31-12-2016 nhưng cho đến nay, vẫn còn khoảng 10% diện tích chưa xuống giống. Đối với diện tích xuống giống trễ, chi cục khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên hơn để phát hiện sâu bệnh sớm, áp dụng biện pháp phòng trị đạt hiệu quả.

Qua ghi nhận của Chi cục TT-BVTV An Giang, hiện nay, đã có hơn 1.000 héc-ta nhiễm sâu cuốn lá nhẹ (mật độ 10 - 30 con/m2), gần 1.850 héc-ta bị chuột cắn phá (thiệt hại từ 1-15%), 3.063 héc-ta bị nhiễm đạo ôn lá (thiệt hại từ 1 - 7%)… Thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, do thời tiết hanh khô, ít mưa, lạnh về đêm, rất thích hợp cho bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá phát triển. Bà con nông dân nên chú ý phòng trừ kịp thời. Riêng đối với bệnh đạo ôn, khi vết bệnh có màu trắng, khô thì phòng trừ đạt hiệu quả nhất. “Thời gian qua, bà con thường dùng một số loại thuốc BVTV để phòng trừ bệnh trên lúa quá cận ngày thu hoạch, gây tồn dư lượng thuốc trong hạt gạo, ảnh hưởng uy tín, chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu. Chi cục TT-BVTV An Giang khuyến cáo bà con cần hạn chế sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Flusilazole, Tebuconazole, Tricyclazol, Azoxystrobin, Isoprothiolane, Propiconazole, Fosetyl-aluminium, Diazzinon, Chlorpyripos. Khi sử dụng cần đảm bảo thời gian cách ly trên bao bì sản phẩm, riêng đối với hoạt chất Acetamiprid bà con không nên dùng sau khi lúa trổ” - một cán bộ Chi cục TT-BVTV An Giang nhắc nhở.

HOÀNG XUÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang