• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai: Nông dân lao đao vì mưa dầm

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 28/08/2017
Ngày cập nhật: 30/8/2017

Năm nay, những đợt mưa dầm xen bão xuất hiện kéo dài, thời tiết biến động thất thường hơn mọi năm gây bất lợi cho sản xuất. Nhiều loại rau màu bị thiệt hại nặng về năng suất, chất lượng.

Bà Trần Thị Huệ (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) nhổ bỏ những cây rau bị nấm bệnh.

Diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2017 giảm trên 22 ngàn hécta và có thay đổi về cơ cấu so với cùng kỳ năm ngoái. Nông dân cũng chủ động ứng phó, nhất là trong khâu phòng chống dịch bệnh cho cây trồng trong giai đoạn cao điểm mùa mưa.

* Mất mùa đồng loạt

Bị ảnh hưởng nặng nhất từ mưa dầm vẫn là các vùng trồng rau. Theo nông dân trồng rau tại cánh đồng rau Tân Yên, vùng rau Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), mùa mưa trồng rau phải bỏ nhiều công và chi phí hơn.

Cụ thể, nông dân phải đầu tư lên liếp cao, cứ mưa xuống là phải chạy máy bơm, bơm nước khỏi cánh đồng và vất vả hơn trong việc chống sâu, bệnh cho rau màu, nhất là thời điểm gần đây, mưa dầm kéo dài liên miên khiến một số nhà vườn mất trắng.

Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên cho biết, thời gian gần đây, những đợt mưa dầm xuất hiện nối tiếp nhau, khiến nhiều vụ rau thất trắng. Vườn đạt năng suất cũng rất thấp vì rau bị giập, úng.

"Cụ thể, vào mùa nắng mỗi lần thu hoạch, vườn nhà tôi đạt khoảng 1,5 tấn thì giờ chỉ thu được 3-4 tạ. Chủng loại rau cũng ít hơn vì nhiều loại như: rau xà lách, rau ăn lá rất khó trồng” - ông Trung so sánh.

Vừa nhổ bỏ những gốc rau cải bị héo rũ vì nấm bệnh, bà Trần Thị Huệ (ngụ tại ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) vừa than thở: “Mưa dầm và thất thường, khiến nhiều loại rau, cây hàng năm mất mùa nặng".

Bà Huệ cho biết, sau mỗi đợt mưa dầm, nhiều vườn rau ở vùng này héo vàng vì úng nước; chỗ đất ráo hơn rau cũng chết hàng loạt vì nấm bệnh. Gia đình bà vừa lỗ gần 20 triệu đồng, vì 0,6 hécta trồng đậu phộng không thu về được hạt nào do thối củ, thối gốc. Vụ lúa sắp gặt năng suất cũng thấp hơn nhiều so mùa vụ năm ngoái...

* Lo ứng phó

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, vụ mùa năm 2017 diện tích gieo trồng giảm mạnh ở các nhóm cây lương thực, như: cây bắp, cây có bột, củ... do mưa nhiều.

Nhiều vườn rau thất trắng do nấm bệnh mùa mưa. Trong ảnh: Một nông dân tại cánh đồng rau Tân Yên phải nhổ bỏ cả vườn rau thơm bị nấm bệnh.

Ông Trần Hữu Nhân, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bắp năng suất cao xã Gia Canh (huyện Định Quán) cũng cho biết, mưa nhiều nên vào vụ mùa, hơn 20 hécta đất của tổ hợp tác không trồng bắp như mọi năm mà vẫn trồng lúa và một số cây trồng chịu nước khác. Giai đoạn gieo sạ trong vụ mùa gặp mấy đợt bão, mưa dầm liên tục, khiến lúa chết úng, phải nhiều lần gieo sạ lại.

"Dù nông dân chúng tôi đã chủ động điều chỉnh mùa vụ, chọn lựa giống thích hợp để ứng phó thời tiết thất thường, nhưng mùa màng vẫn thất bát so với mọi năm” - ông Nhân nói.

Mưa dầm, độ ẩm lớn cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh trên cây trồng lâu năm, như: tiêu, bưởi... Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Mưa dầm, độ ẩm cao là nguyên nhân của hàng loạt dịch bệnh trên cây tiêu, như: tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm, bệnh thán thư, rệp sáp... Giai đoạn này, chúng tôi phải theo dõi sát sao vườn cây để chủ động xử lý, kịp thời ngăn chặn khi dịch bệnh xuất hiện”.

Theo chỉ đạo kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2017 của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, dự báo lượng mưa có khả năng sẽ lớn vào các tháng 9 và 10. Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để chủ động triển khai sản xuất vụ mùa, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng; tăng cường kiểm tra các hồ, đập, có kế hoạch xả lũ khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang