• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng ấu mùa nước nổi

Nguồn tin: Báo An Giang, 28/08/2017
Ngày cập nhật: 29/8/2017

Mùa nước nổi, nông dân ở những vùng có đê bao an toàn thoải mái canh tác lúa vụ 3, trồng rau, chăm bón vườn cây ăn trái... Những vùng ngoài đê bao như cồn An Thạnh (ấp An Thạnh, xã Hòa Bình, Chợ Mới, An Giang), nước ngập tràn đồng. Để cải thiện kinh tế vào những tháng mùa nước, người dân nơi đây đã chọn cây ấu để phát triển..

Ấu được biết đến là loại thủy sinh, thích hợp và phát triển tốt ở những vùng nước ngập nên được bà con lựa chọn và phát triển trong mùa nước. Ấu có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất vẫn là trong mùa nước nổi vì nước lũ mang theo phù sa - chất dinh dưỡng để ấu phát triển.

Trồng ấu mang lại thu nhập cho nông dân xứ cồn An Thạnh (Chợ Mới) trong mùa nước

Người dân cồn An Thạnh canh tác vụ lúa đông xuân, sang hè thu chuyển đổi sang trồng bắp hoặc mè, tới mùa nước thì trồng ấu. Do vậy, dù nước nổi ngập ruộng, người dân vẫn có thu nhập từ mảnh đất của mình. Trên 25 năm gắn với nghề trồng ấu, nông dân Trần Văn Thoại (hai Thoại) tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vụ ấu nào cũng có lợi nhuận cao. Chẳng những chia sẻ kinh nghiệm trồng ấu của bản thân, chú hai Thoại còn đứng ra làm đầu mối thu mua, cung cấp ấu giống, huy động nhân công đi thu hoạch ấu cho bà con. Theo chú hai Thoại, trồng ấu đòi hỏi kỹ thuật, công sức chăm sóc mới mong có được năng suất cao. Trước khi cấy ấu, phải tiến hành làm đất cho sạch cỏ, ốc bươu vàng... mỗi công cấy từ 800-1.000 cây ấu giống. Tùy theo, sự phát triển của ấu mà cho nước vào vừa đủ, đến khi ấu được 1-2 tháng, rễ ấu dài thì nước ngập cao cũng không ảnh hưởng. “Khoảng 85-90 ngày thì ấu cho thu hoạch, ở cổ nhất thu hoạch được 3 đợt trái, mỗi đợt cách nhau chừng nửa tháng. Sau đó, thì tới cổ nhì là hái hoài cho tới lúc nước rút, tầm tháng 10 (âm lịch)”- chú hai Thoại giải thích. Đó cũng là thời điểm bà con làm đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ đông xuân.

“Nhờ cây ấu mà mấy năm nay, người dân ở đây kinh tế đỡ lắm, làm đường, xây cầu khang trang hơn trước, ai cũng mừng”- chú hai Thoại cho biết thêm. Trước kia, nông dân trồng ấu ta, hiện nay đã chuyển qua ấu Đài Loan, vì chất lượng và năng suất cao, được thị trường ưa chuộng. Ấu Đài Loan có thể trồng nhiều vụ trong năm, nếu biết kỹ thuật trồng vào mùa nghịch sẽ được giá cao, từ đó lợi nhuận thu được cũng nhiều hơn. Ở An Thạnh, hiện có một số nông dân chuyển hẳn sang trồng ấu quanh năm, cung cấp xuyên suốt cho thị trường. Bình quân 1 công ấu, tùy theo ruộng ấu, người chăm sóc có thể đạt khoảng 3 tấn/công, còn trung bình là 1,5-2 tấn/công. “Khi trồng phải chú ý theo dõi, tránh ốc bươu vàng tấn công ăn bông, trái... coi như đạt năng suất bước đầu. Vụ đông xuân, lượng nước ít, phù sa không nhiều nên ấu cho trái không dai. Riêng, mùa nước nổi, nước có phù sa nhiều, ấu cho trái nhiều, năng suất cao hơn”- chú hai Thoại thông tin.

Hơn 10 năm nay, gần tới mùa nước nổi, cô Nguyễn Ngọc Lệ chuẩn bị mua cây ấu giống về trồng. Sau khi thu hoạch bắp xong, làm đất, cấy ấu vừa kịp mùa nước. “Mua ấu giống để sẵn trong mương, ngợi được tiền giống. Bình thường cần 1.000 cây giống, cấy trước thì chỉ tốn chừng 500-600 đã cấy đủ một công vì lúc đó ấu đã có tay rồi”- cô Lệ chia sẻ. Hiện nay một số ruộng ấu đã cho thu hoạch, giá tại ruộng là 4.000 đồng/kg. Chú hai Thoại là người đứng ra thu mua ấu cho bà con, cung cấp về TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp và xuất sang Campuchia... số lượng ít thì cân cho người dân ở địa phương nấu bán. Vào mùa rộ, mỗi ngày vựa của chú hai Thoại thu mua khoảng 9 tấn ấu.

Chú hai Thoại còn thành lập đội nhân công khoảng 70 người đi hái ấu, tiền công 13.000 đồng/giờ, thu nhập ít nhất cũng 100.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương vào mùa nước.

Ánh Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang