• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhìn lại lộ trình phát triển cây mắc-ca tại Thanh Hóa: Hơn thập kỷ lắt lay trên vùng đất mới!

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 26/08/2017
Ngày cập nhật: 28/8/2017

Mô hình trồng cây mắc-ca của gia đình ông Phạm Hữu Tú, xã Thành Mỹ (Thạch Thành).

Mắc-ca là cây trồng du nhập, từng trở thành kỳ vọng lớn của ngành lâm nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm vào Thanh Hóa, cây công nghiệp mới này chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều yếu tố, rất cần sự đánh giá, nhìn nhận khoa học để người dân tiếp tục lựa chọn hoặc loại bỏ.

Từng là kỳ vọng lớn

Mắc-ca là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, có hạt vỏ cứng, nhân quả có thể dùng trực tiếp làm thực phẩm hoặc chế biến các loại bánh kẹo, mỹ phẩm. Trên thế giới, loại cây này được trồng nhiều ở các nước Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Nam Phi, Kê–ni–a... Những năm 2005 – 2006, nhiều mô hình trồng mắc-ca được triển khai ở nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó vùng đồi Thạch Thành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích trồng và là một trong những mô hình trồng mắc-ca sớm nhất ở miền Bắc. Khi ấy, trên các diễn đàn nông nghiệp rầm rộ ca tụng những lợi ích kép mà cây trồng “nhập tịch” này mang lại, như: Hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần các cây trồng truyền thống, có thể thay thế cây rừng do độ che phủ lớn, thị trường thế giới vô cùng rộng mở, hàm lượng dinh dưỡng cao...

Từ đó, nhiều mô hình trồng cây công nghiệp ngoại lai này được triển khai trên địa bàn tỉnh. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã có 101,2 ha mắc-ca được trồng tại 13 xã thuộc 10 huyện: Thạch Thành, Triệu Sơn, Hà Trung, Như Thanh, Thường Xuân, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc, Quan Sơn.

Trên lý thuyết, sau 4 năm trồng, mắc-ca sẽ cho quả bói và sau 7 – 8 năm sẽ cho thu hoạch ổn định. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn mắc-ca đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đầu tư nhưng đến nay, hiệu quả vẫn nằm ở ước vọng...

Duy nhất một mô hình hiệu quả

Qua khảo sát mới nhất từ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, ngoài mô hình 5 ha tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) bị chết thì nhiều mô hình mắc-ca khác tại các xã: Bình Sơn (Triệu Sơn), Hà Lĩnh (Hà Trung), Cẩm Tú (Cẩm Thủy), Yên Giang và Yên Lâm (Yên Định), Tam Lư và Trung Thượng (Quan Sơn)... đều sống lắt lay, sinh trưởng kém. Tại 4 mô hình ở: Thị trấn Thường Xuân; các xã Thọ Lâm (Thọ Xuân), Thanh Tân (Như Thanh) và Thành Vân (Thạch Thành), cây mắc-ca phát triển trung bình.

Hiện nay, mô hình trồng mắc-ca duy nhất cho hiệu quả kinh tế là của gia đình ông Phạm Hữu Tú, ở xã Thành Mỹ (Thạch Thành). Với diện tích 2 ha mắc-ca trồng từ 2006, đến năm 2014 gia đình ông Tú đã có thu hoạch. Tuy nhiên, chỉ 1 ha trồng ở khu khe suối, đất tơi xốp, độ dốc ít và có tầng đất dày thì cây mới sinh trưởng tốt, cho sản lượng quả khô trung bình 0,8 tấn/ha/năm. 1 ha còn lại (cũng trồng cùng thời điểm) được trồng ở chân đồi, đất tương đối tốt nhưng độ dốc cao từ 15 đến 25 độ thì cây chỉ sinh trưởng trung bình, thậm chí nhiều cây sinh trưởng kém, sản lượng quả khô chỉ đạt 0,2 tấn/ha/năm. Thu nhập trung bình hàng năm cũng chỉ đạt khoảng 150 triệu đồng/2 ha.

Ông Tú còn cho biết, đầu tư chi phí giống, vật tư, nhân công... từ năm trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 150 triệu đồng cho mỗi ha.

Nên thận trọng

Trong quá trình phát triển, một số diện tích mắc-ca đã bị chết nên đến nay, toàn tỉnh hiện chỉ còn 96,2 ha. Diện tích mắc-ca bị chết (5 ha) là của Công ty CP Khoa học và Công nghệ Việt Nam trồng tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc). Sau khi đã bị “khai tử” trên đất Vĩnh Long, các chuyên gia nông nghiệp kết luận nguyên nhân là do cây được trồng trên vùng đất bí chặt, không thoát được nước. Đa phần các mô hình khác còn lại cũng không hiệu quả. Qua kiểm tra thực địa của các cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, cho thấy, cây mắc-ca chỉ sinh trưởng tốt ở những nơi đất màu mỡ, tương đối bằng phẳng, độ dốc dưới 15 độ, độ dày tầng đất trên 100 cm, khả năng thoát nước tốt, giàu hữu cơ, độ PH từ 4 đến 6,5 độ... Ở các vị trí có độ dốc từ 15 đến 25 độ, độ dày tầng đất dưới 100 cm thì cây chỉ sinh trưởng trung bình. Tại nhiều vùng đất có độ dốc cao, bạc màu như Quan Sơn; đất bí chặt như tại Hà Trung, hoặc đất ngập úng, chua phèn như Triệu Sơn, Yên Định, cây mắc-ca sẽ còi cọc, phát triển kém.

Từ những kết quả phân tích, đánh giá nêu trên, có thể nhận định, mắc-ca là loài cây kén lập địa, cần phải có quá trình khảo nghiệm, theo dõi, đánh giá trên nhiều điều kiện lập địa mới có cơ sở để đưa ra những định hướng gây trồng, phát triển cho các vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Những thông tin trên cũng chính là “cẩm nang” cơ bản cho người nông dân nếu muốn phát triển cây trồng mới này.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, nhận định, căn cứ tình hình thực tế, ngành lâm nghiệp hiện không khuyến cáo người dân tự ý phát triển cây mắc-ca. Diện tích trồng cây công nghiệp mới này chủ yếu vẫn trong giai đoạn khảo nghiệm. Từ nay đến năm 2020, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển, sự phù hợp với điều kiện lập địa, khả năng gây trồng và thị trường tiêu thụ của cây mắc-ca trên địa bàn các huyện. Sau đó, mới có cơ sở lập quy hoạch, xây dựng định hướng phát triển loài cây này trên địa bàn tỉnh.

Lê Đồng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang