• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lối thoát từ cánh đồng mía lớn

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 25/08/2017
Ngày cập nhật: 27/8/2017

Trong bối cảnh hiện tại, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang hoạt động tại Bình Thuận lại là “ông lớn” trong kinh doanh mía đường cả nước nên nông dân trồng mía ở Bình Thuận có hy vọng…

Nông dân trồng mía ở Bình Thuận có hy vọng đầu ra cho cây mía sẽ ít bấp bênh.

Trước “gió” nhập khẩu

Tuần qua, hội thảo tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam đã diễn ra tại TP. Phan Thiết với sự phối hợp của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và TTC, tập đoàn hiện đang nắm giữ các khách sạn lớn tại TP. Phan Thiết. Những thông tin từ hội thảo cho thấy mía đường sản xuất trong nước đang đối mặt với nhiều bất lợi. Trước hết, thuế suất 5% dành cho đường nhập khẩu, được ví như rào cản để bảo vệ ngành đường trong nước đã đi gần đến đích vạch ra. Sau nữa, mía đường Việt Nam so với các nước trong khu vực kém về cả diện tích lẫn sản lượng nhưng lại có chi phí sản xuất tăng, đẩy giá đường cao cùng những trở ngại khác như chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, chưa dùng mía để sản xuất xăng sinh học… Trong khi đó, các nước trong khu vực ASEAN có thuế xuất nhập khẩu đường hiện tại là 5% và nhiều khả năng sau năm 2018 sẽ về mức 0%. Việt Nam cũng đảm bảo thực hiện lộ trình ấy, tức đã dời thời gian thực hiện trong năm 2018 sang sau năm 2018. Vì vậy, nếu giá đường nội địa không giảm sẽ rất khó cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường từ Thái Lan, nước dẫn đầu thế giới về sản xuất đường và có giá bán hấp dẫn. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, rõ nhất là thành lập quỹ phát triển mía đường, nhiều nhà máy đường đã chủ động liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng mía lớn, từ đó đầu tư máy móc, cơ giới hóa sản xuất để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh với đường nhập khẩu.

TTC là một ví dụ điển hình. Tập đoàn này ngoài kinh doanh du lịch, bất động sản… còn đang sở hữu một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn bao gồm: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, SEC Gia Lai, CTCP Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà... Tại hội thảo, tập đoàn này nhấn mạnh đã sớm đi theo hướng trên, nhờ vậy đã đưa giá thành sản phẩm giảm cũng như tăng tính cạnh tranh đối với đường nhập khẩu.

Cơ giới hóa, giảm chi phí

Không chỉ TTC, Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam tại Hàm Thuận Bắc cũng đang đi theo hướng cánh đồng mía lớn. Rõ nhất là khoảng 2 - 3 năm qua, từ khi mua lại nhà máy đường của nhà đầu tư Thái Lan, đơn vị này đã củng cố vùng nguyên liệu mía tại tỉnh, nổi bật là tại Hàm Tân. Diện tích mía ở huyện này lên gần 1.600 ha, trong đó 555 ha mới trồng trong năm 2017. Riêng cụm 3 xã Tân Đức, Tân Phúc, Tân Minh liền kề đã có tổng diện tích mía hơn 1.000 ha. Vụ mía 2016 - 2017, nhà máy mua với giá 700 - 750 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 50 - 100 đồng/kg, người trồng mía có lời, nhờ thế năm nay, diện tích mía tăng. Còn vụ 2017 - 2018 này, đến đầu tháng 11 mới thu hoạch nên cũng phải đến giữa tháng 10, người trồng mới biết được giá mía. Nếu giá thấp hơn nhưng dừng ở 600 đồng/kg thì người trồng cũng có lời. Điều đặc biệt, ở vùng nguyên liệu mía này có nông dân Phạm Văn Động ở Tân Đức hiện đang trồng đến 300 ha mía, trong đó hơn 150 ha mía gốc, hơn 120 ha mía khác vừa mới xuống giống vào tháng 5 rồi. Sự quyết liệt đầu tư của ông khiến nhiều nông dân khác mạnh dạn hơn khi liên kết mở rộng diện tích mía, đầu tư máy móc đưa vào sản xuất.

Ông Phạm Văn Động cho biết, nhờ trồng diện tích lớn nên đưa cơ giới hóa vào sản xuất dễ dàng. Từ cày xới, xuống giống, bón phân, tưới nước, thu hoạch, vận chuyển… ông đều sử dụng máy móc làm hết. Nhờ vậy, chi phí giảm rất nhiều. Nếu 1 ha mía, nông dân làm thủ công, phải thuê mướn nhân công nhiều có tổng chi phí 4 triệu đồng thì 1 ha mía nhà ông chỉ mất 1,5 triệu đồng. Vì vậy, giá mía có thấp, ông cũng ít lo hơn các hộ khác. Nhưng điều ông Động đang lo nhất là đường nhập khẩu vào nhiều, đầu ra sẽ khó, nhất là sau năm 2018, trong khi đó nhà máy đường tại tỉnh vốn chưa đủ mạnh trên thị trường sẽ khó khăn, dù những vụ mùa qua sự phối hợp với nông dân cũng như sản xuất kinh doanh đường của nhà máy rất tốt.

Nỗi lo của ông Động rất chính đáng, bởi với cây mía ở tỉnh có cả câu chuyện dài về những thăng trầm của phát triển vùng nguyên liệu. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, TTC đang hoạt động du lịch tại Bình Thuận lại là “ông lớn” trong kinh doanh mía đường cả nước nên nông dân trồng mía ở Bình Thuận có hy vọng về đầu ra cho cây mía sẽ ít bấp bênh hơn.

Bích Nghị

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang