• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nông dân với câu chuyện làm cà phê bền vững

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 22/08/2017
Ngày cập nhật: 23/8/2017

Cà phê, một trong những cây trồng chủ lực của Lâm Ðồng đã và đang trong giai đoạn chuyển mình, hướng tới một nền sản xuất cà phê bền vững.

Thăm một vườn cà phê trong chi hội. Ảnh: D.Quỳnh

Không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, những người nông dân đã bắt đầu ý thức được vai trò của mình trong việc hình thành phong trào sản xuất cà phê bền vững từ chính nhu cầu tự thân và ngày càng lan rộng.

Thăm gia đình anh Lê Thân, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, ngắm nhìn vườn cà phê xen canh với các loại cây khác như tùng la hán, tiêu, với hệ thống tưới tiết kiệm mới thấy nông dân trồng cà phê đã tiến một bước mới. Anh Lê Thân chính là một thành viên của Chi hội Người sản xuất cà phê bền vững (CHNSXCPBV) huyện Di Linh, một tập thể của 130 thành viên nông dân đang phấn đấu vì những vụ mùa cà phê sạch. Không chỉ có mặt trên địa bàn xã Tân Nghĩa, hiện thành viên của Chi hội đã có mặt khắp vùng trọng điểm cà phê Di Linh và đang âm thầm phát triển nhưng bền bỉ.

Ông Trịnh Tấn Vinh ngụ xã Đinh Lạc, Chi hội trưởng CHNSXCPBV chia sẻ, Chi hội thành lập vào giữa năm 2015 với 36 thành viên nòng cốt. Những thành viên ban đầu đều là nông dân làm cà phê và đã được “kinh qua” các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững như 4C, UTZ hay Rainforest. Là hội nghề nghiệp, các thành viên đều mang tinh thần tự nguyện, ăn cơm nhà đi vận động trồng cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn bền vững. Vậy là các hội viên tuyên truyền ngay trong cộng đồng cà phê xung quanh mình, từ chính mô hình của gia đình. Ông Vinh chia sẻ: “Chúng tôi có cái khó là cà phê vùng này chưa có doanh nghiệp bao tiêu theo giá cao hơn thị trường, cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn nào thì cũng bán giá như nhau nên khó thu hút nông dân. Tuy nhiên, từ chính hội viên làm gương, chúng tôi thu hút người trồng cà phê bằng hiệu quả thực tế và không ảnh hưởng tới môi trường”. Vườn cà phê của ông Vinh sản xuất theo mô hình hữu cơ, trồng xen các tầng vườn cao, thấp và phủ kín lạc dại trong vườn. Ông Vinh cho biết, trồng cà phê theo tầng đồng thời trồng lạc dại giúp độ phì nhiêu của đất tăng, đất luôn ẩm, bớt lượng phân bón phải dùng và đặc biệt, môi sinh được cân bằng giúp các bệnh gây hại cho cà phê như tuyến trùng, rệp sáp được khống chế ở mức thấp. Đầu tư thấp, vườn cà phê của ông vẫn đạt mức 3 tấn/ha/vụ, là mô hình điểm trong Chi hội.

Chưa sản xuất cà phê hữu cơ như ông Trịnh Tấn Vinh nhưng thành viên của Chi hội đều ứng dụng sản xuất bền vững trong canh tác cà phê. Anh Thới Văn Bản, Chi hội trưởng CHNSXCPBV xã Gung Ré chia sẻ, bản thân anh và các thành viên đều hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc BVTV. Anh nói: “Tôi cứ phân tích cho anh em thấy, mình dùng thuốc thì bản thân và người nhà ảnh hưởng đầu tiên, lại tốn tiền. Trong khi áp dụng đúng kỹ thuật thì bớt phải xài thuốc, người khỏe cây khỏe. Vận động anh em cũng hiểu ra và tham gia cùng chúng tôi để sản xuất cà phê sạch hơn”. Bớt thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ nhưng năng suất vẫn đảm bảo, nông dân Di Linh ngày càng tham gia vào CHNSXCPBV đông hơn. Từ gần 40 thành viên ban đầu, nay số thành viên đã lên con số 130 và sinh hoạt tại 5 chi hội Hòa Bắc, Gung Ré, Tân Châu, Đinh Lạc và thị trấn Di Linh. Họ chia sẻ với nhau kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm chăm cà phê và cả liên kết để tìm đầu ra cho cây trồng đang nuôi sống họ.

Để “gỡ khó” cho chi hội, Hội NSXCPBV tỉnh đang tìm doanh nghiệp liên kết, chứng nhận và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội NSXCPBV tỉnh Lâm Đồng cho hay, bà đã tìm được doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với nông dân, cung cấp kỹ thuật, mời công ty thứ ba về chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 300 đồng/kg nhân. Bà Vi cho biết: “CHNSXCPBV Di Linh là chi hội hoạt động hiệu quả, thành viên tích cực và phát triển khá nhanh. Vấn đề là chúng ta cần hỗ trợ để thành viên tăng thu nhập từ sản xuất bền vững từ đồng ruộng”. Và những ngày giữa niên vụ cà phê 2017, CHNSXCPBV Di Linh đang gấp rút thành lập HTX cà phê mật ong với thành viên của chi hội là sáng lập viên của HTX. Mục tiêu của họ chính là làm sao thu hút đông đảo thành viên tham gia sản xuất cà phê sạch, nâng cao thu nhập cho họ, giúp vùng cà phê Di Linh tạo dựng thương hiệu và giữ gìn môi trường sạch cho người nông dân.

Diệp Quỳnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang