• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Doanh nghiệp bội tín khiến nhiều hộ nông dân lao đao

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 20/08/2017
Ngày cập nhật: 22/8/2017

Diện tích cà gai leo của gia đình anh Vũ Đức Thuận, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bỏ hoang do doanh nghiệp không thu mua.

Chủ động tìm đến hoặc lợi dụng uy tín của các tổ chức đoàn thể để bán giống cây dược liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân. Nhưng sau khi thu được tiền bán giống, doanh nghiệp đã “lặn mất tăm” khiến nhiều hộ nông dân lao đao.

Tháng 12-2015, một số người giới thiệu là đại diện của Công ty CP Tập đoàn bảo tồn và phát triển cây dược liệu ASEAN, có trụ sở tại thôn Quang Thắng, xã Quang Trung (Ngọc Lặc), do ông Đinh Văn Điều làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đã tìm đến gia đình ông Lê Ngọc Vi, thôn Trang Cát, xã Hà Phong, huyện Hà Trung đặt vấn đề liên kết sản xuất cây dược liệu. Nghe những lời “đường mật” về hiệu quả kinh tế khi liên kết sản xuất và tin tưởng nên gia đình ông Lê Ngọc Vi đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gừng trâu với công ty. 2 tháng sau thời gian ký hợp đồng và chuyển 50% số tiền mua giống như điều khoản trong hợp đồng, với số tiền 7 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền phí tham gia thành viên công ty, gia đình ông Vi được công ty chuyển về cho 300 kg gừng trâu giống. Nhận được giống, gia đình ông đã đầu tư trồng, chăm sóc, những tưởng sẽ có cơ hội tăng thu nhập nhờ liên kết sản xuất với công ty, nào ngờ, sau khi thu hoạch, gia đình ông đã liên lạc nhiều lần qua số điện thoại ghi trong hợp đồng để công ty đến thu mua sản phẩm như cam kết, thế nhưng không thấy công ty đến thu mua cũng như giải quyết các điều khoản như đã cam kết. Hiện tại, hơn 4 tấn gừng thương phẩm của gia đình ông đều đã bị hỏng.

Tại huyện Hoằng Hóa, nhiều hộ dân cũng vướng vào cái “bẫy bán giống” dược liệu mà công ty này bày sẵn. Gia đình anh Vũ Đức Thuận, xã Hoằng Xuân cũng ký kết hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu với công ty này. Theo đó, tháng 3-2016, anh Thuận đã đăng ký trồng gừng trâu và cà gai leo, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 139,4 triệu đồng. Giá giống mà công ty cung ứng cho gia đình anh Thuận là 45.000 đồng/1kg đối với gừng và 2.000 đồng/1 cây đối với cà gai leo. Anh Thuận cho biết: Gia đình anh đã chuyển cho công ty gần 100 triệu tiền giống, ngoài ra anh còn thuê nhân công, thầu đất, mua vật tư để tiến hành trồng gừng và cà gai leo, với tổng số tiền đầu tư lên lới hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, công ty chỉ cử người về thu mua cà gai leo nhưng không trả tiền, với lý do để khấu trừ tiền giống còn lại, rồi “bặt vô âm tín” từ đó tới nay. Gia đình anh đã nhiều lần liên hệ và tìm đến tận trụ sở công ty để yêu cầu thực hiện các điều khoản mà 2 bên đã cam kết trong hợp đồng, nhưng đều không liên hệ hay gặp được người đại diện. Hiện tại, nhiều tấn gừng mà gia đình anh thu hoạch được đã bị bỏ thối, cà gai leo bỏ hoang ngoài ruộng không người thu mua.

“Chiêu bài tương tự” tại xã Hoằng Trung, tháng 7-2016, qua “kênh” hội nông dân xã, Công ty CP Tập đoàn bảo tồn và phát triển cây dược liệu ASEAN đã tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình hợp tác trồng cây dược liệu. Qua đó, lợi dụng lòng tin của các hộ dân đối với tổ chức hội, công ty đã lôi kéo, ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm dược liệu với nhiều hộ dân của 2 xã Hoằng Trung và Hoằng Kim. Theo đó, công ty cung ứng giống để các hộ dân đầu tư trồng các loại cây dược liệu, như: Đinh lăng, hoa hòe, cà gai leo, đến kỳ thu hoạch công ty sẽ chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm. Để thực hiện được việc liên kết sản xuất này, các hộ dân đã chuyển trước 50% tiền giống cho công ty, với số tiền bình quân hơn 10 triệu đồng/hộ. Sau khi ứng trước tiền giống cho công ty, những tưởng các hộ dân sẽ nhanh chóng có giống để sản xuất, thế nhưng, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ thời điểm các hộ dân ký hợp đồng và nộp tiền, giống vẫn chưa được chuyển về. Lần theo số điện thoại ghi trong hợp đồng và của một số người tự xưng là lãnh đạo công ty, các hộ dân đã liên lạc nhiều lần nhưng đều không được hoặc không có người nhấc máy.

Mở rộng địa bàn tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình ông Bùi Phú Thịnh, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống cũng bị lừa ký hợp đồng kinh tế, có tổng giá trị hợp đồng lên tới 110 triệu đồng với công ty và người đại diện là ông Đinh Văn Điều, địa chỉ cũng ở thôn Quang Thắng, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) và với những điều khoản tương tự như trong hợp đồng của các hộ dân 2 huyện Hà Trung và Hoằng Hóa, nhưng lại dưới một cái tên công ty khác là Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cát Sâm. Dù đã đặt cọc trước số tiền lên tới 80 triệu đồng cho công ty, tuy nhiên đến thời điểm này, đã hơn 2 năm trôi qua từ khi ký kết hợp đồng, công ty vẫn chưa thực hiện các điều khoản đã cam kết, khiến gia đình ông lao đao vì vướng vào cảnh nợ nần.

Nghiên cứu các hợp đồng mà Công ty CP Tập đoàn bảo tồn và phát triển cây dược liệu ASEAN đã ký với các hộ dân, chúng tôi nhận thấy, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân, công ty đã đề ra những điều khoản bất lợi cho người dân. Cụ thể như: Hộ dân phải thanh toán 50% tiền giống lần thứ nhất cho công ty ngay sau khi ký hợp đồng, thanh toán nốt 50% còn lại của tổng giá trị hợp đồng bằng việc khấu trừ vào sản phẩm ngay sau khi công ty thu mua sản phẩm đầu tiên. Về cam kết thu mua sản phẩm, hợp đồng ghi rõ, công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu mà công ty đã cung cấp giống theo diện tích đã đăng ký, nhưng lại không có thời gian thu mua cụ thể.

Để có thêm thông tin về những hợp đồng đã ký, chúng tôi đã nhiều lần gọi theo các số điện thoại được cung cấp trong hợp đồng, nhưng số thì không liên lạc được, số thì không có người nhấc máy.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lợi dụng điều này, một số công ty đã chủ động ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với các hộ dân, với mục đích lừa bán giống và các vật tư khác với giá cao. Bởi vậy, cùng với việc tuyên truyền, cảnh báo cho các hộ dân về tình trạng lừa đảo của các công ty để người dân đề cao cảnh giác, chính quyền địa phương nên tăng cường công tác quản lý và đồng hành cùng người dân trong việc tiến hành liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, tránh tình trạng lừa đảo của các công ty “ma”.

PV Kinh tế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang