• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm năng xuất khẩu rơm vào Nhật Bản

Nguồn tin: Báo An Giang, 16/08/2017
Ngày cập nhật: 17/8/2017

Với truyền thống nuôi bò công nghệ cao, Nhật Bản cần lượng rơm rất lớn cho bò ăn. Đối với An Giang, rơm vẫn bị coi là phế phẩm với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn/năm. Nếu đưa rơm sang Nhật Bản thành công, rơm sẽ tạo giá trị gia tăng đáng kể cho đồng ruộng.

Giảm nguồn cung từ Trung Quốc

Ở đất nước “mặt trời mọc”, Hiệp hội thịt Nhật Bản là đơn vị đầu mối quan trọng trong việc cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại, điều tiết sản xuất, tìm thị trường phân phối sản phẩm cho các hội viên… Đối với nguồn thức ăn cho bò, Hiệp hội thịt Nhật Bản có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn cung từ các nước sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi. “Ở Nhật Bản, giá rơm rất đắt đỏ. Lâu nay, chúng tôi chủ yếu nhập rơm từ Trung Quốc với khối lượng khoảng 200.000 tấn/năm để làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không ổn định, giá rơm ngày càng đắt, gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp Nhật Bản nên phải tìm kiếm thị trường khác thay thế” - Thư ký Hiệp hội thịt Nhật Bản Yoshida Takeshi thông tin.

Qua sự kết nối của PGS.TS. Trần Đăng Xuân, công tác nhiều năm tại Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản), Hiệp hội thịt Nhật Bản đã đi khảo sát nhiều nơi ở Việt Nam và nhận thấy trữ lượng rơm rất lớn, thừa sức đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi bò ở Nhật Bản. “3 năm trước, chúng tôi đã đặt vấn đề xây dựng nhà máy rơm công nghệ cao ở TP. Cần Thơ nhưng vướng về thủ tục nên chưa triển khai được. Chúng tôi nhận thấy An Giang là địa phương sản xuất lúa hàng đầu ĐBSCL nên trữ lượng rơm rất lớn. Nếu được tỉnh ủng hộ, Hiệp hội thịt Nhật Bản sẽ xây dựng nhà máy rơm đầu tiên tại An Giang, sau đó có thể mở rộng thêm một số nhà máy. Khi nguồn cung từ An Giang ổn định, chúng tôi sẽ giảm dần lượng rơm nhập khẩu từ Trung Quốc để chuyển hướng nhập khẩu chính từ Việt Nam”- ông Yoshida Takeshi nhấn mạnh.

Lượng rơm sau thu hoạch lúa tại An Giang rất lớn

Thư ký Hiệp hội thịt Nhật Bản cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi nhà máy rơm khoảng 3,3 triệu USD, quy mô từ 1-2 héc-ta, bao gồm nhà kho và dây chuyền xử lý dịch bệnh, ép rơm thành khối, đưa lên container chuyển về Nhật Bản. “Giai đoạn đầu, nhà máy sản xuất 30.000 tấn rơm/năm, sử dụng khoảng 120 lao động. Sau 5 năm, công suất sẽ được nâng lên 50.000 tấn và có thể xây dựng thêm nhà máy nếu phù hợp. Sản lượng này đều đã ký hợp đồng trước với các doanh nghiệp, trang trại nuôi bò. Chúng tôi sẽ đưa dây chuyền, thiết bị máy móc tốt nhất sang Việt Nam nhằm đảm bảo công suất và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đề ra” - ông Yoshida Takeshi khẳng định.

Hỗ trợ tối đa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với diện tích canh tác lúa hiện tại, lượng rơm tại An Giang lên đến 4 triệu tấn/năm, có thể đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội thịt Nhật Bản. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là sản phẩm rơm Việt Nam chưa từng được xuất sang Nhật Bản nên cần thủ tục thống nhất giữa 2 nước. Hiệp hội thịt Nhật Bản đề nghị UBND tỉnh An Giang có văn bản gửi Bộ NN&PTNT Việt Nam, đề nghị bộ có công văn gửi Bộ Nông nghiệp Nhật Bản để trao đổi về điều kiện kiểm dịch rơm nhập khẩu vào Nhật Bản. “Các tiêu chuẩn, điều kiện này chúng tôi đã nắm rõ. Sản phẩm từ nhà máy rơm tại An Giang sẽ đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Nhật Bản nên chỉ cần có sự thống nhất về thủ tục giữa 2 nước là bắt tay vào thực hiện ngay” - ông Kan Nobuyoshi, nhà tư vấn của Hiệp hội thịt Nhật Bản, chia sẻ. Vị chuyên gia này cho biết, khi nhà máy được triển khai, công ty đại diện tại An Giang sẽ xây dựng vùng nguyên liệu theo hình thức thu mua rơm và trả tiền trực tiếp cho nông dân với giá cao hơn thị trường, không cần qua trung gian. “Chúng tôi muốn người nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, mang lại giá trị tăng thêm thật sự trên mảnh ruộng của họ” - ông Kan Nobuyoshi nhấn mạnh.

Trong buổi làm việc gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi hoan nghênh ý tưởng của Hiệp hội thịt Nhật Bản khi chọn An Giang đầu tư nhà máy rơm quy mô lớn, hiện đại. Tỉnh đã chọn địa điểm tại “vựa lúa” Thoại Sơn để triển khai dự án. “Chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình canh tác lúa, tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại An Giang để Hiệp hội thịt Nhật Bản có cơ sở xử lý, đảm bảo sản phẩm từ nhà máy tại An Giang đáp ứng điều kiện kiểm dịch rơm nhập khẩu vào Nhật Bản. Tôi tin tưởng dự án sẽ thành công” - ông Thi nhấn mạnh.

Ngay sau buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu nhanh công văn, trình UBND tỉnh ký gửi Bộ NN&PTNT, đề nghị trao đổi với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản để có sự thống nhất chung về điều kiện nhập khẩu rơm vào Nhật Bản. Qua đó, giúp nhà máy rơm đầu tiên của Việt Nam sớm có mặt tại An Giang.

Ngô Chuẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang