• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Những nông dân làm giàu từ cây điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 13/08/2017
Ngày cập nhật: 14/8/2017

Một số người dân quan niệm, cây điều chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo nhưng với ông Chu Văn Cửu ở thôn 5, xã Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước) và ông Nguyễn Văn Bằng, thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân (Phú Riềng) lại có suy nghĩ khác. Với họ, cây điều không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thủy chung với cây điều

Năm 1984, ông Nguyễn Văn Bằng cùng cha mẹ từ miền Bắc vào Bình Phước lập nghiệp. Để phát triển kinh tế, ngoài làm rẫy, ông Bằng xin làm công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường 8 (Công ty cao su Phú Riềng). Năm 1990, ông lập gia đình và ở riêng với số vốn chỉ 1,5 ha đất tại thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân. Bên cạnh trồng điều, ông Bằng còn trồng xen các loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Đến nay, gia đình ông có 6,5 ha điều.

Với máy bỏ phân này giúp ông Chu Văn Cửu tiết kiệm cả trăm triệu đồng/năm

Để vườn điều phát triển tốt và cho năng suất cao, ông Bằng tham gia nhiều buổi tập huấn về quy trình chăm sóc cây trồng do Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Ông Bằng cho biết: “Hầu hết hộ dân cho rằng điều là loại cây không kỳ công chăm sóc, không nhất thiết phải bón phân... Trong khi cũng như các loại cây trồng khác, cây điều rất cần chất dinh dưỡng để phục hồi và phát triển sau mỗi mùa thu hoạch”. Vì vậy, sau khi thu hoạch ngoài tạo tán, tỉa cành, làm cỏ và phun thuốc phòng bệnh, ông Bằng còn bón phân. Để cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, ông chia làm 2 lần bón. Lần thứ nhất, bón vào đầu mùa mưa và lần thứ 2 vào cuối mùa mưa. Ông còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời cho cây điều.

Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây điều nên vườn cây của gia đình ông luôn cho năng suất từ 2,8-3 tấn/ha/năm. Trung bình mỗi năm cây điều mang lại cho gia đình ông trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập từ 150-180 ngàn đồng/ngày/người. Với hiệu quả trong cách làm kinh tế, gia đình ông được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi 5 năm liên tục; Hiệp hội Điều Việt Nam tuyên dương nông dân trồng điều giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội tại địa bàn trong năm 2016.

Thu nhập 700 triệu đồng/năm

Ông Chu Văn Cửu ở thôn 5, xã Bom Bo gắn bó lâu năm với cây điều. Ông Cửu cho biết: “Năm 1998, tôi từ Hà Tĩnh vào Bình Phước lập nghiệp. Lúc đầu tôi trồng cà phê, cao su, điều. Qua nhiều năm canh tác, nhận thấy điều là cây dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế ổn định hơn một số cây trồng khác nên tôi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng điều”. Đến nay, gia đình ông có 14 ha điều, trong đó khoảng 6 ha đã cho thu, 8 ha 2 năm. Gần đây, gia đình ông Cửu mở rộng thêm 3 ha đất để trồng tiêu xen cà phê. Mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Để giảm chi phí, ông Cửu đã tự chế tạo máy bón phân cho cây điều. Chiếc máy gồm 3 phần: Phần đầu là hệ thống lưỡi cày, tiếp đến là phễu bón phân và sau cùng là bộ phận lấp phân. Phân bón chứa trong chiếc phễu, đáy phễu bố trí cần gạt qua lại để đóng mở cho phân rơi xuống đất. Phần phân là một tấm sắt dài khoảng 50cm, rộng 15cm. Cả 3 bộ phận trên lắp cố định vào một khung sắt và được gắn vào máy cày. Khi máy cày di chuyển, phần lưỡi cày xới đất, phân bón từ trong phễu tự động rải xuống và bộ phận sau cùng san đất lấp phân lại.

Ông Cửu cho biết: “Nếu bón phân thủ công thì một ngày cần 4 lao động (150 ngàn đồng/ngày công/người) cho 1 ha điều. Nhưng khi dùng máy bón phân tự chế, chỉ cần 2 lao động 1 ngày có thể bón phân cho 8 ha điều. Hiện một số hộ nông dân đã liên hệ để được tôi hỗ trợ cách làm máy bón phân áp dụng trong gia đình”.

Toàn tỉnh hiện có 77.612 hộ nông dân trồng điều (chiếm 52% số hộ nông nghiệp) với 31 hợp tác xã, 46 tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng điều. Gia đình 2 ông Chu Văn Cửu và ông Nguyễn Văn Bằng là hai trong số 100 hộ nông dân ở Bình Phước được Hiệp hội Điều Việt Nam tặng bằng khen tuyên dương nông dân trồng điều giỏi và có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện tại địa phương năm 2016.

Thùy Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang