• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đến xây dựng vùng dược liệu trọng điểm

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 09/08/2017
Ngày cập nhật: 10/8/2017

Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều người dân trong tỉnh Bắc Giang đã trồng và có thu nhập cao từ dược liệu. Một số nơi bước đầu hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Mô hình trồng cây hòe cho thu nhập cao tại xã Đức Giang (Yên Dũng).

Tăng nguồn thu

Những năm gần đây, nông dân xã Cao Xá (Tân Yên) có thu nhập khá nhờ trồng dược liệu với tổng diện tích hơn 10 ha. Mô hình trồng đinh lăng của gia đình anh Hoàng Văn Trường, thôn Đức Hiệu là điển hình. Trước kia, trên gần 5 sào vườn, vợ chồng anh chỉ trồng rau xanh. Năm 2007, trong dịp sang tỉnh Lạng Sơn chơi, anh Trường thấy bà con nơi đây trồng cây đinh lăng làm thuốc cho thu nhập cao nên xin giống trồng thử. Cây hợp đất sinh trưởng tốt, anh tìm mua thêm giống nhân rộng. Sau hai năm trồng thì tỉa cành, lá bán, lợi nhuận đạt 30-50 triệu đồng/năm. Năm 2016, được tham gia dự án phát triển sản xuất cây dược liệu của huyện, anh Trường mở rộng diện tích lên 6 sào. Anh chia sẻ: "Trồng đinh lăng không vất vả như những loại cây khác, đặc biệt là ít sử dụng thuốc trừ sâu, mỗi năm bón phân 1-2 lần vào thời điểm sau khi chặt cành; thị trường tiêu thụ thuận lợi. Cuối năm ngoái, tôi bán đinh lăng được 150 triệu đồng. Những cây to, nhiều năm tuổi, bộ rễ đẹp bán được 2-3 triệu đồng/bộ”.

Được biết, huyện Tân Yên có khoảng 70 ha trồng cây dược liệu gồm: Đinh lăng, ngưu tất, địa liền, kim tiền thảo, linh chi, nhân sâm tại các xã Cao Xá, Ngọc Châu, Phúc Hòa, Lan Giới, Liên Chung… Trong đó phần lớn diện tích đã được ký hợp đồng tiêu thụ.

Tại Yên Dũng, nhận thấy đồng đất địa phương phù hợp, huyện đưa dược liệu vào cơ cấu giống cây trồng. Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia sản xuất, hằng năm, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ 150 nghìn đồng/sào kim tiền thảo, đồng thời kết nối để người dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang, Công ty cổ phần Nam Dược (Hà Nội). Địa phương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện một số mô hình trồng giống dược liệu mới. Đến nay, Yên Dũng có vùng trồng tập trung kim tiền thảo khá lớn, tổng diện tích 120 ha, doanh thu đạt hơn 26 tỷ đồng/năm.

Ưu tiên phát triển 16 loài

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng Bắc Giang có tiềm năng phát triển hơn 200 loài dược liệu và hàng nghìn ha có thể trồng dược liệu. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới có khoảng 600 ha dược liệu. Nhiều sản phẩm quý như: Nhân sâm, bình vôi, ba kích, nấm lim chủ yếu là phát triển tự nhiên mà chưa được nuôi nhân tạo bài bản, quy mô tập trung. Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu của ngành dược rất lớn, cung không đủ cầu.

Với lợi thế trên, vừa qua Bắc Giang là một trong 8 địa phương sản xuất dược liệu trọng điểm theo Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu, thực hiện việc phát triển vùng dược liệu.

Đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập kế hoạch xác định phát triển 16 loài dược liệu chính theo Đề án gồm: Ba kích, đinh lăng, địa liền, gấc, giảo cổ lam, ích mẫu, kim tiền thảo, hồi, quế, sa nhân tím, thanh hao hoa vàng, ý dĩ, bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng… với quy mô khoảng 500 ha, tập trung tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên. Trước mắt, các địa phương ưu tiên tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu có sẵn. Theo định hướng của tỉnh, huyện Sơn Động tập trung mọi nguồn lực, nhất là vốn chương trình 30a mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tại rừng tự nhiên nghèo kiệt. Huyện Tân Yên hướng dẫn hỗ trợ nông dân thực hiện Đề án phát triển cây dược liệu, hoàn thành kế hoạch trồng mới 120 ha đinh lăng, gấc, kim tiền thảo, địa liền, chùm ngây trong giai đoạn 2015-2020. Các địa phương còn lại xác định rõ diện tích đất canh tác lúa, hoa, màu và cây trồng kém hiệu quả thực hiện chuyển đổi theo quy hoạch. Được biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt Dự án Khoa học và công nghệ về trồng, chế biến cây đinh lăng, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời gian tới, để hình thành vùng trọng điểm sản xuất dược liệu quốc gia, các huyện, TP trong tỉnh cần phối hợp với nhà khoa học hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; có cơ chế thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng, chế biến dược liệu nhằm giải quyết việc làm tại chỗ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân để thu mua sản phẩm.

Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn được lựa chọn phát triển trồng 16 loài dược liệu, với tổng diện tích hơn 4.600 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển ba kích, gấc, địa hoàng; duy trì và khai thác bền vững quế và hồi trên diện tích đã có". (Nguồn: Quyết định 1976/QĐ-TTg về "Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030").

Hoàng Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang