• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sóc Trăng: Đã xác định được tên loại "cây lạ"

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 06/08/2017
Ngày cập nhật: 7/8/2017

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Đại Hải (Kế Sách, Sóc Trăng) xuất hiện hộ dân trồng loại thực vật "lạ" giống như cây bồn bồn nhưng dài khoảng 2m, được trồng trên diện tích 1.000m2, khiến ngành chức năng lo lắng. Để tìm hiểu thực hư loại thực vật này, chúng tôi đã tìm đến chị Lê Kim Thành ở ấp Hậu Bối, chủ ruộng trồng loại "cây lạ".

Đưa chúng tôi ra thăm ruộng trồng "cây lạ" sau nhà, chị Thành chia sẻ: "Sở dĩ tôi trồng cây này bởi nhận thấy thân cây có củ hủ xào với thịt ăn rất ngon và ngọt, vừa làm món ăn trong gia đình, nếu thuận tiện có thể bán để kiếm thêm thu nhập". Hôm chúng tôi đến có một số hộ dân ra thăm đồng cũng xúm lại xem chúng tôi có phải "nhà khoa học" để hỏi cây chị Thành đang trồng là loại cây gì mà họ sống ở đây mấy mươi năm chưa bao giờ nhìn thấy. Theo đó, "cây lạ" cao gần 2m, có hình dáng vừa giống cây bồn bồn nhưng trổ bông lại giống cây lúa. Điều làm mọi người chú ý nhất là độ dài của bông gần gấp 4 lần độ dài bông lúa, hạt tương tự hạt lúa và thụ phấn cũng giống như lúa, lớp vỏ trấu bên ngoài rất mỏng.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhanh chóng vào cuộc để xác minh thông tin về "cây lạ" mà người dân Đại Hải trồng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thành cho biết: "Đối với những cây trổ bông là cây đực có củ hủ cứng nên không ăn được, vì vậy khi bông vừa trổ ra là "canh me" nhổ bỏ ngay". Chị Thành tiếp lời: "Từ ngày trồng cây lạ, cuộc sống gia đình tôi cũng có chút xáo trộn bởi nhiều người tò mò cứ tìm tới hỏi thăm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, sẵn có đất nhà nếu trồng giống cây mới, ăn ngon thì mình trồng, chứ ai dè đâu nó phiền phức quá, tôi đang đợi ngành chức năng cho ý kiến cụ thể, nếu cho tôi giữ lại hay phá bỏ tôi sẵn sàng chấp hành".

Bước xuống ruộng, chị Thành nhổ mấy bụi có bông đã trổ hết đài không gặp bất cứ loài sâu bọ hay côn trùng tấn công. Cây luôn xanh tốt, phát triển nhanh, chỉ mới trồng hơn 2 tháng mà chúng đạt độ cao 2m và trổ bông liên tục hết cây này sang cây khác. Nếu muốn lấy được củ hủ phải chờ đến lúc cây 6 tháng tuổi, còn bây giờ bên trong thân cây mới chỉ là lõi trắng nhỏ chưa định hình nó như thế nào và mùi vị ra sao.

Khởi nguồn cho việc trồng cây này ("cây lạ" - PV), chị Lê Kim Thành chân tình thổ lộ: "Tôi có người chị gái ở TP. Hồ Chí Minh được người quen mời dùng cơm, trong đó có món củ hủ "cây lạ" xào thịt, ăn thấy quá ngon nên chị tôi mới gợi ý chủ nhà xin rễ đem về. Sau đó, chị tôi gom về một đống rễ cây, giống như ống sậy non nhỏ xíu xung quanh bám rễ tựa rễ cây lúa, tôi đem ra mảnh đất trống gần ruộng lúa có diện tích khoảng 2m2, ghim thử 40 rễ, sống khoảng 20 rễ, những gốc sống bắt đầu nhân lên nên số lượng cây càng nhiều lên, qua đó tôi đã lấy một công đất lúa trồng luôn "cây lạ" này".

Là cán bộ trồng trọt bảo vệ thực vật của xã Đại Hải hơn 20 năm nay, ông Trần Văn Thạnh cho rằng: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy giống "cây lạ" vì thân cây có tay lá, bông và hạt rất giống hạt lúa. Ngoài ra quá trình thụ phấn giống lúa nên chủ trương của địa phương và ngành nông nghiệp là vận động người trồng loại bỏ bông khi chúng trổ lên, không mở rộng thêm diện tích, không cho cây giống người dân bên ngoài có ý định xin trồng".

Trước dư luận của người dân địa phương về loại "cây lạ", đích thân lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khảo sát giống cây này và lấy mẫu cây gởi đến nhà khoa học nhờ xác định loại cây trồng nêu trên có ảnh hưởng đến các loài thực vật khác hay có quan hệ họ hàng gì với cây lúa hay không bởi chúng khá giống cây lúa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân cho biết: "Cây lạ mà hộ dân ở ấp Hậu Bối, xã Đại Hải trồng đã được ngành nông nghiệp xác định được tên là cây niễng, được trồng khá nhiều tại các tỉnh phía Bắc và củ hủ của loại cây trên được bán rộng rãi tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do điều kiện của từng vùng, miền khác nhau và tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp nên việc trồng các loại cây mới trên đất lúa cần phải có sự tính toán hợp lý và đơn vị đang chờ câu trả lời chính thức từ nhà khoa học xác định nguồn gốc cây niễng để có định hướng và thông tin đến người trồng cũng như bà con nông dân đang quan tâm".

Thúy Liễu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang