• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi “vua” lúa giống khởi nghiệp

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 04/08/2017
Ngày cập nhật: 6/8/2017

“Kỹ sư chân đất” Phạm Văn Nhựt (bên phải) đang chăm sóc cánh đồng lúa hữu cơ của mình.

Một người bạn đi Nhật Bản về tặng quà duy nhất là một bông lúa thảo dược đen huyền, khoảng 100 hạt, nông dân Phạm Văn Nhựt (Ba Nhựt) ở Ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã xem là cơ hội và cẩn thận mang đi nhân giống.

Sau hơn 2 năm, gạo thảo dược sản xuất từ ruộng của ông được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận nồng nhiệt với giá từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Hiệu quả bước đầu đáng khích lệ, Ba Nhựt bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng thương hiệu để khởi nghiệp cùng với nông dân huyện nhà.

Thành “kỹ sư” từ các lớp tập huấn

“Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế từ chiến trường Campuchia về, tôi được cha mẹ cho khoảng 3 công đất trồng lúa và lấy vợ ra ở riêng. Lúa trồng bông thấp bông cao, thất nhiều hơn trúng, gia đình khó khăn bộn bề. Sau đó, tôi xem tivi, thấy lúa ở các tỉnh miền Tây khác sao mà trổ bông cho hạt đều trân, trúng thấy ham. Không lâu sau, tôi được tham gia lớp tập huấn về sản xuất giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Khoa học trong cách sản xuất lúa giống đã khiến tôi mê và theo đuổi hơn 20 năm nay mà chưa thấy chán chút nào” - ông Nhựt cười tự hào sau khi dứt lời kể về cơ duyên khiến ông theo nghề sản xuất lúa giống.

Theo Ba Nhựt, ông tiếp tục được dự thêm nhiều lớp tập huấn khác đã thực nghiệm và thành công trong phục tráng giống OC 10 (giống lúa địa phương, kháng mặn tốt, gạo dùng để làm bánh và bún). Thừa thắng xông lên, ông phục tráng nhiều giống lúa khác ở các tỉnh miền Tây đều thành công và được cấp xác nhận. Rồi ông Nhựt trở thành một thành viên rất tích cực của Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa giống Phong Mỹ. Mỗi năm THT cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống đã qua phục tráng.

Bên cạnh việc phục tráng, nhân giống cùng THT, ông Nhựt nghiên cứu lai tạo từ giống lúa OM 120 và Nàng hoa 9 để tạo ra một giống lúa mới mang tên PM1 (Phong Mỹ 1). Năm 2013, ông Nhựt công bố rộng rãi về giống PM1 và được Dự án “Tăng cường năng lực nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông (FARES) đánh giá cao vì có năng suất, chất lượng vượt trội, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Sau đó, PM1 được đưa vào bản đồ nông nghiệp trồng lúa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, điều ông Nhựt không ngờ là gạo PM1 lại “kháng” cả người tiêu dùng vì cơm khô, dùng làm bánh cũng không được.

Thất bại ở PM1 không làm nhụt chí sáng tạo, “kỹ sư” Nhựt càng mạnh mẽ hơn. Năm 2014, Ba Nhựt lại dùng giống lúa DS1 (hạt tròn) của Nhật Bản lai tạo với giống AGPPS103 với kỳ vọng cho ra giống PM2. “Tìm ra giống lúa mới có thể hoàn toàn giống OC10 là khát khao luôn cháy bỏng, động lực rất mạnh mẽ thôi thúc tôi không ngừng nghiên cứu, sáng tạo. Hiện PM2 đã đi được nửa đoạn đường nhưng tôi đã trồng thử nghiệm và lúa dư sức kháng mặn trên 2%o, kháng sâu bệnh rất tốt, năng suất khá cao” - ông Nhựt hé lộ.

Hơn 20 năm vừa nghiên cứu và sản xuất lúa giống, ông Nhựt không nhớ rõ mình đã dự tất cả bao nhiêu lớp tập huấn nhưng khẳng định rằng đã là “bạn học” của hàng ngàn nông dân các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, ông là một trong 14 nông dân vinh dự được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Trường Đại học Cần Thơ tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai - chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn năm 1995 - 2015. Ngoài ra, ông Nhựt đã 2 lần được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Khởi nghiệp từ cái mình có thế mạnh nhất

Nói đến “kỹ sư chân đất” Phạm Văn Nhựt ở Phong Mỹ có lẽ không chỉ nông dân trồng lúa ở huyện Giồng Trôm quen thuộc mà hầu hết nhà khoa học, nhà sản xuất lúa giống ở các tỉnh ĐBSCL cũng không xa lạ gì. Bởi, từ năm 1995 đến nay, ông Nhựt không nhớ nổi mình đã phục tráng, nhân giống thành công bao nhiêu lúa bán cho nông dân trồng lúa trong tỉnh. Hễ nghe ở đâu có mô hình trồng lúa hiệu quả cao hay phát hiện giống lúa mới, hội thảo về lúa… ông đều chạy chiếc xe máy tới nơi để học hỏi. Từ một nông dân nghèo khó, nhờ nỗ lực vươn lên mà hiện nay gia đình ông đã sở hữu được hơn 3ha đất canh tác, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Có của ăn của để nhưng trong suy nghĩ của ông Nhựt, sự sáng tạo trong nghề nghiệp, việc nắm bắt thời cơ trong thị trường mới là điều luôn khiến ông hào hứng nhất. “Bông lúa thảo dược mà người bạn đi Nhật Bản về tặng, tôi đã nhân giống được hơn 3 công. Gạo thảo dược đã được thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng. Trước tiên, gạo nấu thành cơm ăn ngon miệng. Đặc biệt, khả năng làm giảm bệnh tiểu đường, cao mỡ máu… Tuy nhiên, các đặc tính trị bệnh vẫn đang chờ kết luận khoa học chính thức từ Trường Đại học Cần Thơ. Sau khi thành công, tôi sẽ nhân giống cho bà con có nhu cầu. Tôi kỳ vọng gạo đen thảo dược sẽ giúp người tiêu dùng phân định rõ với các loại gạo đen thảo dược “bịp” đang tồn tại nhiều nơi trên thị trường”, ông Nhựt cho hay về cách mình tham gia Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” do Tỉnh ủy phát động năm 2016.

Hiện nay, mô hình canh tác lúa hữu cơ với 2 chủng loại giống Đài thơm 8 (giống lúa mới nổi lên ở khu vực ĐBSCL vì ngon cơm), lúa thảo dược (lúa và gạo đều có màu đen huyền), ông Phạm Văn Nhựt kỳ vọng sẽ được chính quyền hỗ trợ nhân rộng, sản xuất đại trà tại địa phương và tiến tới thành lập hợp tác xã lúa sạch để đời sống người nông dân ngày càng được cải thiện hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Dân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Mỹ cho biết, mô hình sản xuất lúa thảo dược và Đài thơm 8 theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông Phạm Văn Nhựt đã được UBND xã đưa vào Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” tại địa phương. “Chúng tôi đã gửi hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng các cấp có lộ trình hỗ trợ để xã có thêm điều kiện nhân rộng mô hình này và tiến tới thành lập hợp tác xã lúa hữu cơ được chứng nhận nhãn hiệu”.

“Trên con đường sáng tạo, ai cũng khó tránh khỏi sự cô đơn và tuyệt vọng nhưng đã xác định thì mình quyết phải đi đến cùng. Đôi lúc sự khó khăn, thất bại trong quá trình thực hiện sản xuất giống mới hay phục tráng từ giống cũ, tôi cảm thấy chính sự thất bại giúp mình không chủ quan và khi thành công sẽ bền vững hơn. Nếu tất cả những nỗ lực của mình vẫn không thành công là do ý chí, trí tuệ của mình chưa đủ” - kỹ sư chân đất Phạm Văn Nhựt đúc kết.

Mã Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang