• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo đột phá trong sản xuất cây giống dược liệu

Nguồn tin: Nhân Dân, 20/07/2017
Ngày cập nhật: 21/7/2017

Chăm sóc cây giống tại Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (tỉnh Bắc Giang).

Nhu cầu hạt giống, cây giống dược liệu thời gian qua tăng đột biến do tác động của các chính sách khuyến khích phát triển dược liệu trong nước khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang đầu tư trồng dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp bảo đảm nguồn giống dược liệu chuẩn nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Trả giá vì cây giống "trôi nổi"

Bảy năm qua, Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (Bắc Giang) đã đầu tư hơn năm tỷ đồng để chọn, tạo giống cây ba kích năng suất, chất lượng, phục vụ kế hoạch xây dựng vùng trồng ba kích trên đất rừng Bắc Giang. Ngần ấy thời gian không thể kể hết các chuyến đi "săn lùng" cây giống ba kích trong rừng sâu cùng những lần nhân giống thất bại. Kể về quá trình kiên nhẫn tìm giống ba kích, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn Vũ Long Vân cho biết, hơn 100 cây giống đầu tiên được công ty mua của một đơn vị sản xuất giống có uy tín tại Hà Nội nhưng trồng xong thì cây chết. Sau này, công ty mới phát hiện số giống này được mua "trôi nổi" từ Thanh Hóa về bán lại.

Tiếp đến, công ty mua 200 cây giống của một trung tâm giống ở tỉnh Lạng Sơn, cây lên xanh tốt nhưng sau ba năm không có củ. Chuyển sang trồng 200 cây giống nuôi cấy mô tưởng thành công nhưng rồi công ty cũng thất bại vì cây chỉ phát triển thân, không cho củ. Cuối cùng, công ty đành thuê người đi rừng, cứ tìm thấy có cây ba kích mọc tự nhiên là đào đem về trồng và đến nay vườn giống ba kích của công ty đã có 11 loại giống.

Dẫn chúng tôi lên vườn giống nằm tít trên rừng ở xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, Bắc Giang), ông Vũ Long Vân hồ hởi khoe hai giống ba kích mà công ty đặt tên là BK 9, BK 11 cho năng suất, chất lượng vượt trội, có thể cho thu nhập 1,4 tỷ đồng/ha sau chu kỳ canh tác ba năm. Tuy vậy, ông Vũ Long Vân cho rằng, không doanh nghiệp nào muốn tự mày mò tìm giống chuẩn bởi vừa mất rất nhiều tiền, nhiều rủi ro, vừa chậm cho ra sản phẩm. Nếu có sẵn cây giống ba kích chuẩn để trồng trong bảy năm qua, thì đến nay, công ty đã có thể có rất nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường như củ ba kích, nước tăng lực ba kích...

Tình trạng doanh nghiệp muốn trồng dược liệu phải tự đầu tư sản xuất giống như nêu trên đang rất phổ biến hiện nay. Ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược chia sẻ, mới đây, công ty đã phải dừng dự án trồng cây kim ngân hoa sau nhiều lần mua hạt về gieo không nảy mầm, còn đặt hàng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cung cấp cây giống cũng không có. Trong khi đó, mỗi năm công ty vẫn phải nhập khẩu năm đến sáu tấn kim ngân hoa để sản xuất thuốc chữa bệnh.

Ðánh giá thực trạng nguồn giống cây dược liệu hiện nay, dược sĩ Bùi Thanh Tùng (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế) thẳng thắn thừa nhận, thị trường dược liệu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng nguyên liệu. Không chỉ thiếu cây giống có năng suất, chất lượng mà cây giống bình thường cũng không đủ. Nguyên nhân do chưa có cơ quan chuyên về phát triển cây giống dược liệu, chưa có sự phối hợp của ngành nông nghiệp trong chọn, tạo giống năng suất. Ngoài các đề tài, dự án Nhà nước hỗ trợ sản xuất cây giống thì lâu nay chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân chọn tạo, nhập và phát triển giống dược liệu quý.

Chăm sóc cây giống tại Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (tỉnh Bắc Giang).

Cần đột phá trong sản xuất cây giống

Viện Dược liệu là đơn vị Nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu được nhiều doanh nghiệp trông đợi có thể cung cấp nguồn giống chuẩn nhưng thực tế Viện chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Viện Dược liệu chỉ sản xuất và cung cấp khoảng 30 loại giống dược liệu. Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc Viện Dược liệu), bất cập lâu nay trong sản xuất cây giống là chưa có quy định về công nhận giống dược liệu khiến đơn vị sản xuất giống chưa xây dựng được thương hiệu cây giống để quảng bá cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến.

Thực tế cho thấy, trên thị trường có những loại cây giống doanh nghiệp cần thì không có như cát cánh, ngưu tất, đan sâm, ngược lại một số loại cây giống doanh nghiệp ít quan tâm lại có nhiều như ích mẫu, kim tiền thảo… Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội Phan Thúy Hiền cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu những cây giống mà doanh nghiệp thật sự cần, trung tâm có lợi thế về khoa học, công nghệ, còn doanh nghiệp hỗ trợ đất, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hiện nay đã tạo thuận lợi cho việc công nhận cây giống, cho nên, Viện Dược liệu sẽ làm thủ tục công nhận giống đối với khoảng hơn 30 loại giống đã sản xuất đại trà nhiều năm. Khi giống được công nhận, có "tên, tuổi", Viện sẽ có điều kiện cung cấp những loại giống tốt cho thị trường.

Trước thực trạng quản lý chất lượng giống, công bố giống cây dược liệu chưa được quan tâm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu vẫn kéo dài tình trạng không quản lý giống dược liệu như hiện nay thì những cá nhân, tổ chức nghiên cứu ra giống dược liệu mới sẽ khó chia sẻ, cung cấp giống ra thị trường do sợ mất bản quyền, nhất là với những loại cây sinh sản vô tính, trồng bằng cành. Nghị định 65/2017/NÐ-CP về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu có hiệu lực từ ngày 5-7 vừa qua được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc chọn, tạo những giống mới, nhanh chóng được đưa vào sản xuất.

Nghị định quy định giống dược liệu mới do các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo được xem xét công nhận đặc cách, bỏ qua bước sản xuất thử nghiệm, chỉ cần tiến hành khảo nghiệm. Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các địa phương lập danh sách, mô tả các giống dược liệu địa phương đang sử dụng trong sản xuất hiện nay vào Danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khi giống dược liệu địa phương có tên trong danh mục mới được phép sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định còn quy định hỗ trợ về tiền, ưu đãi về đất đối với cơ sở sản xuất giống.

Mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu là đến năm 2020 cung ứng được 60% và đến năm 2030 cung cấp 80% số giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Ðể thực hiện mục tiêu, đáp ứng nhu cầu về cây giống ngày càng tăng của doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành y tế và nông nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để lai tạo, sàng lọc giống năng suất, chất lượng cao.

Nhiều chuyên gia dược liệu cho rằng, để tạo sự đột phá trong phát triển giống dược liệu, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần phối hợp Viện Dược liệu đẩy nhanh việc chọn, tạo giống dược liệu năng suất, chất lượng cao bằng thế mạnh về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mong mỏi các đơn vị sản xuất giống thường xuyên có những hội thảo chuyên đề về cây giống để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Khi có cây giống chất lượng, doanh nghiệp yên tâm trồng dược liệu thì các chính sách quan trọng về phát triển công nghiệp dược như ưu tiên mua dược liệu, thuốc dược liệu trong nước, mở rộng danh mục thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong thanh toán bảo hiểm y tế... mới thật sự khả thi, có ý nghĩa với doanh nghiệp.

Thanh Quý

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang