• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cơ hội cho lúa gạo đặc sản Sóc Trăng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 08/07/2017
Ngày cập nhật: 12/7/2017

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là gia tăng tỷ lệ xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản và gạo Japonica lên 40% tổng lượng xuất khẩu.

Chủ động lai tạo, nhân giống tạo cơ hội lớn cho lúa đặc sản Sóc Trăng trong tương lai.

Theo chiến lược vừa được phê duyệt, việc xuất khẩu gạo sẽ được thực hiện theo hướng tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu. Tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy xuất khẩu góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

Với mục tiêu trên, Việt Nam phấn đấu điều chỉnh giảm dần về lượng, nhưng tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam để tăng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2030, các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%. Tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%). Song song với phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, chiến lược còn tập trung tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.

Chiến lược trên đã mở ra cơ hội lớn cho những tỉnh đã và đang có vùng nguyên liệu gạo thơm, gạo đặc sản diện tích lớn trên cả nước; trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, khi nói về lợi thế so sánh trong sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản có giá trị cao thì Sóc Trăng gần như là tỉnh đứng đầu. Có thể nói như thế, bởi ngay từ khi các tỉnh còn chạy đua về năng suất, sản lượng, thì Sóc Trăng đã xây dựng cho riêng mình một đề án phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản, với các giống ST làm nòng cốt. Ngoài 4 vùng thuộc dự án là: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Ngã Năm và Thạnh Trị, hầu hết những vùng sản xuất lúa gạo khác của tỉnh đều có một tỷ lệ sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản nhất định.

Với việc chọn hướng đi đúng đắn, trong những năm qua, Sóc Trăng luôn có khoảng 30% diện tích và đến cuối năm 2016, diện tích sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh đã lên đến 41%, tức vào khoảng 150.000ha. Kinh nghiệm đi trước sẽ giúp Sóc Trăng có nhiều ưu thế hơn trong việc nắm bắt cơ hội từ chiến lược xuất khẩu gạo mà Chính phủ vừa phê duyệt. Không những thế, Sóc Trăng còn có lợi thế lớn, khi hầu hết diện tích sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của tỉnh đều được tổ chức thành cánh đồng lớn hay tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Một lợi thế khác của Sóc Trăng trong việc phát triển lúa thơm, lúa đặc sản theo chiến lược của Chính phủ chính là việc chủ động được nguồn giống. Những giống lúa thơm ST được kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu, phóng thích, ít nhiều đã tạo được “tiếng thơm” trên thị trường nội địa và thế giới. Một số giống lúa thơm khác, như: RVT, OM… cũng được nông dân Sóc Trăng tiên phong đưa vào sản xuất, nên kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất là điều có thừa.

Không những chủ động được giống, xây dựng được vùng sản xuất, gạo thơm Sóc Trăng và gạo Tài nguyên Thạnh Trị đều được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, gạo thơm Sóc Trăng đang tiến từng bước đến mục tiêu xây dựng thương hiệu, còn gạo Tài nguyên Thạnh Trị cũng được đưa vào xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Cơ hội đang rất rộng mở cho lúa gạo đặc sản Sóc Trăng đến với những thị trường cao cấp, có giá trị gia tăng cao, nên vấn đề còn lại là công tác tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sao cho thật tốt, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho lúa gạo Sóc Trăng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, người trồng lúa ở Sóc Trăng, cũng như doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết mới có được giá trị và lợi nhuận cao, hạt gạo Sóc Trăng mới có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang