• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Nghịch cảnh mùa màng ở Đạ Huoai

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 10/07/2017
Ngày cập nhật: 11/7/2017

Trước đây 3 tháng, các huyện phía nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên (Lâm Đồng) rộ lên dịch bệnh bọ xít muỗi và thán thư gây hại cho cây điều, khiến mùa điều xem như mất trắng. Cùng chung tình cảnh với cây điều là thất thu chôm chôm, lẽ ra sẽ thu hoạch trong vòng một tháng nữa. Nhưng bù lại, sầu riêng đang vào vụ và năng suất dự báo tăng hơn 10%, với giá trung bình khoảng 55 ngàn đồng/kg, còn cà phê thì đang hứa hẹn một mùa sai trái vào vụ thu hoạch cuối năm nay.

Ông Hữu trong vườn điều chưa kịp tỉa cành khô cháy. Ảnh: L.Hoa

Mất mùa không trở tay kịp

Chúng tôi về Đạ Huoai vào ngày huyện tổ chức cấp phát số thuốc phòng chống dịch bệnh bọ xít muỗi đợt 2. Gần 12 giờ trưa, nhưng cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện vẫn phải đứng chờ xe từ TP Hồ Chí Minh lên để giao luôn về xã tạm trữ, phân phát cho bà con. Chị Mơ - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tranh thủ nhắc ông Nguyễn Xuân Hữu - thôn trưởng Thôn 4 (xã Đạ Oai) kêu gọi bà con hưởng ứng chống dịch và hoàn thành trước ngày 15/7.

Vườn điều nhà ông Hữu nằm trong vùng trồng điều tập trung, có địa thế bằng phẳng, đường bê tông vào tận nơi. Ông có 5 sào điều mô hình (trong số 20 mô hình được Trung tâm Nông nghiệp huyện đầu tư, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật chăm sóc cây điều...). Mùa điều năm ngoái, ông thu bói ở vườn điều này được hơn 3 tạ, và năm nay, nếu không bị sâu bệnh, thì ông Hữu có thể thu được từ 7 tạ đến 1 tấn hạt ở vườn điều mô hình này.

Ông Hữu đang dọn dẹp vườn, cắt bỏ những cành bị cháy do bọ xít muỗi chích. Ông bảo, đây là tỉa cành tạo tán đợt 1. Sau khi dọn cành và cỏ, ông sẽ rạch một đường ở giữa để bỏ phân, xong lấp lại để phân không bị bay hơi. Trong 2 tháng tiếp theo, ông sẽ tỉa cành, tạo tán và bón phân đợt 2. Tỉa cành để cây nảy ra nhiều mầm mới thì sẽ có nhiều cành, đơm nhiều bông - khả năng kết quả cao. Và từ bây giờ cho tới lúc được thu hoạch phải xịt thuốc để phòng trừ sâu bệnh, vì dịch bọ xít vẫn còn.

Toàn Thôn 4 (xã Đạ Oai) có tổng cộng 60 ha điều, nhìn chung là thất thu. Nhưng tình trạng phải bỏ cả cây không đáng kể, chỉ phải cắt cành và chăm bón lại thì điều sẽ hồi phục.

Cùng được đầu tư mô hình như nhà ông Hữu, nhà bà Duyên ở Thôn 7 có 5 sào điều được trồng sát vườn tràm và ruộng lúa. Do ảnh hưởng của vườn tràm, nên nấm nhiều hơn, cây vì thế mà bị bệnh nhiều hơn... Ở các vùng trồng điều tập trung có đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình thất thu điều còn có phần triệt để hơn, bởi tập quán canh tác dựa vào thời tiết và bà con có phần chủ quan hơn trong chống dịch...

Ông Nguyễn Văn Thanh ở Thôn 1, xã Đạ Oai có 2,5 ha điều, cũng như các vườn điều khác, ông đầu tư chăm bón rất kỹ. Nhưng ông bảo, khi đại dịch kéo tới, trở tay không kịp. Năm nay, đặc biệt, đỉnh dịch diễn ra vào thời điểm Tết Nguyên đán. Nhà ông Thanh, bón phân, xịt thuốc đầy đủ, thấy trái ra chắc ăn rồi, nhưng sau khoảng 10 ngày ăn Tết, lên vườn thấy trái đã teo khô. Ngoài bọ xít muỗi và bệnh thán thư, mưa nhiều cũng làm điều không thể thụ phấn được hoặc thối, méo trái, queo bông...

Đường vào nhà bà Nguyệt (ở Thôn 2, xã Hà Lâm) đi qua khoảng vườn rộng, hai bên là những cây chôm chôm xanh rì lá, không có quả và những cây điều còn khô cành chưa kịp tỉa tán. Nhà bà Nguyệt trồng 1 ha điều xen trong vườn 7,5 ha có sầu riêng, chôm chôm và một ít cà phê. Điều thì không thu được hạt nào. Còn chôm chôm, bà Nguyệt đưa ra con số rất hình tượng rằng, mọi năm bà có thể thu được 250 tấn, thì nay còn khoảng 1-1,5 tấn - chỉ có thể gọi là thu cho vui.

Bà Nguyệt đang thuê 5 nhân công dọn vườn, tính ra cũng phải một tuần mới xong. Nếu đúng vụ, một tháng nữa là đến mùa chôm chôm, có nghĩa là dịp này khắp vườn phải đang trĩu trái chôm chôm. Nhưng chôm chôm mất mùa không phải do dịch bệnh mà do thời tiết. Mưa nhiều và liên tục, nên bông bị hư không kịp đậu trái, hoặc đậu trái rồi bị thối, dự báo sẽ thất thu khoảng 70%.

Các vườn chôm chôm ở xã Hà Lâm đều trong tình cảnh: ít cây cho trái, có cây nửa bên này ra trái - nửa bên kia chỉ toàn lá và phổ biến là nhiều cây không trái...

Theo báo cáo của huyện Đạ Huoai, do ảnh hưởng thời tiết và dịch bọ xít muỗi nên năng suất cây ăn trái giảm mạnh, đặc biệt, các loại cây chôm chôm, măng cụt... do biến đổi khí hậu nên tỉ lệ ra hoa đạt rất thấp và muộn.

Được mùa được giá sầu riêng

Diện tích cây sầu riêng được trồng mới ở Đạ Huoai khoảng 88 ha, nâng diện tích sầu riêng toàn huyện lên 2.426 ha, tăng 3,7% cùng kỳ, nhưng sản lượng trái dự báo giảm khoảng 29% cũng do thời tiết và sâu bệnh, tổng sản lượng ước đạt 7.963 tấn.

Lang thang 2 ngày ở các vùng sầu riêng từ Phước Lộc đến Hà Lâm, Đạ Oai, lần đầu tiên, chúng tôi có được nhiều cảm xúc khác biệt mà chỉ có thể có được ở giữa vườn sầu riêng. Đó là, vừa nghe tiếng quả sầu riêng rơi đánh “bộp” là lao theo, tìm và hí hửng mang chiến lợi phẩm vào nhà.

Vừa ăn, lại vừa đảo tai nghe ngóng trái sầu riêng khác rơi. Cứ thế, chỉ nửa tiếng đồng hồ buổi sáng, hàng chục quả sầu riêng đã xếp hàng trước hiên nhà.

Chúng tôi trở lại thôn Phước Trung của xã Phước Lộc - nơi hai năm nay đã trở thành vùng sầu riêng VietGAP. Con đường cách đây một năm là những lượn sóng đất đá nhấp nhô và trơn trượt, nay đã được bê tông hóa, nhà nước bỏ vốn hơn 2 tỷ lo vật tư, nhân dân góp công hơn 400 triệu. Cùng với đường mới là những ngôi nhà xây rộng rãi và xinh xắn đang xuất hiện. Khu Sình Mây ngày nào giờ bát ngát sầu riêng. Cây nào cây nấy trĩu trịt trái, phải dùng dây nhựa chằng đỡ để tránh bị rụng trái, hoặc gẫy đổ cành.

Ông Nguyễn Văn Châu có 3,4 ha sầu riêng VietGAP vừa đi Di Linh, Bảo Lộc về. Ông kể, đang liên kết mở trại cây giống ở ngã ba Đông Anh gần Quốc lộ 20, đoạn đi vào xã Phước Lộc. Hôm nay, ông cùng đối tác đi khảo sát một số vườn cây. Tiếp theo đó, ông sẽ lấy mầm cây sầu riêng trong vườn nhà mình làm mắt ghép để tạo cây giống mới. Đầu tháng 7 này, nhà ông mới bắt đầu bẻ bán. Năm nay hơi muộn, nhưng giá tốt, mà trái cũng đạt. Ước tệ nhất cũng phải đạt 50 tấn và giá bán tại vườn của ông đang là 53 ngàn đồng/kg.

Ông Thanh ở Thôn 1 - xã Đạ Oai cũng có 1,8 ha sầu riêng, gồm 250 gốc với khoảng 220 gốc đang cho thu hoạch, trong đó có một phần vườn cây 7 năm tuổi và phần còn lại 17 năm tuổi - chủ yếu là giống sầu riêng Mongthong. Theo ông Thanh, dù là sầu riêng tuổi nào, thì chất lượng và năng suất các cây khác tuổi vẫn như nhau, chủ yếu là do cách chăm sóc. Trong vườn nhà ông Thanh, mỗi cây sầu riêng trung bình từ 2,5-3 tạ trái, sản lượng ước sẽ đạt khoảng 35-50 tấn. Trước đó, ông Thanh đã cắt bán đợt đầu được 4 tấn, đợt này đang cắt bán khoảng 10 tấn và dự tính vườn nhà ông sẽ cắt hết trong vòng 2 tuần tới...

Ông Thanh chốt giá tại vườn cho công ty tiêu thụ thẳng đến người tiêu dùng (không qua trung gian) với giá 48 ngàn đồng/kg cho cả vườn - suốt mùa (bán xô). Nếu qua mối lái thiệt khoảng 5 ngàn đồng/kg.

Khắp các đường ngang ngõ dọc ở các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai... đều lấp đầy hình ảnh thu hoạch sầu riêng. Những chiếc xe tải đậu ven đường đang chất kín dần sầu riêng. Những đống sầu riêng to tướng khác vẫn đang tiếp tục đón từng sọt sầu riêng được xe máy chở về. Và những vườn sầu riêng nhộn nhịp cảnh thu hái...

Để tăng giá trị thương phẩm cho trái sầu riêng Đạ Huoai, huyện Đạ Huoai đã xây dựng thành công quy trình sầu riêng VietGAP và cấp chứng nhận Nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai cho 15 hộ dân và đang tiếp tục khảo sát để cấp chứng nhận cho 15 hộ nữa. Đồng thời đã tiến hành cấp trên 50.000 tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cho 15 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn 3 xã Đạ P’Loa, Hà Lâm và Phước Lộc, với tổng diện tích là 38,2 ha...

Ông Thanh với mùa sầu riêng bội thu. Ảnh: L.Hoa

Còn đó nhiều trăn trở...

Ông Thanh đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng, hiện mới có 9 thành viên, nhưng các hộ tham gia còn e ngại, vì chưa xác định được mục tiêu hoạt động, vẫn có vẻ thăm dò, nhất là khi tình hình giá cả không thuận lợi. Mặc dù, hầu hết các loại sầu riêng ở Đạ Huoai đang bán rất chạy, nhưng sầu riêng Thái bị chững lại do phía Thái Lan xuất khẩu theo đường chính ngạch, còn Việt Nam xuất theo đường tiểu ngạch, nên nếu sầu riêng Thái Lan không đủ xuất, họ mới mua hàng của Việt Nam đóng mác vào... Vì vậy, vấn đề tiêu thụ cũng không phải thuận lợi với tất cả các chủ vườn sầu riêng.

17 năm nay, vườn sầu riêng nhà ông Thanh chưa bị mất mùa bao giờ. Trái năm nay đậu chùm nhiều, nên gặp gió lốc rất dễ ngã đổ nếu không chống đỡ. Mặc dù, sầu riêng có bị sâu hại giảm sản lượng, nhưng năng suất lại tăng đến 10%. Bù qua sớt lại, dù cây có bị hư hại, ngã đổ hay rụng trái cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.

Theo ông Thanh, biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, nhưng tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình đầu tư và có mức đầu tư hợp lý, nên hiệu quả mang lại tốt. Chẳng hạn, sầu riêng cũng bị bọ xít muỗi chích, khiến bông bị teo khô, nhưng đa số là những vườn không đầu tư, khiến năng suất sụt giảm.

Với kinh nghiệm 20 năm trồng sầu riêng, trải qua nhiều lần thất bát trong chuyển đổi cây trồng, ông Thanh khẳng định, sầu riêng là loại cây trồng cho giá trị cao nhất ở Đạ Huoai. Ông Thanh cũng đang có kế hoạch dài hơi cho 5-10 năm sau, khi vườn sầu riêng này già cỗi, ông sẽ có vườn khác cho thu hoạch, đó là cách canh tác bền vững. Ông Thanh đưa ví dụ: Hôm nay, nhà ông dự tính sẽ cắt khoảng 10 tấn sầu riêng, nhưng chỉ cần 3 người, với tiền công 300 ngàn/người, chi phí nhân công của ông chưa đến 1 triệu đồng. Khác hẳn công hái cà phê, công hái tiêu, công hái điều. Chăm sóc sầu riêng thì mỗi lần cần lại thuê, không tốn tiền đất, không tốn tiền cây. Ai cũng trồng sầu riêng ở vùng này được cả, nhưng quan trọng là phải làm như thế nào mới hiệu quả.

Vườn nhà ông Châu và các vườn lân cận ở xã Phước Lộc cũng bị lốc bật gốc, sét đánh gãy cành, gió rụng trái khá nhiều, cũng bị thiệt hại khoảng 2 tấn trái/vườn. Về giá cả, những hộ dân như ông Thanh, ông Châu không bao giờ lo lắng, vì có các mối quan hệ thị trường rộng và kinh nghiệm, nên luôn bán được giá tốt. Ông Châu còn khẳng định, Đạ Huoai đã có cơ sở hút chân không, cấp đông, đóng hộp “Sầu riêng Minh Hoàng Khôi”, nếu giá không tốt, ông sẽ đưa vào đây. Cơ sở Minh Hoàng Khôi cũng vừa xây dựng thêm một nhà xưởng, công suất tiêu thụ lớn lại ở ngay giữa vùng nguyên liệu sầu riêng...

Được mùa - mất giá, được giá - mất mùa vẫn đang là vấn đề của vùng sản xuất nông nghiệp ở khắp nơi, mà Lâm Đồng dường như luôn chịu ảnh hưởng của sự xoay vần ấy. Nhưng, được mùa - được giá như sầu riêng Đạ Huoai của 2 năm nay, không chỉ dựa hoàn toàn vào thiên thời, địa lợi, mà ở đó công sức, trí tuệ và niềm tin cũng như tình yêu người nông dân đổ vào mảnh vườn, hàng cây của mình không phải nhỏ... Chia tay Đạ Huoai trong cảnh các vùng trồng điều không còn một màu tươi mát của những vườn cây đang lên chồi non tím đỏ, nhưng vấn vít nương theo là mùi sầu riêng béo ngọt, thơm lừng của một mùa trái sai, giá tốt..., với hy vọng một vụ mùa màng mới sẽ xóa bỏ cảm giác nặng trĩu trên khuôn mặt người nông dân, và chỉ còn là những khuôn mặt rạng rỡ và những giọt mồ hôi lóng lánh, tươi vui...

Ghi chép Lê Hoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang