• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vụ lúa thu đông: Cần chủ động ứng phó với thời tiết, dịch hại

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 03/07/2017
Ngày cập nhật: 5/7/2017

Nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào vụ lúa thu đông năm 2017. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho vụ lúa này, các địa phương cần chủ động ứng phó với thiên tai và các loại dịch hại; tích cực áp dụng các giải pháp nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đầu ra thuận lợi.

Cảnh giác mưa lũ, triều cường

Trình diễn cách sử dụng chế phẩm sinh học Biorat để diệt chuột tại một ruộng lúa ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2017 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL, Cục Trồng trọt đề xuất tổng diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông 2017 tại ĐBSCL là 832.000ha, tăng 7.071ha so với năm 2017. Các địa phương cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu 2017 để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông 2017. Đồng thời, lưu ý chủ động chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018 và các vụ lúa của năm 2018. Khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông 2017, các địa phương cần lưu ý đến thời diểm xuống giống chính vụ lúa đông xuân 2017-2018 (dự kiến gồm 2 đợt chính: từ 20 đến 30-11-2017 và từ 20 đến 3-12-2017), căn cứ vào thời điểm xuống giống hằng năm, dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm. Từ vụ hè thu sang thu đông, cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt để tiêu hủy rơm rạ và các nguồn sâu bệnh, tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ. Quan tâm sử dụng các giống có khả năng chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống lúa có độ cứng cây để hạn chế lúa đổ ngã. Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão. Trong canh tác và chăm sóc, cần lưu ý tránh để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo hàng hóa nhằm đảm bảo tốt chất lượng lúa gạo xuất khẩu. Trong vụ thu đông, vụ mùa 2017, đáng lưu ý nhất là khả năng xảy ra ngập sớm ở ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương cần rà soát hệ thống đê bao, bờ bao và xây dựng phương án chủ động ứng phó để bảo vệ sản xuất.

Theo các dự báo và nhận định gần đây của các cơ quan khí tượng thủy văn và Tổng cục thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, mùa mưa năm 2017 ở Nam bộ có khả năng sẽ kết thúc sớm. Tuy nhiên, trong thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 8-2017, lượng mưa tại vùng Nam bộ phổ biến cao hơn khoảng 30% so với trung bình nhiều năm (TBNN); đến tháng 10 thấp hơn khoảng 30% so với TBNN. Ở ĐBSCL lũ ở thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu long có khả năng đến sớm hơn so với TBNN. Đến cuối tháng 7-2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5-3,0m, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động II đến báo động III (sông Tiền tại Tân Châu 4-4,5m, sông Hậu tại Châu Đốc 3,5-4m), thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10-2017. Năm nay, xâm nhập mặn ít có khả năng xảy ra trên diện rộng nhưng cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường ở khu vực ven biển Tây vào tháng 7 như đã từng xảy ra năm 2015.

Quan tâm phòng chống dịch hại

Theo Viện lúa ĐBSCL, vụ lúa hè thu 2017 tương đối thuận lợi, ít sâu bệnh đối với các trà lúa xuống giống sớm. Tuy nhiên, với những diện tích gieo sạ muộn sẽ ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, nhiệt độ cao nên một số dịch hại đã bộc phát và đang gây hại, như: rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn và đặc biệt là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã xuất hiện trở lại cục bộ ở một số trà lúa hè thu muộn. Vì vậy, triển khai sản xuất lúa thu đông 2017, các địa phương vùng ĐBSCL cần lưu ý phòng tránh các loại dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại, lúa cỏ… Nông dân cần quan tâm áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, "1 phải, 5 giảm", ruộng lúa bờ hoa… để khống chế khả năng bộc phát dịch hại.

Nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thực hiện vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa thu đông 2017.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã tái bộc phát từ giữa vụ hè thu 2017 sau hơn 10 năm khống chế tốt dịch hại. Hiện đã có hơn 7.383ha lúa hè thu 2017 bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, tăng 7.354 ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng. Tỷ lệ rầy nâu mang virus truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn là tại nhiều địa phương cũng khá cao. Đây là nguy cơ lớn ngay từ đầu vụ cho lúa thu đông và lúa vụ mùa 2017 nếu không thực hiện tốt những giải pháp quản lý kịp thời và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu và khuyến cáo nông dân ĐBSCL chỉ nên sử dụng lượng lúa giống từ 80-120 kg/ha, nhưng có nhiều nông dân sử dụng vượt mức này rất nhiều, vừa lãng phí lúa giống, vừa tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh dễ phát sinh. Để giảm giá thành sản xuất, các địa phương cần tăng cường khuyến cáo nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú ý giảm lượng giống, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và sử dụng phân bón phù hợp…

Nhiều vụ sản xuất lúa vừa qua, TP Cần Thơ là 1 trong 5 địa phương có giá thành sản xuất lúa thấp nhất tại ĐBSCL. Giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2017 trung bình tại thành phố là 3.484 đồng/kg, trong nhiều địa phương khác ở mức 4.192-5.192 đồng/kg. Đạt được kết quả này là do ngành nông nghiệp thành phố quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất gắn với ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, áp dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", bón phân xịt thuốc theo bảng so màu lá lúa và "4 đúng"… Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, vụ thu đông 2017 thành phố có kế hoạch xuống giống 52.600ha lúa và hiện nông dân đã gieo trồng được hơn 59.000 ha, dự kiến diện tích lúa thu đông năm nay có thể đạt gần 70.000 ha.

Theo ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong nửa cuối tháng 6 và tháng 7-2017, ở đầu nguồn sông Cửu long sẽ có những đợt nước lên trên sông Cửu long, đến cuối tháng 7-2017 mực nước tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới 2,5m nhưng cao hơn cùng kỳ 2016 khoảng 0,5-0,6m. Trong tháng 8 và tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu long sẽ lên dần đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, châu Đốc có khả năng đạt xấp xỉ mức BĐII, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 (BĐII tại Tân Châu 4,0m, tại Châu Đốc 3,5m). Đối với hạ lưu sông Cửu long, triều cường sẽ lên cao vào tháng 10, 11-2017, đỉnh triều cường tại các trạm chính hầu hết cao hơn mức BĐIII từ 0,1-0,2m: tại Mỹ Thuận (Sông Tiền) 1,9-2m; Cần Thơ (Sông Hậu) 2-2,1m.

Năm nay, dự báo lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khuyến cáo toàn vùng ĐBSCL cần kết thúc xuống giống lúa thu đông 2017 vào ngày 20-8 và tối đa là 30-8-2017.

Khánh Trung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang