• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Hưng Yên không còn mặn mà với rau VietGAP

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 30/06/2017
Ngày cập nhật: 4/7/2017

Trong bối cảnh thị trường tràn lan các loại thực phẩm bẩn, trong đó việc sản xuất rau sạch luôn là một nhu cầu bức thiết. Song với nhiều vùng sản xuất ở Hưng Yên, trồng rau theo quy trình VietGAP thay vì mở ra hướng làm hiệu quả lại trở nên bất cập, bởi những bế tắc trong khâu tiêu thụ. Điều này đã khiến nông dân nản chí nên những vùng rau an toàn cứ dần tàn lụi.

Mô hình trồng rau an toàn tại HTX DVNN xã Yên Phú

* Những vùng rau tiềm năng

Trên địa bàn Hưng Yên, từ năm 2011 có một số vùng được chọn làm mô hình điểm trồng rau an toàn theo công nghệ VietGAP ở các xã: Tiền Phong (Ân Thi), Thuần Hưng (Khoái Châu), Yên Phú (Yên Mỹ)... Các mô hình này do Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên và hội nông dân các xã phối hợp tổ chức. Tuy nhiên đến nay, nông dân các xã này đã không còn mặn mà với rau Vietgap mà quay trở lại với việc trồng rau theo cách cũ.

Với gần 70 ha trồng rau tập trung, xã Thuần Hưng là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Khoái Châu. Trong đó, nhiều diện tích đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ nông dân tham gia mô hình trồng rau theo hướng VietGAP được tập huấn đầy đủ kiến thức về quy trình sản xuất như: sử dụng giống tốt, cách dùng phân bón lót sinh học là ngô, đỗ nghiền và tro bếp; tưới bằng hệ thống nước sạch, ghi chép nhật ký đồng ruộng và đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích. Vùng rau VietGAP được bà con rất tích cực tham gia với hy vọng mở ra cách làm mới cho hiệu quả cao, ổn định.

Tương tự, tại các xã Tiền Phong và Yên Phú có hàng chục mẫu trồng rau an toàn VietGAP. Bà con cho biết, rau trồng theo quy trình Vietgap chăm sóc và thu hoạch mất khá nhiều công sức, từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch việc chăm sóc phải tuân thủ đạt chuẩn đúng theo quy trình, sử dụng phân bón sinh học, chăm sóc bảo đảm an toàn, cho ra sản phẩm rau sạch chi phí cao hơn bình thường. Bà con cũng cho rằng, với công sức bỏ ra, người tiêu dùng sẽ không phụ, rau an toàn sẽ có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Tuy nhiên, những mong đợi rau VietGAP sẽ là nhu cầu bức thiết của thị trường, sẽ khuyến khích nông dân làm giàu nhưng bà con chưa kịp mừng đã bị hụt hẫng.

* Mô hình bị thu hẹp

Tâm huyết với sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở thôn 5, xã Thuần Hưng là hộ duy nhất còn lại trong số 10 hộ của hợp tác xã Hợp Thành Tâm Phúc kiên trì bám trụ với hướng sản xuất này. Ban đầu việc tiêu thụ rau khá dễ dàng, nhưng càng về sau càng khó khăn. Nếu như trước đây đều đặn mỗi tuần 3 buổi chủ đầu mối tiêu thụ rau tại Hà Nội về lấy hàng thì nay chỉ 1 buổi/tuần.

Bà Thành cho biết, lúc đầu thì mở rộng mô hình, nhưng sau dần càng ngày càng thu hẹp, cả hợp tác xã giờ còn mỗi gia đình nhà bà làm. Với tâm huyết muốn làm bằng được cái sản phẩm sạch để đưa ra cộng đồng, nhưng đầu ra rất khó khăn nên gần 4 sào rau của gia đình đến ngày thu hoạch luôn đứng trước nguy cơ bị già, quá lứa vì khó bán. Bà Thành ngao ngán cho biết: không biết còn có thể duy trì đến bao giờ nữa.

Tại xã Tiền Phong, thôn Bình Lãng có khoảng 20 hộ tham gia với diện tích gần 10 mẫu trồng rau VietGAP, nay nhiều hộ quay lại với trồng rau theo cách truyền thống hoặc chuyển sang cây trồng khác. Theo bà Nguyễn Thị Nga và nhiều nông dân thôn Bình Lãng, các đơn vị chức năng đầu tư cho người dân làm nhưng không bao đầu ra nên khi mang ra chợ chẳng ai biết là rau an toàn. Điều quan trọng nhất là đầu ra ổn định, nhưng dự án lại để bà con tự lo nên rất chật vật, sản phẩm bị trôi nổi theo thị trường.

Là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất tỉnh Hưng Yên, nhưng trong tổng diện tích hơn 100 ha chuyên canh rau của xã Yên Phú, rau an toàn chỉ khiêm tốn chiếm một phần rất nhỏ. Theo ông Lê Văn Chức, thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú: trồng rau theo VietGAP vừa tốn công sức, thời gian kéo dài hơn, chi phí cho mỗi kg rau này cao hơn rau bình thường ngoài chợ từ 20 đến 30%. Trong khi hầu hết người dân đều chưa phân biệt được thế nào là rau sạch, chỉ lựa chọn theo những cảm quan, bắt mắt và giá rẻ. Vậy nên rau VietGAP khó cạnh tranh dẫn đến thua lỗ. Cũng theo ông Chức, để rau an toàn phát triển bền vững, rất cần sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong việc hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Đoàn Thị Chải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rau an toàn hiện nay vẫn còn rất khó khăn về đầu ra. Thứ nhất, do các doanh nghiệp chuyên về nông sản vừa thiếu, vừa yếu; trong khi rau là sản phẩm tươi sống nên độ rủi ro cao, khiến các doanh nghiệp ngại tham gia. Thứ hai, rau VietGAP ở Hưng Yên bế tắc là do việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo đó, các vùng trồng an toàn cần được tổ chức liên kết theo quy mô nhóm hộ, có sự giám sát và có hồ sơ xuất xứ, nhãn mác cho sản phẩm, có đầu mối tiêu thụ, quảng bá để rau an toàn được người tiêu dùng tin cậy thì mới chiếm lĩnh được thị trường.

PV

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang