• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trầm không toả hương

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 16/01/2017
Ngày cập nhật: 17/1/2017

Những năm 2003-2006, cơn sốt trồng cây dó bầu (trầm hương) rộ lên tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh. Có thể nói, khi đó nhà nhà trồng dó bầu, người người trồng dó bầu, những mong có ngày được thu về “lộc trầm”(trầm kỳ), mang tiền tỷ về nhà. Thế nhưng hơn 10 năm qua, cây dó bầu vẫn còn đó, nhưng giấc mộng làm giàu dường như đã tan vỡ, bởi trầm hương chưa thấy đâu.

Rừng cây trầm hương 25 năm tuổi của ông Triệu Tài Cao.

Trồng dó bầu theo phong trào

Xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, địa phương được coi là vùng đất của cây trầm hương, bởi vào thời điểm cơn sốt trồng trầm hương có đến 200 hộ dân (chiếm trên 1/3 số hộ của xã) trồng loại cây này, quy mô từ 500 cây đến hàng chục ngàn cây/hộ. Với con số ấy, theo nguyên lý, bây giờ Tân Dân có bạt ngàn những cánh rừng trầm hương kích cỡ lớn, đang vào giai đoạn tạo trầm. Thế nhưng theo ông Linh Du Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: Giờ các mô hình trồng cây trầm của xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, khoảng 15 mô hình trồng với quy mô từ 200 cây đến 3.000 cây và hầu hết đều đang trong tình trạng bị người trồng bỏ mặc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cây trầm hương mặc dù lớn rất nhanh, nhưng không tự tạo được trầm, chưa có gia đình nào trong xã được khai thác trầm và mang lại thu nhập, nên đã phá bỏ.

Tìm gặp ông Triệu Tài Cao, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, người đầu tiên đưa cây trầm hương từ rừng về trồng ở vườn nhà, chúng tôi được biết, trong quá trình phát triển, chỉ khi nào gặp thời tiết và tác động phù hợp cây trầm hương mới tạo thành trầm. Vì thế, trong nhiều cây trầm hương cùng phát triển cũng chỉ có một số ít cây tạo trầm và người trồng trầm cũng phải có duyên mới gặp những cây như thế. Ông kể: Tôi khai thác trầm tự nhiên từ khi ngoài 20 tuổi, từng thấy có những cây trầm to đẹp, 2 người ôm không xuể, nhưng khi khai thác lại không được gam trầm nào. Ngược lại, có những cây còi cọc, xấu xí, phát triển ở những địa hình không thuận lợi thì lại có thể chứa hàng chục kg trầm kỳ, loại đẹp, đắt tiền nhất. Chỉ vào vườn cây trầm thẳng tắp trước nhà, ông bảo: Vườn trầm hương này nằm trong số hơn 3.000 cây trầm tôi đang có, cây giống tôi lấy từ rừng về, là những cây con của các cây tôi đã khai thác và lấy được trầm. Đến giờ chúng đạt tuổi trên dưới 20 năm, nhưng chính tôi cũng không chắc chúng đã tạo trầm chưa, tạo được nhiều hay ít... Thực tế ông Triệu Tài Cao từ trước đến nay chưa từng khai thác trầm từ diện tích rừng trồng. Con trai cả của ông là anh Triệu Tiến Chúc cũng đang sở hữu trên 1.000 cây trầm hương, trong đó có 500 cây khoảng 25 năm tuổi, trong 10 năm qua, mới bán được 3,1 triệu đồng tiền trầm (bao gồm 2 lần), đều do bạn bè của anh thích thì mua chơi, chủ yếu động viên anh là chính.

Điều đáng nói, việc phá bỏ các mô hình trầm hương đã khiến cho người trồng bị thiệt hại, không ít người phải gánh nợ. Anh Trịnh Xuân Thuỷ, cán bộ văn hoá xã Tân Dân, cho biết: Để trồng được mỗi ha trầm hương, người dân phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng tiền giống, công làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc 3 năm đầu cũng mất gần chục triệu đồng/ha/năm..., trong khi đó điều kiện kinh tế của người dân Tân Dân khó khăn, đa số phải vay mượn để trồng rừng.

Ông Triệu Tài Cao luôn khuyên các hộ dân và đối tác của mình đừng phiêu lưu với cây trầm hương.

Tan mộng trầm hương?

Do cây trầm hương để phát triển tự nhiên nhiều năm không tạo được trầm, nên khoảng 5, 6 năm trước nhiều hộ ở Tân Dân đã thuê các đội tạo trầm nhân tạo (chủ yếu từ miền Trung đến) chủ động khoan, đục vào thân cây để tạo ra các vết thương và bôi hoá chất vào để nấm và vi sinh vật phát triển, kích thích tạo trầm. Tuy nhiên, do không nắm được quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ thành công thấp, nhiều hộ khoan quá dày (20cm một lỗ) khiến cây bị tổn thương, suy yếu, chết hoặc đổ gãy khi gặp gió bão. Trong số những cây khoan tạo trầm nhân tạo còn sống sót, nhiều cây đã may mắn ít nhiều tạo được trầm, tuy nhiên điều đáng buồn là số lượng trầm này hiện khai thác ra, song không có người mua.

Ông Bàn Văn Bảo, thôn Tân Lập, xã Tân Dân, người trồng trầm hương nhiều tương đương ông Triệu Tài Cao với con số ban đầu gần 10.000 cây, sau khi tiến hành khoan tạo trầm cho 5.000 cây thì chết mất 4.000 cây; trong số 1.000 cây khoan tạo trầm còn lại có một số cây đã tạo trầm. Ông bảo đã khai thác thí điểm và rao bán lượng trầm này, trực tiếp đi chào hàng ở các đầu mối khu vực miền Trung và phía bên Trung Quốc, nhưng không tìm được người mua. Câu trả lời của các đối tác là loại trầm này được tạo ra bởi hoá chất nên không sử dụng cho các mục đích dược, mỹ phẩm được. Thực tế, những năm trước đây giới thương lái xếp loại trầm nhân tạo này vào loại trầm cuối cùng (loại VIII) với giá thấp nhất (khoảng 20 triệu đồng/kg), tuy nhiên hiện nay khi cơn sốt trầm hương qua đi thì loại sản phẩm này không có khách hàng. Bà Nguyễn Thị Nhu, vợ ông Bàn Văn Bảo tần ngần nhìn mớ trầm hương nhiều lần chào hàng không bán được, cho biết: Tính đến giờ, giá trị đầu tư vườn trầm hương của gia đình đã vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nếu như số trầm nhân tạo kia bán được thì gia đình còn thu lại một phần vốn đầu tư, bằng không thì coi như gánh nợ, mất trắng cả tỷ đồng. Giờ gia đình tôi đúng là rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, phá bỏ các vườn trầm hương thì phí công sức tiền của đã đầu tư, mà tiếp tục duy trì thì mất công sức, chi phí chăm sóc mà lại không mang lại thu nhập, không có quỹ đất để phát triển các loại cây trồng khác.

Hiện nay, có một số thương lái đến đặt mua cây trầm hương ở lứa tuổi 12 trở lên và còn sống trên đất (điều kiện cây còn phát triển tự nhiên, chưa khoan đục gì) với giá 200 ngàn đồng/cây. Qua tính toán, với mức giá này một cây trầm hương còn có giá trị thấp hơn nhiều so với cây keo cùng tuổi. Để gia tăng giá trị, nhiều hộ đã tính tới chuyện trang bị máy nghiền cây trầm hương để bán nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, sản xuất hương trầm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, không phải hướng làm ăn lâu dài, mang lại lợi nhuận.

Trầm kỳ được hình thành từ phương pháp nhân tạo của ông Bàn Văn Bảo hiện không bán được.

Lời kết

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Chi cục phó Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, cây trầm hương nếu để phát triển kinh tế thì cần nhìn nhận lại, vì đây là cây lâm sản ngoài gỗ, nhưng phải ở các vùng có tính chất đất rừng, vùng lập địa phù hợp, phát triển trong rừng tự nhiên, điều kiện hỗn giao. Đối với Quảng Ninh, trầm hương không được xếp vào danh mục cây trồng ưu tiên, loại cây này cũng chưa có quy trình trồng, chăm sóc hay kiểm chứng về giống, thị trường tiêu thụ và giá trị mang lại thiếu tính chính thống và ổn định. Trong thời điểm bùng phát phong trào trồng cây trầm hương (năm 2006), theo điều tra của Quảng Ninh, huyện Hương Khê (tỉnh Nghệ An), địa phương đầu tiên báo cáo về hiệu quả cây trầm hương đạt 14 tỷ đồng/năm, thì trong đó có 12 tỷ đồng từ bán giống cây, chỉ có 2 tỷ đồng đạt được từ việc chưng cất và bán tinh dầu trầm. Tuy nhiên, qua một số lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Đài Loan bị trả về đã ngừng sản xuất nên không có nguồn thu này nữa. Chính bởi vậy, quan điểm của tỉnh không khuyến khích người dân trồng, thậm chí đã từng bác một đề án phát triển loại cây này với diện tích đề xuất trên 600ha của một địa phương trong tỉnh.

Có thể thấy, chính bởi việc chạy theo phong trào, trồng tự phát, không theo quy trình đã khiến cho các hộ trồng cây trầm hương bị thiệt hại, rơi vào tình trạng sống dở, chết dở như hiện nay. Ông Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Trước cây trầm hương đã có bài học đắt giá với cây hông (dùng để lấy gỗ làm đàn), rồi sau này là trồng cây gỗ sưa. Chính bởi vậy, một lần nữa cho thấy các hộ dân khi lựa chọn phát triển các mô hình kinh tế cần phải tỉnh táo, tránh chạy theo phong trào, hiệu ứng đám đông để phải gánh chịu hậu quả.

Việt Hoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang