• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Đắk Song lao đao vì bí đỏ rớt giá: Bài học cũ trồng không theo quy hoạch

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 19/06/2017
Ngày cập nhật: 22/6/2017

Vào những ngày này, nông dân huyện Đắk Song (Đắk Nông) đang bước vào giai đoạn thu hoạch bí đỏ chính vụ. Theo đánh giá thì năm nay năng suất, sản lượng bí đỏ đạt cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, người trồng bí đỏ lại đứng ngồi không yên vì giá liên tục xuống thấp, thậm chí nhiều nông hộ không tìm được đầu ra khiến bí đỏ thối ngay tại vườn.

Giá bí đỏ xuống thấp nên một số người dân xã Thuận Hạnh (Đắk Song) bỏ bí đỏ hư thối ngay tại ruộng

Tại xã Thuận Hạnh, nhiều diện tích bí đỏ của người dân không có thương lái thu mua đang nằm phơi nắng, phơi mưa ngay tại ruộng.

Ông Phạm Văn Thiệu, thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh trồng được hơn 3 sào cây bí đỏ. Do năm nay, thời tiết thuận lợi, không có sâu bệnh nên cây bí đỏ phát triển rất tốt, cho nhiều trái, năng suất dự kiến cao hơn trước năm trước. Thế nhưng, giá bí đỏ lại rớt xuống rất thấp khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.

Ông Thiệu cho biết: “Cũng trên diện tích đất này những năm trước trồng bí đỏ, tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Năm nay, bí đỏ đã bước vào thu chính vụ nhưng vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ. Mặt khác, với mức bán hiện tại từ 1,5 ngàn đồng đến 2 ngàn đồng/kg, tiền bán bí đỏ không đủ để chi trả tiền thuê công nhân thu hoạch nên gia đình đành bỏ bí đỏ thối ngay tại ruộng chứ không còn cách nào khác”.

Không chỉ riêng gia đình ông Thiệu, mà hiện nay, hàng trăm ha cây bí đỏ của nông dân Đắk Song đang nằm phơi nắng, hư thối tại ruộng. Vì không tìm được đầu ra nên nông dân rơi vào cảnh chán nản, lao đao với cây bí đỏ. Không chỉ rớt giá, thương lái đến mua còn ép giá, chọn lựa những quả bí đẹp có trọng lượng từ 3 kg trở lên.

Bà Bùi Thị Ngoan, chủ một điểm thu mua bí đỏ trên địa bàn xã Thuận Hạnh cho biết: “Hiện đại lý cũng muốn thu mua đại trà để giúp bà con nông dân bớt phần nào khó khăn. Nhưng thân đại lý cũng không quyết định được vì sau khi thu mua phải nhập về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Do các chợ đầu mối yêu cầu như vậy nên chúng tôi có thương dân cũng không thể làm khác được”.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, Đoàn Thị Tốt cho biết: “Ngay từ đầu vụ, xã đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây bí đỏ, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng ngô, khoai lang và các loại cây ngắn ngày khác. Nhưng do năm trước giá bí đỏ ở mức cao nên người dân vẫn bất chấp khuyến cáo để trồng bí đỏ dẫn đến dư thừa sản lượng, rớt giá. Trước mắt, xã đang nỗ lực tìm đầu ra cho nông dân, đồng thời khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch để có kinh phí tái đầu tư vụ mới chứ không được bỏ bí đỏ hư thối tại ruộng. Về lâu dài chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để nông dân nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn cây trồng, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, không chạy theo thời giá để trách lặp lại điệp khúc được mùa rớt giá như hiện nay”.

Nhiều gia đình đành đưa bí về nhà tạm trữ, vì không có người mua

Theo thống kê, toàn huyện Đắk Song hiện có 800 ha cây bí đỏ, chủ yếu trồng tập trung tại xã Thuận Hạnh. Nguyên nhân chính việc giá bí đỏ xuống thấp được chính quyền địa phương xác định là do những năm trước giá tăng cao nên người dân ào ạt mở rộng diện tích. Cùng với đó, năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng đạt cao; vụ thu hoạch bí đỏ trùng với nhiều địa phương khác dẫn đến cung vượt cầu, khiến sản phẩm bí đỏ không tìm được đầu ra và rớt giá thê thảm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Lê Viết Sinh cho biết: “Chúng tôi chỉ giúp được người dân về mặt định hướng quy hoạch, hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất, còn kinh phí để hỗ trợ người dân khi nông sản mất mùa, rớt giá thì nằm ngoài khả năng của địa phương. Trước những khó khăn của người dân khi bí đỏ rớt giá, huyện cũng đã có nhiều biện pháp, liên kết với các doanh nghiệp, chợ đầu mối để tiêu thụ bí đỏ cho nông dân. Tuy nhiên, do diện tích bí đỏ được người dân trồng quá lớn nên chính quyền lực bất tòng tâm”.

Điệp khúc được mùa mất giá đang xảy ra trên cây bí đỏ ở huyện Đắk Song hiện nay không phải là vấn đề mới. Đây là hệ quả của việc ồ ạt trồng chạy theo thời giá, sản xuất không tuân thủ theo quy hoạch của rất nhiều nông dân hiện nay. Nếu người nông dân không chủ động và sớm ý thức được bài học đắt giá này thì kịch bản được mùa rớt giá sẽ không dừng lại ở cây bí đỏ mà các loại cây trồng khác cũng phải gánh chụi hậu quả tương tự.

Văn Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang