• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất mía đường - Chưa vào vụ đã lo thua lỗ

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 18/06/2017
Ngày cập nhật: 20/6/2017

Trong lúc tồn kho đường ở mức kỷ lục, thì đường lậu vẫn ồ ạt tràn vào thị trường như giọt nước tràn ly làm cho nguồn cung đường trong nước vượt xa nhu cầu. Nhà máy đường và nông dân đang lo lắng về một vụ mía đường khó khăn thua lỗ đang bày ra trước mắt.

Thách thức

Tại Hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ đường bền vững do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức, Đại diện Tập đoàn Thành Thành Công, cảnh báo: với mức gần nửa triệu tấn đường nhập lậu từ Thái Lan đã làm cho ngân sách quốc gia thất thu gần 2.000 tỉ đồng tiền thuế mỗi năm. Nghiêm trọng hơn là nếu đường lậu không được kiểm soát thì sẽ giết chết nhiều nhà máy đường trong nước, nông dân bỏ mía vì thua lỗ.

Thu hoạch mía ở Sóc Trăng. Ảnh: T. Long

Ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: giá đường loại 1 bán ra tại công ty hiện nay chỉ còn 16.500 đồng/kg giảm rất sâu so với cách nay một tháng. Hiện nay, đường nhập lậu từ bên ngoài đang tràn vào rất nhiều, đường trong nước tồn kho lớn, dự báo giá đường còn "bi đát" hơn, nếu tình hình không được cải thiện sẽ làm ảnh hưởng đến giá thu mua mía nguyên liệu cho nông dân.

"Bức tranh không mấy sáng sủa của ngành mía đường trong năm nay, Casuco đưa ra mức giá bao tiêu cho nông dân cũng không được cao: 900 đồng/kg mía 10CCS tại cầu cảng nhà máy, tuy nhiên nếu giá đường được cải thiện thì Casuco sẽ điều chỉnh giá cao hơn để nông dân được lợi nhuận nhiều hơn" - ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ canh cánh với đường lậu, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường đang lo sốt vó với loại đường lỏng chế biến từ bắp nhập từ Trung Quốc. Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho biết: Theo số liệu DN nắm được, năm 2016 loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc hơn 47.000 tấn vào Việt Nam. "Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP Hồ Chí Minh có giá khoảng 12.000 đồng/kg, rẻ hơn đường trong nước rất nhiều vì đang được hưởng mức thuế 0%. Loại đường này độ ngọt hơn so với đường trắng trong nước nên được các công ty bánh kẹo, nước ngọt tiêu thụ nhiều, giảm mua đường trắng trong nước. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ đường của các công ty mía đường trong nước giảm mạnh, khiến lượng đường tồn kho tăng" -bà Châu lo lắng nói.

Với đường lậu và đường nhập khẩu giá rẻ, ngành mía đường đang đứng trước thách thức rất lớn, khó khăn chồng chất trong vụ mía này.

Giảm diện tích trồng nhưng giá mía vẫn không tăng

Thời hoàng kim của cây mía, diện tích trồng mía tại khu vực ĐBSCL lên đến hàng trăm ngàn hec-ta, thì nay chỉ còn chưa đến một nửa. Mặc dù diện tích mía ngày càng teo tóp nhưng giá mía lại có xu hướng thụt lùi, làm thu nhập của người trồng mía rất bấp bênh.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nơi có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong những năm gần đây giá mía nguyên liệu chỉ dao động quanh mốc 1.000 đồng/kg. Bình quân giá thành sản xuất 1kg mía tại thời điểm này đã lên đến 750-800 đồng, nếu bán dưới mức giá này là xem như nông dân cầm chắc thua lỗ.

Phân tích những khó khăn của ngành mía đường, ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho rằng: Điểm yếu nhất của ngành mía đường hiện nay vẫn là khâu sản xuất nguyên liệu. Nhằm hỗ trợ nông dân cải thiện năng lực sản xuất, trong những năm qua Casuco đã chủ trì và tài trợ cho rất nhiều chương trình khuyến nông, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác, nghiên cứu giống mới năng suất chữ đường cao... nhưng do khâu cơ giới hóa của ta rất yếu nên cho đến nay giá thành sản xuất mía của Việt Nam vẫn còn cao hơn các quốc gia khác. Điều này đang đặt ra đầu đề bài toán quá hóc búa cho ngành mía đường: nâng giá thu mua nguyên liệu thì giá đường sẽ tăng cao, khó bán; còn nếu giảm giá mua nguyên liệu thì nông dân thua lỗ, bỏ mía, nhà máy đường cũng "chết" theo!

Đối với các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL càng gặp nhiều khó khăn hơn khi vùng nguyên liệu ở đây sản lượng lớn nhưng chữ đường thấp, ép nhiều mà thu hồi đường thấp làm đội chi phí sản xuất lên cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch Công ty Mía-Đường- Cồn Long Mỹ Phát, năng lực sản xuất mía đường của Việt Nam còn thấp nên đừng mơ đến xuất khẩu, mà không để thua trên sân nhà là quý lắm rồi. Để giữ thị trường trong nước thì Chính phủ cũng cần có biện pháp hạn chế nhập khẩu đường, đồng thời cũng cần có chính sách khuyến khích DN mía đường đẩy mạnh hơn sản xuất các sản phẩm cạnh đường và sau đường như: điện sinh khối từ bã mía, rượu cồn sinh học ethanol… để tăng thêm lợi nhuận cho chuỗi sản xuất.

Theo lộ trình cam kết hội nhập, chính sách bảo hộ sản xuất đang từng bước được gỡ bỏ, áp lực cạnh tranh gay gắt hơn, đây là thời điểm khó khăn nhất mà các DN mía đường và nông dân trồng mía không vận động thì rất khó để tồn tại.

Phú Khởi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang