• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Nâng cao năng suất các loại cây trồng cạn

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 16/06/2017
Ngày cập nhật: 19/6/2017

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình khô hạn, thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, các đơn vị đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các chân đất thiếu nước và sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư, chăm sóc cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt… nên nhiều loại cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp, tính chống chịu sâu bệnh, khả năng thích ứng với điều kiện của địa phương không cao.

Trước thực tế đó, vụ đông xuân 2016 – 2017, được sự hỗ trợ của Dự án khuyến nông trung ương (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và Chương trình KOPIA (Hàn Quốc), Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Bắc Trung Bộ đã triển khai mô hình thâm canh cây lạc và ngô năng suất cao tại xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) trên quy mô 27 ha với 300 hộ tham gia và đã mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Tham gia thực hiện mô hình trồng lạc, các hộ dân sử dụng giống lạc mới L20, ứng dụng kỹ thuật làm đất, trồng với mật độ thích hợp (42 – 44 cây/m2), che phủ ni-lông, bón phân cân đối, sử dụng chế phẩm sinh học, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, tưới tiêu hợp lý… Giống đối chứng là giống lạc Lỳ Tây Nguyên không áp dụng quy trình công nghệ mới.

Đối với cây ngô, mô hình ứng dụng quy trình công nghệ thâm canh ngô đạt năng suất cao của Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ: Sử dụng giống ngô mới CS71 và NK7328, kỹ thuật trồng và chăm sóc, tưới tiêu hợp lý, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… Giống đối chứng là giống ngô LVN10 và không áp dụng quy trình công nghệ mới.

Kết quả đối với mô hình lạc, năng suất thực thu đạt trung bình 35,36 tạ/ha, cao hơn hẳn so với giống đối chứng trồng đại trà chỉ đạt 21,78 tạ/ha (tăng so với đối chứng 62,35%), lợi nhuận thu lại tăng thếm khoảng 21,05 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Đối với mô hình ngô, các giống ngô mới đều đạt năng suất cao hơn so với giống đối chứng. Cụ thể: giống ngô NK7328 năng suất thực thu đạt 66,41 tạ/ha, giống ngô CS71 năng suất thực thu đạt 67,35 tạ/ha, trong khi giống ngô đối chứng LVN10 chỉ đạt 39,24 tạ/ha (tăng so với đối chứng từ 69,24 – 71,64%), lợi nhuận thu được tăng thêm khoảng 11 – 12 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Chỉ ở tại HTX Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang) có 4 sào đất màu. Trước đây gia đình ông chủ yếu trồng giống lạc Lỳ Tây Nguyên. Tuy nhiên do không nắm vững kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc nên năng suất mang lại không cao, bình quân mỗi vụ chỉ đạt khoảng 1 – 1,2 tạ/sào. Khi tham gia vào mô hình trồng thâm canh cây lạc thì năng suất lạc của gia đình ông tăng lên rõ rệt.

Ông Chỉ cho biết: “Trước đây khi trồng lạc tôi chỉ sử dụng giống lạc Lỳ Tây Nguyên, đôi khi thiếu giống thì lại tìm mua các giống trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường. Sử dụng phân chuồng, phân hóa học chủ yếu là theo cảm tính, không có định lượng rõ ràng nên năng suất lạc thu được không cao. Từ khi tham gia thực hiện mô hình thâm canh cây lạc tôi được hỗ trợ giống lạc mới L20, được hướng dẫn cách làm đất, mật độ thích hợp, đặc biệt là che phủ ni-lông, bón phân cân đối… nên năng suất thu được cao hơn. Tính ra mỗi sào tôi thu được từ 1,7 tạ trở lên. Với giá bán hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg thì với 4 sào lạc sau khi trừ chi phí tôi thu lãi được khoảng 6,5 triệu đồng, cao hơn so với trước đây từ 4 – 4,2 triệu đồng. Những vụ tới mặc dù không có sự hỗ trợ của dự án nữa nhưng chắc chắn tôi vẫn sẽ tiếp tục trồng lạc theo quy trình này”.

Thăm mô hình thâm canh cây lạc L20

Theo Giám đốc HTX Cổ Mỹ - ông Lê Chẩn, là địa phương nằm cuối nguồn nước của công trình thủy lợi La Ngà nên hàng năm HTX có hàng chục héc ta đất nông nghiệp không gieo trồng được do không có nước tưới. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX đã vận động bà con xã viên chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn như lạc, ngô, khoai lang… nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật, sử dụng các loại giống của địa phương đã bị thoái hóa, năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài nên thường bị khô hạn vào cuối vụ. Vì vậy khi được tiếp cận với mô hình thâm canh cây lạc và ngô do Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ triển khai, bà con xã viên rất phấn khởi và mạnh dạn đăng ký tham gia. Bình quân mỗi hộ trồng từ 1 – 2 sào, cá biệt có một số hộ đăng ký trồng từ 3 – 4 sào. Tham gia thực hiện mô hình, bên cạnh được hỗ trợ một phần giống và vật tư, các hộ mô hình còn được cán bộ kỹ thuật của Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt mô hình sử dụng ni-lông để phủ các luống lạc trước khi gieo trồng nên đã giúp bà con nông dân giảm được công làm cỏ, xới xáo, vun gốc. Bên cạnh đó các giống lạc và ngô mà Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ đưa vào sản xuất đều thể hiện rõ năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn so với các giống mà bà con nông dân sử dụng từ trước đến nay. Cụ thể với giống lạc L20 có vỏ dày, hạt to, số lượng củ có 3 – 4 hạt nhiều so với giống lạc Lỳ Tây Nguyên có vỏ mỏng, hạt nhỏ. Với cây ngô thì các giống ngô CS71 và NK7328 hạt đóng dày, tỷ lệ 2 bắp/cây cao hơn so với giống LVN10.

Các giống ngô CS71 và NK7328 cho năng suất cao hơn so với giống LVN10

Trao đổi với chúng tôi khi đang trực tiếp đi kiểm tra các mô hình trồng thâm canh cây lạc và ngô do Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ triển khai, ông Trần Thanh Hiền – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh đánh giá cao các kết quả mà mô hình đã đạt được. Theo ông Hiền, sau sự cố môi trường biển năm 2016 đến nay, đời sống của nhiều người dân xã Vĩnh Giang nói riêng và các xã vùng biển trên địa bàn tỉnh nói chung gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đưa những mô hình trồng các giống cây phù hợp với đất đai, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân là rất cần thiết. Ông Hiền cũng đề nghị Viện KHKTNN Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai nhiều mô hình trình diễn ở các vùng miền khác nhau, trên các chân đất khác nhau của tỉnh Quảng Trị để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân vùng sản xuất lạc và ngô nhằm mở rộng và tăng quy mô sản xuất, từ đó đưa cây lạc và ngô trở thành cây hàng hóa có giá trị cao ở địa phương.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang