• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để nông nghiệp phát triển theo chiều sâu

Nguồn tin:  Báo An Giang, 15/12/2017
Ngày cập nhật: 16/12/2017

Dù An Giang duy trì sản lượng lúa trên 4 triệu tấn/năm và vẫn là vựa thủy sản quan trọng của cả nước, cũng như có nhiều mô hình làm ăn mới xuất hiện… nhưng nông nghiệp (NN) chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của một ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), thực hiện tái cơ cấu ngành NN theo chiều sâu vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Quyết tâm của tỉnh

Là một tỉnh chiếm diện tích lớn trong vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), được Chính phủ xác định là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, An Giang xác định NN và du lịch là 2 ngành kinh tế mũi nhọn với thứ tự ưu tiên đầu tư là NN, thương mại - dịch vụ (TM-DV) và công nghiệp - xây dựng. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư, mục tiêu đặt ra là phải huy động mọi nguồn lực phát triển NN theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển TM-DV, du lịch và công nghệ chế biến sâu. An Giang chú trọng sự phát triển phải trên cơ sở hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hiểu được vai trò quan trọng của ngành NN trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, An Giang có nhiều nỗ lực trong sản xuất NNƯDCNC và tái cơ cấu ngành NN. “Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 27-6-2012, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển NNƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, ngày 29-11-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển NNƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án tái cơ cấu ngành NN tỉnh An Giang đến năm 2020” tại Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 2-6-2015. Qua đó cho thấy, sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển sản xuất NNƯDCNC và tái cơ cấu ngành NN theo hướng đạt hiệu quả, có tính bền vững, phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và có năng lực thích ứng BĐKH” - ông Thư phân tích.

Đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế gợi mở nhiều giải pháp phát triển cho NN An Giang

Tiếp tục phấn đấu

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho biết, những nỗ lực trên đã mang lại nhiều kết quả nổi bật cho ngành NN. Những năm qua, An Giang đã đảm bảo duy trì sản lượng lúa bình quân 4 triệu tấn/năm, đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2016, sản lượng cá tra đạt 267.123 tấn, sản lượng tôm càng xanh đạt 193 tấn. Các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực như: lúa gạo Jasmine, nếp chất lượng cao, chuối cấy mô, xoài, chăn nuôi heo giống, gà công nghiệp, dược liệu, sản xuất rau an toàn… đã dần được xác lập và có xu hướng mở rộng. Trong khi đó, diện tích chuyển đổi phương thức sản xuất dần chuyển biến theo hướng tích cực, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ từ các nước tiên tiến như: Israel, Nhật Bản, Úc, Đức, Đài Loan, Hoa Kỳ… Trên địa bàn tỉnh việc sản xuất hàng hóa lớn gắn với liên kết tiêu thụ được chú trọng, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh thị trường. Những năm qua, ngành NN An Giang đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ ổn định sinh kế, phát triển đời sống dân cư nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực…

Tuy nhiên, ông Thư cũng nhìn nhận, các kết quả đạt được trong NN chưa tương xứng với tiềm năng của một ngành kinh tế mũi nhọn, chưa sẵn sàng trước nhiều thách thức về hội nhập kinh tế, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH. “Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển NNƯDCNC là một chủ trương, định hướng đúng nhưng trong quá trình triển khai, doanh nghiệp, người sản xuất vẫn còn gặp bối rối, lúng túng khi tiếp cận công nghệ, chính sách” - ông Thư đánh giá.

Đồng ý với đánh giá này, GS.TS Võ Tòng Xuân, người có nhiều công trình nghiên cứu sâu về NN cho rằng, không riêng gì An Giang, những nông dân sản xuất lúa nói chung đang có vị thế rất thấp dù đóng góp của họ là rất lớn. “Qua hơn 30 năm đổi mới, NN Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu, đứng tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng nhìn chung, đời sống nông dân còn khó khăn. Ở một tỉnh sản xuất lúa giỏi như An Giang nhưng nguồn thu ngân sách không đủ bù chi, phải bổ sung ngân sách từ Trung ương” - GS.TS Xuân nhận xét.

Những gợi ý của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp phát triển NNƯDCNC và tái cơ cấu NN tiểu vùng TGLX” đã mở ra nhiều hướng đi cho NN An Giang và khu vực. “Giờ đây, tôm giống toàn đực theo công nghệ Israel có thể sản xuất tại An Giang, tỉnh cũng có thể trồng cây có múi CNC, có thể ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, tăng năng suất, hiệu quả… Chiếc điện thoại thông minh giờ đây không phải dùng để “chat” mà có thể dùng để điều khiển cả nền NN thông minh” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang