• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười: “Cuộc tiến công lần thứ hai”

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 19/10/2017
Ngày cập nhật: 20/10/2017

Hơn 30 năm trước, 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đã làm nên kỳ tích khi tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười, biến vùng đất chua phèn, hoang hóa trở thành nơi cung cấp lúa gạo, cây ăn trái và nhiều loại thủy sản xuất khẩu đứng đầu cả nước. Hiện tại, 3 tỉnh tiếp tục bắt tay thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và xem đây là “cuộc tiến công lần thứ hai”.

Đồng Tháp với thế mạnh nuôi trồng và chế biến cá tra

Sự liên kết thực hiện Đề án giữa các địa phương nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng thành nơi sản xuất nông nghiệp trọng điểm quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu nông, thủy sản; quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế.

Kỳ vọng

Lãnh đạo 3 tỉnh cùng đơn vị tư vấn - Trường Đại học Cần Thơ đã nhiều lần thảo luận, đi đến sự đồng thuận chung trong việc xây dựng 5 chương trình trọng tâm của đề án: cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản của tiểu vùng Đồng Tháp Mười; phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và điện; cơ chế - tổ chức và chính sách liên kết, kêu gọi đầu tư.

Theo đó, kết quả kỳ vọng đến năm 2030 chuỗi giá trị của ngành hàng nông sản chủ lực (gạo, xoài, khóm và cá tra) được cải tiến, giá trị sản phẩm được tăng lên và có thương hiệu gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi, điện trong tiểu vùng phát triển, nối kết thông suốt giữa các địa phương trong tiểu vùng và giữa tiểu vùng với hệ thống dịch vụ hậu cần xung quanh phục vụ cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái.

Thời gian qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai xây dựng và hoàn thiện một số mô hình thí điểm về liên kết tiêu thụ, hướng sản xuất theo chuỗi giá trị các nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản... Việc thực hiện các mô hình này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất canh tác tăng 3 - 4 triệu đồng so với năm 2014, thời điểm trước khi thực hiện đề án.

Ngoài việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu nông sản. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, giúp nhiều doanh nghiệp ký kết được với các doanh nghiệp ngoài tỉnh biên bản ghi nhớ, thỏa thuận về tiêu thụ nông sản.

Chia sẻ về việc liên kết thực hiện đề án giữa các tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương kỳ vọng kết quả mà đề án mang lại sẽ giúp các tỉnh giải quyết những khó khăn vướng mắc trong chuỗi giá trị, mang lại những hoạt động liên kết đặc trưng nổi bật cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười, như việc thành lập Trung tâm Logistic cho toàn vùng, thực hiện kết nối giữa các sản phẩm trong vùng, bao gồm từ khâu thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm đến phân phối, liên kết tiêu thụ, tiến tới đấu giá nông sản của tiểu vùng Đồng Tháp Mười trong tương lai không xa.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chúc mừng sự chuyển mình của tiểu vùng Đồng Tháp Mười sau 30 năm. Từ nền sản xuất nông nghiệp khá thấp đến trở thành “xương sống” của nền kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng Tháp Mười. Theo đó, Ngân hàng thế giới hứa sẽ hỗ trợ cho khu vực này tiếp tục phát triển.

Phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước.

Để đề án mang tính khả thi cao, 3 tỉnh tiếp tục tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế. Theo các chuyên gia nhận định, đề án được đầu tư công phu, lồng ghép được nhiều yếu tố vào “bức tranh” chung của tiểu vùng. Các chuyên gia tin tưởng về kết quả của Đề án khi có sự đồng thuận cao của lãnh đạo 3 tỉnh.

Nhằm giúp đề án đi sát với thực tế, các chuyên gia cho rằng đề án cần chú ý đến cơ chế thị trường; liên kết sản xuất; quan trọng hơn hết là thu hút doanh nghiệp tham gia.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển tiểu vùng rất lớn trong việc hình thành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị thực phẩm trong nông nghiệp. Để làm được điều này, cần huy động vốn lĩnh vực tư nhân, thực hiện dồn điền đổi thửa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, hiện đại hóa chuỗi giá trị, thúc đẩy hệ thống giao thông đa phương thức...

Theo đề xuất của Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, các địa phương thực hiện đề án cần xác định sản phẩm chiến lược. Đồng thời phải xác định thị trường đối với từng sản phẩm. Trên tinh thần đó, điều quan trọng nhất chính là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư đồng thời cần “bắt tay” với những doanh nghiệp, doanh nhân tìm được thị trường cho nông sản. Ngoài ra, vấn đề Logistic cũng là nội dung cần được nghiên cứu sâu.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhận định, động lực phát triển tiểu vùng không phải là mảnh ghép hạ tầng, nông nghiệp... mà chính là phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước làm nền tảng, điều kiện gắn kết tiểu vùng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, mỗi vùng có không gian và hệ sinh thái riêng, từ đó mới có tiểu vùng nông nghiệp, văn hóa và con người riêng. Tất cả điều này là động lực, mục tiêu hướng tới để một ngày nào đó chúng ta có thương hiệu nông sản, du lịch gắn với điều kiện thổ nhưỡng hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Đề án đã chuyển từ giá trị văn hóa vô hình thành sức mạnh, giá trị hữu hình.

Y DU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang