• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thành công từ sự sẻ chia

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 14/10/2017
Ngày cập nhật: 16/10/2017

Cho đến thời điểm hiện tại, thanh long ruột đỏ vẫn là loại cây trồng chưa được nông dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Song, bằng tư duy làm nông nghiệp cấp tiến, sự chân thành và dấn thân hết mình của tuổi trẻ, anh Nguyễn Hữu Dư (ngụ ấp Tân Phong, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) đã góp phần giúp vùng quê Phong Hòa từng ngày thay da đổi thịt, thu nhập của nông dân được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tốc độ hoàn thành chỉ tiêu về thu nhập cho địa phương.

Anh Dư làm giàu từ việc trồng thanh long xuất khẩu

Hành trình tìm “công thức” làm giàu của anh Dư “liều”

Sở dĩ chúng tôi gọi cách làm giàu của anh Dư là liều là bởi lẽ nếu không có “máu liều”, sự quyết tâm mạnh mẽ thì có lẽ hiện tại anh Nguyễn Hữu Dư vẫn mãi lủi thủi với cách làm nông nghiệp theo kiểu cũ.

Chọn nghề nông để lập nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Dư gắn bó với công việc đồng áng bắt đầu từ nghề trồng lúa rồi chuyển sang làm rẫy. Chọn hướng đi làm rẫy, anh từng rất thành công với nghề trồng huệ. Nhớ lại thời điểm năm 2010, anh Dư bắt đầu nhận thấy cây huệ, một cây trồng rất thịnh hành ở vùng quê anh lúc bấy giờ mà gia đình chuyên canh tác bắt đầu ngừng phát triển thị trường, có dấu hiệu tuột dốc. Lợi nhuận từ trồng huệ ngày một teo tóp bởi đầu ra tiêu thụ ngày một khó khăn, dịch bệnh tấn công ngày một nhiều.

Kể từ giai đoạn đó, khi nghe báo, đài thông tin ở đâu có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, anh Dư lại tất tả tìm đến học tập. Sau nhiều lần háo hức đến nơi rồi hụt hẫng đi về, anh Dư nghiệm ra, cần phải bình tĩnh ngồi lại suy nghĩ thật kỹ, cần hiểu rõ thị trường đang cần gì, thế mạnh xuất khẩu của nông nghiệp nước nhà là gì rồi mới chuyển đổi, chứ phát triển mô hình mới theo kiểu tự phát, mù tịt về thị trường thì chỉ có nước phá sản. Không nản chí, anh Dư tiếp tục miệt mài “cày” trên internet rồi hỏi thăm nhiều nơi để tìm mô hình chuyển đổi phù hợp, cuối cùng kể từ năm 2012, anh quyết định chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ.

Anh Dư chia sẻ: “Thời điểm đó, mình nghĩ rằng trong số nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu được thì trái thanh long chiếm gần 2/3 tỷ trọng xuất khẩu. Theo dõi kỹ trong những năm gần đây, nhận thấy sản lượng thanh long xuất khẩu luôn có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Đã làm nông nghiệp phải nghĩ tới chuyện xuất khẩu được, có như vậy thì mới bền vững”.

Tuy nhiên, ước mơ làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ của anh Dư lại đối mặt với nhiều va vấp và trở ngại ở buổi đầu. Thời điểm năm 2012, huyện Lai Vung nói riêng và Đồng Tháp nói chung không có nhiều mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Việc học tập kỹ thuật canh tác cho loại cây trồng này không hề dễ dàng. Sau gần 2 năm, những trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên bắt đầu trĩu quả, mang ra chợ bán từ 15 ngàn - 20 ngàn đồng/kg, tuy nhiên càng vào chính vụ, giá thanh long càng rẻ bèo, có những lúc thanh long chín đầy vườn không ai tới hỏi mua.

Anh Dư tâm sự: “Lúc đó mình rất nản vì không biết ứng dụng cách nào để làm ra trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, rồi làm sao để kết nối với doanh nghiệp thu mua. Sau thời gian khó khăn đó, tôi đánh liều chạy xe máy ra tận Bình Thuận “tầm sư học đạo”. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản, tỉnh Bình Thuận là “thủ phủ” của thanh long, đến đó chắc sẽ tìm được cách cứu vườn thanh long nhà mình”.

Đổi lại cho những hi vọng cháy bỏng của anh Dư là sự hụt hẫng tràn trề, không những không tìm được giải pháp mà mấy chục triệu đồng cũng hết sạch sau các chuyến đi không kết quả. Anh Dư về quê tìm kiếm và kết nối với bà con đang trồng thanh long của huyện Lai Vung, Châu Thành để cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Khi kỹ thuật trồng đã bắt đầu ổn định và sản phẩm có dấu hiệu tích cực, anh Dư tiếp tục một mình đánh xe máy, chở sản phẩm thanh long nhà mình lên doanh nghiệp ở Long An giới thiệu. Ban đầu doanh nghiệp ở Long An cảm thấy rất buồn cười bởi cách tiếp thị rất ngộ nghĩnh của anh Dư, tuy nhiên dần về sau bằng chất lượng của sản phẩm, sự chịu khó và cầu thị của anh, doanh nghiệp bắt đầu có cái nhìn thiện cảm ơn với sản phẩm thanh long của anh chàng nông dân xứ Lai Vung.

Mở lòng sẻ chia và ý thức hợp tác phát triển

Khi được hỏi, có cảm thấy tiếc khi những kinh nghiệm của mình phải trả giá bằng bao mồ hôi công sức, giờ anh truyền lại cho mọi người với mức học phí 0 đồng. Anh Dư im lặng hồi lâu, rồi hai hàng ước mắt chảy dài trên đôi gò má cháy sạm vì nắng gió, giọng anh bắt đầu rưng rưng: “Hồi xưa mình khổ nhiều rồi, biết cảm giác khi thất bại bị người ta chê cười là như thế nào, kinh nghiệm không tự sinh ra mà nó có được từ sự va chạm và trả giá. Tôi mất quá nhiều thời gian mới tìm được cái gọi là “công thức làm giàu” như bây giờ, tại sao mình không mở lòng chia sẻ với bà con để tất cả mọi người có thể làm giàu, cùng nhau phát triển, sao đành lòng bóp chết những ước mơ vừa mới chớm”. Với suy nghĩ đó, hầu như tất cả các bí quyết về kỹ thuật, cách xử lý bông trái thế nào để thanh long đạt chuẩn xuất khẩu đều được anh Dư tận tình truyền đạt lại cho bà con nông dân.

Anh Dư tâm sự: “Thật ra, ban đầu bà con cũng còn e dè lắm, một phần sợ tôi không hướng dẫn thật tình, phần vì thấy tôi còn trẻ nên không dám tin. Nhưng sau thời gian, bà con biết mình chân thành, làm ăn đàng hoàng nên bắt đầu tin tưởng rồi ủy thác cho mình trách nhiệm đứng ra làm đại diện cho bà con để làm ăn, giao dịch với doanh nghiệp”.

Đầu năm 2015, khi số lượng thành viên và diện tích trồng thanh long của xã Phong Hòa đủ lớn, anh Dư và gần chục nông dân ở đây mạnh dạn tự thành lập Tổ hợp tác (THT) thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa. Kể từ đây, những trụ thanh long ruột đỏ mới thật sự bén rễ.

Buổi đầu, ngoài anh Dư thì toàn xã Phong Hòa chỉ có vài hộ trồng thanh long ruột đỏ, diện tích chưa đầy 10ha. Sau thời gian ngắn thấy cách làm của THT thanh long hiệu quả, nhiều nông dân của địa phương ngỏ ý xin tham gia. Sau hơn 2 năm thành lập, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ của xã Phong Hòa hiện đã trên 50ha, quy mô khoảng 75 thành viên. Điều đáng nói là có cả những nông dân ở các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ cũng xin gia nhập làm thành viên của THT.

Trung bình mỗi năm anh Dư cung cấp khoảng 20 tấn thuốc nam miễn phí cho các phòng thuốc nam và tổ sưu tầm dược của địa phương

Nhờ sản xuất theo một quy trình đồng nhất nên sản phẩm thanh long ruột đỏ của THT thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa được doanh nghiệp thu mua đánh giá rất cao. Trung bình thanh long ruột đỏ loại I vụ nghịch có giá dao động từ 50 ngàn - 65 ngàn đồng/kg; thanh long cùng loại vào vụ thuận từ 20 ngàn - 25 ngàn đồng/kg. Nhờ vào THT cùng mua chung, bán chung sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp nên nông dân không phải mất chi phí trung gian cho thương lái, từ đó lợi nhuận cũng cao hơn so với người trồng thanh long ngoài mô hình. Trung bình 1ha trồng thanh long sau khi trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc đồng hành cùng với chính quyền phát triển kinh tế địa phương, anh Dư còn là một tấm gương thanh niên nhiệt tình trong công tác xã hội ở địa phương. Ngoài chăm lo cho công việc đồng áng gia đình, anh Dư còn liên kết với một số tổ sưu tầm dược liệu ở địa phương để trồng thảo dược. Hiện tại, anh Dư thuê khoảng 0,5ha để trồng nhiều loại thảo dược như: nghệ, ké đầu ngựa, tía tô... cung cấp miễn phí cho các phòng thuốc nam từ thiện của địa phương. Ngoài ra, anh Dư cũng là mạnh thường quân có nhiều năm gắn bó, đóng góp cho công tác khuyến học của xã.

Ông Trần Anh Phong, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phong Hòa nhận định, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh Nguyễn Hữu Dư nhìn nhận đúng đắn về cách làm nông nghiệp hiện đại. Chính sự chân thành và tinh thần hết lòng vì cộng đồng mà anh Dư nhận được sự tín nhiệm từ bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương. Từ mô hình của anh Dư, nông dân ở đây có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về kinh tế hợp tác, ý thức sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường... Anh Dư là một trong những thanh niên tiêu biểu của địa phương trong vượt khó làm kinh tế giỏi và có thành tích tốt trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỹ Lý

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang