• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ân tình của đất

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình, 17/09/2017
Ngày cập nhật: 20/9/2017

Trong khi nhiều địa phương phải chật vật vận động nông dân quay lại với ruộng đồng, thì vẫn còn có những nhà nông luôn đau đáu hướng về phía ruộng đất quê nhà với niềm tin và khát khao cháy bỏng rằng, đó không chỉ là nơi chốn mưu sinh mà còn là máu thịt. Bởi hơn ai hết, họ hiểu và cảm nhận được những ân tình của đồng đất quê hương bằng cả cuộc đời gắn bó, ngụp lặn, vun vén cho những đồng lúa tốt tươi.

“Khát” ruộng!

“Đã là nông dân thì phải bám ruộng thôi”, câu nói nhẹ bẫng, thốt ra một cách tự nhiên của nông dân Nguyễn Công Lý ở thôn Xuân Bắc 2, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) không lạ. Nhưng điều lạ là bởi nó được phát ra giữa bối cảnh nông dân nhiều nơi quay lưng với ruộng đồng. Ở xã Hoa Thủy, tên tuổi của ông Lý không ai là không biết đến, bởi ông là một trong số ít nông dân sở hữu nhiều ruộng nhất xã này. Mọi chuyện bắt đầu từ Nghị định 64 chia đất cho nông hộ sở hữu.

Anh Trần Văn Tan trên cánh đồng 10ha thuê lại của xã Gia Ninh (Quảng Ninh).

Ông bảo, Nghị định 64 đã thay đổi số phận của những người nông dân như ông. Bởi, chính bản thân ông đã thấm những ngày tháng đói vật, đói vờ bởi cảnh làm ruộng chấm công. Là nông dân, sinh ra, lớn lên trên đồng ruộng mà vẫn không có ruộng.

Suốt ngày hì hục cắm mặt vào đất mà vợ chồng với mấy đứa con vẫn phải cơm độn khoai, sắn đắp đổi qua ngày. Cũng vì đói và muốn thoát đói mà ông khẩn trương xắn tay tiến hành khai hoang làm ruộng. Thời kỳ đó, ông “khát” ruộng như đất hạn đợi mưa rào. Cứ ở đâu nghe có đấu ruộng là ở đó ông có mặt.

Nhưng khổ nhất phải kể đến thời điểm ông đấu trúng 8ha ruộng giữa mênh mông trời nước của vùng vời phá Hạc Hải bời bời lùng, năn, lác. Ông bảo, đấu xong, xuống nhận ruộng mới thấy mình liều. Liều nhưng máu liều mình có sẵn.

Vậy là ông xắn tay, dầm mình xuống đồng đất quê, làm quần quật suốt ngày đêm. Mà lúc đó làm gì có máy móc gì, chỉ hai bàn tay và con trâu đi trước cái cày theo sau. Nền đất vùng ruộng phá không giống như những chân ruộng cạn khác, bùn ở đây ngập tới bụng, ông phải dùng cọc tre 1,5m đến 2m để dựng hàng rào, rồi mới xắn bùn đắp đập.

Thế nhưng, đâu phải chỉ làm mỗi một lần là đưa mạ xuống cấy ngon lành, mà phải qua mỗi năm đắp bồi dần từng tí một. Cũng có vụ lúa, ông vừa găm được chân mạ trên đất thì nước phèn mặn tràn vào. Lại phải gieo cấy lại, mà tới những 2 lần. Mỗi lúc như thế, đâu có thời gian để ăn, vả lại giữa mênh mông trời nước đầm phá, bùn nước ngập ngang bụng ông phải “ăn cơm đứng”. Phải mất tới 5,7 năm, con đập mới đủ sức ngăn nước phèn mặn từ phá Hạc Hải tràn vào. Ngày này qua tháng khác, suốt ngày cắm mình trên ruộng, nhiều vùng đất hoang đã trở thành ruộng lúa bời bời.

Thoạt mới nhìn, thật khó hình dung được cái dáng nhỏ con nhưng đậm chắc ấy lại sở hữu 10ha ruộng. Ông cười hỉ hả: “10ha, mỗi năm thu khoảng 60 đến 70 tấn lúa, tương đương 300 triệu, trừ chi phí được khoảng 100 triệu. Cộng thêm vụ cá-lúa, vịt-lúa, lãi khoảng trăm triệu nữa”. Theo cách nói của ông, “từng nớ, cũng tạm đủ sống”.

Vẫn cái vẻ nhàn tản của một nông dân đương lúc nông nhàn, ông chậm rãi kể rằng, đời ông cũng làm đủ nghề để sống, thế nhưng chốt lại nghề nào cũng gắn bó với ruộng đồng như là số phận: từ cày thuê, cuốc mướn đến tuốt lúa thuê. Quanh năm, suốt gần 60 tuổi đời, ông đều quẩn quanh với ruộng đồng. “Nói thiệt, đã là nông dân thì khổ lắm.

Thế nhưng với riêng tui, ruộng đồng cho sự tự do, thoải mái. Cực nhưng mà sướng”, ông tâm sự. Năm nào ông cũng được huyện biểu dương là nông dân giỏi, thế nhưng điều làm ông tự hào là nuôi được 5 người con khôn lớn, trong đó có 3 đứa đại học, 2 đứa đã có việc làm ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông kể, thằng con học Đại học Xây dựng, làm giám sát công trình, lương tháng 15, 16 triệu, vậy mà nó còn kêu khổ. Không biết nó nói đùa hay thật mà có lần tâm sự với ông là e con về làm ruộng với cha, sướng hơn. Nói rồi ông ngã người ra ghế, trở lại cái vẻ thư thái, thong dong của một lão nông lúc nông nhàn.

Đi tìm... ruộng

Thế hệ ông Lý còn có ruộng để đấu thầu, khai hoang lập ruộng, chứ như thế hệ anh Trần Văn Tan (SN 1970) ở thôn Xuân Bắc 1, xã Hoa Thủy, muốn khai hoang cũng khó. So với thế hệ ông Lý, thì lớp nông dân như anh Tan chỉ là bậc em út, thuộc thế hệ sau. Thế nhưng, anh Tan là một trong những người nông dân cần mẫn và táo bạo. Suốt hơn hai chục năm nay, anh mãi miết đi thuê, mua lại ruộng của các địa phương khác để... làm ruộng.

Những ngày tháng lang thang chăn vịt chạy đồng về tận phía cánh đồng lân cận các xã thuộc huyện Quảng Ninh, nhìn những thửa ruộng bị bỏ hoang anh vừa tiếc vừa xót. Trong khi bản thân không có ruộng để làm, người dân ở đây lại bỏ ruộng hoang. Năm 1994, anh xuống đặt vấn đề với chính quyền xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), rồi dò dẫm đến từng hộ dân ở đây để hỏi mua ruộng.

Những vụ mùa bội thu là “quả ngọt” cho người nông dân gắn bó với ruộng đồng.

Dĩ nhiên, những thửa ruộng đó cũng chẳng phải bờ xôi ruộng mật gì. Có khó người ta mới bỏ hoang. Anh gom đến 7ha những thửa ruộng này. Có làm thì có ăn thôi. Nhưng làm được chừng 4 năm, khi thấy anh làm được, người ta xót của lại lấy lại. Năm 1998, anh đến xã Gia Ninh (Quảng Ninh) và thuê 3ha ruộng 5% của xã, rồi gom nốt 7ha ruộng ở vùng ngoài đê phá Hạc Hải đang bỏ hoang ở đây nữa, với giá 6 triệu đồng/ha/năm, thuê 5 năm, mỗi năm trả tiền 1 lần.

Thế hệ như anh, phần lớn dù không ly hương cũng ly nông, sao anh lại thiết tha với ruộng đồng đến vậy? Anh từ tốn mà rằng, chắc tại mình không giỏi hoặc không biết làm chi ngoài làm ruộng. Người ta bảo làm ruộng lỗ và khó có thể khá lên được, thế nhưng từ khi đi thuê ruộng để làm, tôi thấy cũng không đến nỗi nào, anh tâm sự.

Dù không ít lần cả gia đình phải lao đao, lận đận vì cái cảnh “đánh bạc với trời”. Đó là những năm tháng vợ chồng mới thuê ruộng ở vùng ngoài đê phá Hạc Hải, xã Gia Ninh. Những năm đầu, khi mới cắm cọc tre, đắp đập bờ vùng, lúa vừa cấy xong, phèn mặn tràn vào cháy hết cả. Lại phải sấp ngửa thuê người cấy lại.

Mất 7 năm, cây lúa mới đứng chân được trên đồng. “Nhưng, giờ thì đã ổn. Cứ thế mà làm. Mỗi năm một vụ đông-xuân, còn lại là lúa tái sinh-cá, và nuôi vịt. Nông dân mà, tằng tằng như thế là được. Giờ mà ở đâu cho thuê 5, 7ha, thậm chí chục ha tôi vẫn thuê. Làm ruộng, hễ cứ làm ít thì lời ít, mà làm nhiều thì lời nhiều. Điều đó không có gì lạ cả. Thế nhưng, giá như có chủ trương cho thuê, hoặc bán ruộng lâu dài hơn thì mình yên tâm làm ăn hơn”, anh mong mỏi.

Ruộng đồng thì vẫn vậy, chỉ có cuộc sống và tâm thế của nhiều nông dân đã đổi khác, nhưng vẫn còn đó những mối ân tình với ruộng đồng vẹn nguyên và nặng sâu như thuở ban đầu. Làm sao để những cơn “khát”ruộng của những người nông dân như anh Tan không dừng lại? Làm sao để những người nông dân như anh Tan không phải thấp thỏm, lo âu khi đứng trước những thửa ruộng lớn này, đó là điều mà các cấp chính quyền cần phải có lời giải?

Ruộng đồng thì vẫn vậy, chỉ có cuộc sống và tâm thế của nhiều nông dân đã đổi khác, nhưng vẫn còn đó những mối ân tình với ruộng đồng vẹn nguyên và nặng sâu như thuở ban đầu.

Làm sao để những cơn “khát”ruộng của những người nông dân như anh Tan không dừng lại?

Dương Công Hợp

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang