• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuỗi giá trị liên kết: Hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi, 21/08/2017
Ngày cập nhật: 22/8/2017

Hợp tác xã cây giống hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách). Ảnh: Cẩm Trúc

Người dân e ngại tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Họ cho rằng, liên kết phải thực hiện các quy trình như: chọn giống, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, thu hoạch, bảo quản… như thế là rườm rà, rắc rối. Đó chắc chắn là kiểu tư duy không còn phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.

Giá trị nông sản phần nhiều không ở túi nông dân

Anh Dương ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một nông dân gắn bó với nghề chăn nuôi bò gần 20 năm nay. Thu nhập từ nuôi bò giúp gia đình có cuộc sống tương đối ổn định. Từ khi con bò Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, anh Dương càng tin tưởng vào nghề nuôi bò nhiều hơn.

Chiều một ngày giữa tháng 8-2017, anh Dương có dịp đi ăn tại một quán chuyên bán các món ăn được chế biến từ thịt bò Ba Tri tại TP. Bến Tre. Sau khi thanh toán tiền hơn một triệu đồng cho bữa ăn, anh Dương “đắng lòng” vì trọng lượng thịt chưa tới 1/100 lượng thịt của con bò trưởng thành nhưng phải trả số tiền gần bằng 1/10 con bò trưởng thành khi bán cho thương lái. Đương nhiên, chủ quán phải đầu tư thêm chi phí vận chuyển, mặt bằng, nhân viên phục vụ… Nhưng chẳng lẽ những người nông dân quanh năm cắt cỏ, hốt phân, dọn chuồng, giăng mùng đến khi bò lớn chỉ bán với giá lấy công làm lời mãi như thế hay sao. Những suy nghĩ đó khiến anh cảm thấy chua xót cho cái nghề của mình.

Chế biến cá khô ở các làng nghề ven biển cũng cần sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Ảnh: Mã Phương

Có lẽ không riêng anh Dương mà tất cả những nông dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản quảng canh, canh tác vườn cây ăn trái, chăn nuôi heo… đều bị sốc khi phải trả tiền mua những sản phẩm nông sản đã qua nhiều trung gian, chế biến do chính mình đã thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương cực nhọc làm ra. Trăn trở này vẫn diễn ra lâu nay do người dân vẫn chuộng cách làm ăn tự do, nhờ trời. Đến mùa vụ thu hoạch, thương lái vào tận vườn ngã giá, hai bên chỉ cần cái gật đầu là xong. Ngay cả phần lớn những nông dân sản xuất giỏi cũng xa lạ với việc làm ăn trực tiếp và có kế hoạch với doanh nghiệp. Điều này khiến cho giá trị nông sản phần lớn rơi vào túi những thương lái tự do. Trong khi đó, cũng là nông dân nhưng nông dân tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan… và gần gũi hơn là nông dân ở tỉnh Quảng Ninh với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã có cuộc sống rất ổn định, khá giả. Họ không phải lo nghĩ về đầu ra sản phẩm hay đối mặt với nguy cơ mắc bệnh từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi họ là những thành viên tích cực của mô hình hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) có liên kết trực tiếp, sản xuất theo đơn đặc hàng của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, nhiều HTX còn trực tiếp chế biến ra sản phẩm nông sản hoàn hảo cuối cùng, giữ quyền nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, tự quảng bá sản phẩm và tiêu thụ trực tiếp trên thị trường với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Đối với cách làm của họ không có chỗ cho thương lái tự do lợi dụng chiếm hết phần lợi nhuận.

Nơi đầu tư nghiêm túc

THT dừa xiêm xanh Phong Mỹ (Ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm) mới được thành lập khoảng 2 tháng, với 19 thành viên. Ngay sau khi thành lập, THT đã ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH sản xuất dừa MeKong (huyện Châu Thành). Việc các thành viên được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc rất bổ ích, được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định, cao hơn giá thị trường đã trở thành tâm điểm chú ý của hầu hết nông dân địa phương và xin tham gia.

“THT dừa xiêm xanh Phong Mỹ hay mô hình THT nói chung chỉ là bước sơ khai ban đầu của kinh tế tập thể. Mô hình này thực chất chỉ có thể mang lại lợi ích rất nhỏ cho các thành viên. Vì họ chỉ có thể tham gia rất ngắn trong chuỗi giá trị liên kết. Tôi khẳng định, chỉ có mô hình HTX mới đủ điều kiện để hưởng tối đa ưu đãi từ các chính sách dành cho nông nghiệp của Nhà nước. Quan trọng hơn là có pháp nhân thương mại để tự thân thực hiện tất cả các hoạt động trên thị trường, thậm chí trực tiếp xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Thượng - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định.

Tuy nhiên, mô hình HTX hiện nay chưa nhận được sự đồng tình cao của người nông dân. “Chỉ riêng vấn đề thiếu nhân sự quản lý, điều hành các HTX nông nghiệp cũng khiến chúng tôi đau đầu. Bởi chẳng có nông dân nào cho con đi học lại muốn về làm việc trong các HTX. Trong khi giải pháp tình thế là đề nghị luân chuyển cán bộ nhà nước về làm việc cho HTX cũng chưa thực hiện được. Ngoài ra, còn hàng loạt khó khăn khác xuất phát từ sự không mặn mà tham gia từ các thành viên” - ông Phan Chánh Thi - Chủ tịch Liên minh HTX trăn trở.

Theo ông Thi, muốn HTX thành công và giúp thu nhập người nông dân tăng lên thì trước hết người dân cần nhận thức rằng, HTX không chỉ là nơi tham gia với số vốn góp tối thiểu mà còn phải là nơi đầu tư nghiêm túc như công ty cổ phần. “Đỉnh cao của HTX nông nghiệp chính là công ty cổ phần trong lĩnh vực này. Thành viên cũng như cổ đông và chỉ có sự đầu tư tích cực từ các cổ đông thì công ty cổ phần mới có đủ điều kiện, sức mạnh mà triển khai đầy đủ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao... Từ thực tế tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới, tôi khẳng định chỉ có môi trường kinh tế HTX mới giúp nông dân có đời sống ổn định và phát triển bền vững” - ông Thi khẳng định.

Chuỗi giá trị liên kết sản phẩm là bước tiến ở cấp độ cao của nền kinh tế thị trường. Điều này không còn hoài nghi gì nữa. Bởi các quốc gia, các vùng miền đã thành công trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại đều phải thông qua chuỗi giá trị liên kết. Đây là điều tiên quyết hiện nay đối với các sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu, cũng như một số HTX đang có điều kiện tốt cần được hỗ trợ thiết thực để khai thác các lợi thế, tăng lợi nhuận thiết thực để tạo sự lan tỏa.

Mã Phương

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang